Ngày 22-10, Ủy ban châu Âu (EC) đánh giá mức dự trữ khí đốt của khu vực và giá khí đốt trên thị trường thế giới thời điểm này vẫn ổn định. Tuy nhiên EC lo ngại rằng tình hình xung đột tại Gaza giữa Israel và phong trào vũ trang Hồi giáo Hamas sẽ ảnh hưởng nguồn cung khí đốt, khiến giá loại nhiên liệu này tăng mạnh trong thời gian tới, theo tờ Financial Times.
Theo cơ quan này, việc đường ống dẫn khí Balticconnector trên biển Baltic (nối giữa Phần Lan và Estonia) bị đóng hồi tháng trước cũng khiến khối này lo ngại nguồn cung khí đốt tại khu vực trong mùa đông 2023 bị ảnh hưởng. Theo Financial Times, đường ống Balticconnector ngưng hoạt động vì bị rò rỉ, nghi do hành vi phá hoại gây ra.
Trước tình hình đó, 10 nước thuộc Liên minh châu Âu (EU) tuần qua đã gửi thư yêu cầu khối này thực hiện các biện pháp khẩn cấp nhằm ngăn chặn nguy cơ xảy ra khủng hoảng năng lượng tại khu vực như mùa đông năm 2022.
Theo Financial Times, để ngăn khủng hoảng năng lượng ảnh hưởng sâu rộng tới khu vực, cuối năm ngoái, EU đã áp dụng “cơ chế điều chỉnh thị trường”, trong đó có đặt ra mức giới hạn giá khí đốt không quá 180 euro (hơn 190 USD) mỗi megawatt/giờ cho các giao dịch khí đốt tại khu vực, đồng thời tung các gói trợ cấp giá khí đốt cho người tiêu dùng.
“Chúng tôi chưa biết điều gì sẽ xảy ra trong năm nay. Chúng tôi cũng không chắc xung đột Israel-Hamas sẽ ảnh hưởng như thế nào tới thị trường khí đốt thế giới, nhưng khả năng cao chúng tôi sẽ công bố các biện pháp khẩn cấp trong thời gian tới để ngăn khủng hoảng khí đốt tái diễn tại khu vực” – Financial Times dẫn thông báo EC.