Gần 800 giáo viên ở Quảng Ngãi đợi lương

Năm học 2018 - 2019, thực hiện chủ trương của Tỉnh ủy và UBND tỉnh Quảng Ngãi về quản lý, sử dụng biên chế, hợp đồng lao động trong các cơ quan, tổ chức thuộc hệ thống chính trị, tất cả các cơ quan, đơn vị phải chấm dứt hợp đồng với người lao động. Trong đó có các trường học trên địa bàn.

Để đảm bảo nhu cầu dạy và học, một số trường học ở Quảng Ngãi buộc phải tự ký hợp đồng lao động với giáo viên nhưng bị vướng quy định nên Kho bạc Nhà nước không giải ngân.

Nhiều giáo viên hợp đồng phải chờ đợi lương. Ảnh: TV. 

Theo tìm hiểu của chúng tôi, hiện nay, tại Trường TH Chánh Lộ (TP Quảng Ngãi) thiếu đến bảy giáo viên.

Đầu năm 2019, trường này đã ký hợp đồng lao động với bảy giáo viên với mức lương từ 2 - 2,5 triệu đồng/tháng. Tương tự, Trường THCS Quảng Phú (TP Quảng Ngãi) đã ký hợp đồng với hai giáo viên và một nhân viên kế toán để đảm bảo hoạt động...

Đến nay, qua bốn tháng tất cả số giáo viên, nhân viên này đều rơi vào tình cảnh mòn mỏi “đợi” nhận lương.

Một giáo viên hợp đồng, chia sẻ: "Từ ngày không có lương, cuộc sống của tôi vô cùng khó khăn, đã nhiều lần mình muốn bỏ, nhưng do lòng yêu nghề, không nỡ bỏ học sinh giữa chừng. Tôi đã phải đi dạy thêm để trang trải cuộc sống".

Trao đổi với chúng tôi, ông Nguyễn Văn Kiểm - Phó trưởng Phòng GD&ĐT TP Quảng Ngãi, xác nhận: "Việc các trường học trên địa bàn hợp đồng với giáo viên là đương nhiên. Vì hiện nay, TP thiếu khoảng 200 biên chế".

Ông Đoàn Dụng, Giám đốc Sở Nội vụ tỉnh Quảng Ngãi, cho biết thêm: Thực trạng các trường phải ký hợp đồng với giáo viên để hoàn thành nhiệm vụ năm học vì thiếu biên chế là thực trạng chung trên toàn quốc không riêng gì ở tỉnh Quảng Ngãi. 

Tại Quảng Ngãi, hàng năm, xê dịch khoảng từ 700 - 800 giáo viên do nghỉ hưu theo chế độ, nghỉ hưu trước tuổi, luân chuyển công tác ra ngoài tỉnh hay chết do nhiều nguyên nhân. Nên ngành giáo dục phải hợp đồng lao động.

Tháng 10.2018, Nghị định 161 của Chính phủ có hiệu lực từ ngày 1-1-2019, không cho hợp đồng trong các đơn vị sự nghiệp công lập vì vậy tỉnh có văn bản chỉ đạo chấm dứt hợp đồng từ ngày 1-1-2019 dẫn đến tình trạng một số trường học để hoàn thành nhiệm vụ năm học phải tiếp tục hợp đồng với giáo viên, nhưng Kho bạc Nhà nước không giải ngân.

Khi thực hiện nghiêm túc Nghị định 161 thì việc giải ngân của Kho bạc Nhà nước cho các lao động này hết sức khó khăn.

Trong thời gian đến, sẽ kiến nghị cấp trên có hướng giải quyết phù hợp và có tổ chức thi tuyển giáo viên sớm.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm