Nhà tôi, nhà chị Rơi và nhà của chồng chị đều chung làng, khiến câu chuyện qua miệng lưỡi người dưng thêm phần... gay cấn. Họ thêu dệt, bàn tán quanh năm. Chuyện mỗi ngày chị Rơi đi bán rau qua lại ngang nhà người yêu cũ, dáng vẻ vội vàng, mặt cúi xuống càng trở thành đề tài xôm tụ. Chị dâu ở tỉnh khác, về hôm trước, hôm sau đã nghe ngóng, dò hỏi, sớm nắm bắt toàn bộ thông tin.
Với người ngoài, chị dâu thích nghe họ nói về “tình địch”; họ không nói, chị sẽ tìm cách “mớm lời”. Càng nghe người ta chê “tình địch” già nua, xuống sắc, xấu xí, người gì teo nhẻo, chị càng ra vẻ hả hê. Chị hùa vào: “May mà ông Dũng (tên anh tôi) với bà ấy không cưới nhau, chứ lấy về người ta tưởng mẹ con, kỳ lắm”.
Với người trong nhà, chị đặt điều nói xấu chị Rơi. Nhiều lần chị dâu kể, nào thấy chị Rơi mạt sát, chửi bới người mua hàng; nào hàng chị Rơi bán giá trên trời hay thấy dáng chị ngồi nhai cục giò giữa chợ, trông ớn... Kể xong, bao giờ chị cũng quy kết: “Mấy người hung dữ, thế đi dáng đứng như vậy mà về làm dâu nhà này, người khác bị... “ăn thịt” như chơi”.
Ba đường dao lam trên cổ tay anh tôi - tự vẫn hụt trong ngày chị Rơi đi lấy chồng - luôn sẵn sàng gợi lên trong chị sự tức tối. Ảnh minh họa
“Đày đọa” chúng tôi chưa phải là cách chị dâu trút bỏ ghen hờn, dằn vặt anh tôi mới thỏa được nỗi ghen tuông trong chị. Ba đường dao lam trên cổ tay anh tôi - tự vẫn hụt trong ngày chị Rơi đi lấy chồng - luôn sẵn sàng gợi lên trong chị sự tức tối. Chị thường cắn đắng: “Đàn ông gì yếu đuối, nhu nhược. Đàn bà chết hết hay sao mà yêu không được thì muốn chết?”; rồi chị xóc xỉa: “Là vì người ta cũng mê chồng giàu mới bỏ anh, đâu như em không ngại xa xôi, nghèo khó”. Thậm chí, có lần chị còn trẻ con đến mức đùa cợt: “Anh ở tới bốn mươi vì chờ bả phải không? Giờ thấy bả khổ quá thì bỏ tui đi rồi kêu bả bỏ chồng, rồi hai người đến với nhau”. Anh tôi ít nói, hiền lành, chỉ cười cười để phớt lờ hoặc gãi đầu trấn an: “Do duyên số bắt anh chờ em”.
Hình ảnh chị Rơi như cơn bão quét qua rồi ở lại mãi trong ngôi nhà của anh chị. Mới hai năm hôn nhân mà vợ chồng trách mắng, đòi bỏ nhau như cơm bữa. Anh tôi biến thành kẻ thích bạo hành, thô lỗ, hay say xỉn tự bao giờ. Anh không biết khuyên vợ. Còn chị cũng nào biết, đã sai trái khi mải miết ngoáy chọc quá khứ, chị còn chọn dẫn cuộc hôn nhân của mình đến pháp trường, mà ghen tuông là một tên đao phủ.
Theo Phong Nguyệt (PNO)