Giá dầu còn 30 USD/thùng, giảm sâu nhất trong 12 năm

Lần đầu tiên trong 12 năm giá dầu ngày 12-1 đã giảm xuống dưới mức 30 USD/thùng. Giá dầu đã giảm liên tục suốt bảy ngày giao dịch qua, chỉ trong chín phiên giao dịch đầu năm 2016 đã mất 19% và mất 72% kể từ mức 108 USD/thùng tháng 6-2014.

Tại Mỹ, giá dầu thô ngọt nhẹ giao vào tháng 2 giảm 3,1% so với ngày trước đó, xuống còn 30,44 USD/thùng. Trong ngày có thời điểm giá dầu xuống tới mức 29,93 USD/thùng. Tại Anh, giá dầu Brent giảm 3%, ở mức 30,86 USD/thùng.

Theo Reuters một nguyên nhân có thể là do giảm cầu từ Trung Quốc, nước tiêu thụ dầu lớn thứ hai thế giới.

Đợt giảm này kéo dài lâu và giảm sâu hơn nhiều so với dự đoán của các chuyên gia năng lượng và hiện chưa thấy dấu hiệu giá dầu sẽ ngừng giảm trong thời gian ngắn tới. Các nhà môi giới bi quan và chịu thua không thể dự đoán được khi nào làn sóng rớt giá từ đầu năm đến nay sẽ chựng lại. Một số nhà phân tích thị trường năng lượng trong đó có quản lý đầu tư Gary Bradshaw tại quỹ đầu tư Hodges Small Cap Fund cảnh báo giá dầu có thể còn giảm nữa, xuống mức 20 USD/thùng.

Tập đoàn tài chính và ngân hàng Standard Chartered (Anh) dự báo đà bán tháo dầu sẽ còn tiếp tục, đến khi giá dầu chạm mốc 10 USD/thùng. Nhiều tập đoàn năng lượng lớn của thế giới thừa nhận có thể phải mất hàng năm nữa để giá dầu được khôi phục và bình ổn trở lại.

Giá dầu liên tục giảm 18 tháng qua đã khiến hàng trăm ngàn người mất việc, các tập đoàn năng lượng phải cắt giảm chi tiêu hàng tỉ USD.

Trong ngày 12-1, tập đoàn dầu khí BP Plc. (Anh) cho biết sẽ cắt giảm 5% nhân công đối phó với giá dầu liên tục giảm. Chỉ trong vòng hơn 10 ngày đầu năm 2016, cổ phiếu BP Plc. đã giảm 9%. Tập đoàn năng lượng quốc gia Petrolras (Brazil) lần thứ ba trong sáu tháng phải ra quyết định cắt giảm kế hoạch đầu tư mở rộng hoạt động. Trong khi đó, cổ phiếu của hai tập đoàn dầu khí đa quốc gia Royal Dutch Shell Plc (liên kết giữa Hà Lan và Anh) và Exxon Mobil Corp (Mỹ) trong ngày 12-1  rớt 11% và 4%.

Giá dầu giảm sâu thế này là đòn chí mạng với Nga, nước mà nguồn thu từ năng lượng chiếm một nửa nguồn thu ngân sách và 40% xuất khẩu.

Thậm chí với Saudi Arabia - nước có ảnh hưởng lớn trong việc điều chỉnh mức khai thác dầu để bảo vệ thị phần của mình dù mức khai thác đó có làm dầu giảm giá chăng nữa - cũng không thoát khỏi tác động tiêu cực. Vì nguồn thu từ dầu giảm, trong kế hoạch ngân sách 2016, Saudi Arabia công bố hàng loạt biện pháp cắt giảm chi tiêu và giảm trợ giá nhiều chương trình.

Tại Mỹ thì Reuters lo ngại các công ty năng lượng Mỹ sẽ rất khó khăn để trụ được với đà giảm này. Cổ phiếu của các công ty năng lượng Mỹ giảm trung bình hơn 9% chỉ trong chín ngày giao dịch. Làn sóng giảm giá dầu thời gian qua đã đẩy hàng chục công ty năng lượng nhỏ ở Mỹ tới chỗ phá sản.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm