Gia đình sinh tư vật vã nuôi con

“Căn nhà có cái cổng màu xanh, đi tới gần cái cầu, cách đó bốn căn là nhà thằng Đồng. Đó là nhà sinh bốn duy nhất ở cái xóm này. Vợ chồng nó nghèo, không có miếng đất trồng lúa. Bữa trước chịu không nổi cái khổ, thằng chồng còn đòi uống thuốc tự tử bỏ vợ bỏ con đi mà” - ông già chỉ đường cho khách, không quên kể về hoàn cảnh gia đình đó.

Người cha yếu đuối muốn bỏ cuộc

Đi theo hướng dẫn, đến căn nhà có tấm mành xanh che trước mặt, đoàn chúng tôi bước vào. Cửa nhà đã mở nhưng gọi mãi không ai ra đón. Hơn năm phút sau, người đàn ông dáng gầy còm, đen nhẻm mướt mồ hôi mới chạy từ con rạch bên kia về.

“Nghe nhà có khách, tôi chạy qua nội xin được trái bưởi non rồi pha cho mấy anh chị ly nước chanh. Đợi không thấy ai nên tôi sang nhà nội chơi với mấy đứa nhỏ. Ở bển gió mát, tụi nhỏ nó ưng” - anh Trần Hữu Đồng (sinh năm 1979), chủ nhân căn nhà, chia sẻ.

Bốn năm kể từ ngày bốn cô công chúa chào đời trong sự bất ngờ của mọi người, nhà anh Đồng trở thành gia đình tám thành viên (ngoài bốn bé gái còn một bé trai và một bé gái sinh trước đó), gánh nặng đè lên mấy sào đất thuê trồng lúa.

Bốn bé gái bám riết lấy cha, không chịu rời vì sợ bị bắt đem bán. Ảnh: HÀ PHƯỢNG

Gần hai năm trở lại đây, mọi thứ bắt đầu xáo trộn, vượt tầm tay của người cha. “Ngày trước bốn đứa chưa biết đi, mẹ tụi nó bỏ công việc chăm sóc còn tôi đi mần thuê kiếm tiền. Hồi đó thuê gần 7 triệu đồng/ sào đất trồng lúa, rồi trồng mè xoay vòng. Hai năm nay tụi nhỏ tới tuổi đi học, vợ tôi lại không biết đi xe máy. Mỗi lần đưa đến trường chỉ đèo được hai đứa bằng xe đạp. Chạy đi chạy về cực quá mà bọn nhỏ cứ tách ra lại khóc không chịu nên tôi phải phụ vợ đưa rước. Sáng, trưa, chiều đưa đi rước về. Ngày nào cũng vậy nên đất thuê trả lại chủ, bò cũng bán để lấy tiền đóng tiền ăn, tiền trường cho con. Trong khi đó mỗi ngày tiền trường với tiền ăn uống sinh hoạt lớp lá của bốn đứa đã hết gần 300.000 đồng, chưa kể thằng anh mới vào lớp 6. Cả nhà bây giờ trông chờ chút đỉnh vào con chị 16 tuổi, đi gói nem mướn ngoài Lai Vung, ngày được mấy chục ngàn đồng tiền công. Nói thiệt bán được cái gì cũng bán để sống hết rồi. Có cái nhà này chắc cũng sắp bán vô kia ở nhờ ông bà. Hồi đó chỉ muốn đẻ thêm một đứa, ai biết đâu lòi ra bốn đứa như bây giờ. Người ta cho ba đồng, năm đồng sống qua ngày mình cũng mang ơn lắm nhưng không lẽ tương lai cứ như vầy hoài. Cực chẳng đã chứ nghĩ tới chuyện chết đi đặng không phải lo nghĩ tôi cũng thấy mình vô dụng, nhưng giờ không còn đường nào cho tốt hơn nữa” - người cha tâm sự.

“Cha mẹ đừng bán con”

Rời căn nhà không còn gì để bán, anh Đồng đưa mọi người qua con rạch đối diện tới chỗ bốn đứa nhỏ đang chơi. Buổi trưa yên ả bị phá vỡ bởi tiếng khóc đồng thanh của “bốn cô công chúa Việt, Nam, Hạnh, Phúc”.

Thấy người lạ xuất hiện đầu ngõ, bốn đứa nhỏ chạy loạn khắp nhà, vừa khóc vừa ré mặc cha mẹ, cô dì dỗ dành, quà bánh đủ kiểu. Mãi một lúc sau đó, khi đứa út chịu dịu lại tiếng khóc, ba đứa kia mới thút thít nhỏ lại nhưng vẫn không rời khỏi vòng tay mẹ.

Hỏi ra mới biết tụi nhỏ sợ người lạ đến bắt mất một đứa trong số chúng nó. “Thường ngày tụi nó không nghe lời, cũng hay hù dọa sẽ bán cho người lạ. Cực quá em cũng chỉ chọc tụi nó vậy thôi, không nghĩ tụi nó sợ dữ vậy. Giờ hễ cứ thấy người lạ nó lại khóc lên, xin cha mẹ đừng bán con. Miệng mình nói vậy thôi, cực khổ thì cũng gắng qua chứ ai nỡ đưa đứa nào cho ai đâu” - chị Nguyễn Thị Tình, mẹ tụi nhỏ, nói.

Nhìn cảnh đùm đề con của chị, em trai chị Tình cũng chỉ biết lắc đầu. “Mới bốn năm, người ta cho tiền mới trụ được tới giờ này. Giờ không có, tụi nhỏ đi học, tiền ăn cũng không biết kiếm đâu ra. Mà ngồi trông tụi nó lớn đủ 13, 14 tuổi đi làm thuê kiếm tiền cũng không biết chờ nổi không nữa. Bốn đứa Việt, Nam, Hạnh, Phúc nhà này nhìn vô là không thấy tương lai màu gì rồi chứ đừng nói mơ một cuộc sống hạnh phúc” - em trai chị Tình tâm sự.

Chính quyền xã đã cố gắng hết sức

Bà Lê Thị Trúc Ly, Phó Chủ tịch UBND xã Tân Phước, huyện Lai Vung, Đồng Tháp, cho biết hiện tại cuộc sống gia đình anh Đồng rất khó khăn, không có đất canh tác phải đi làm thuê từ trước đến nay khá cực khổ. “Gia đình này thuộc hộ nghèo. Khi biết gia đình sinh bốn, chính quyền xã đã cố gắng phụ giúp xây cho căn nhà, vận động mạnh thường quân chút ít kinh phí phụ giúp. Ngoài ra vẫn chưa có chính sách cho gia đình bốn con nên xã chưa thể trợ cấp gì thêm cho nhà anh Đồng” - bà Ly nói.

Chưa có chính sách hỗ trợ cho trường hợp sinh ba trở lên

Theo lãnh đạo Cục Bảo vệ chăm sóc trẻ em (Bộ LĐ-TB&XH), hiện nay các chính sách hỗ trợ trường hợp sinh ba, bốn chưa có. Tuy nhiên, với gia đình hộ nghèo, Nhà nước có chính sách trợ giúp thường xuyên như được mua thẻ bảo hiểm y tế, hỗ trợ vay vốn... Bên cạnh đó, các tỉnh có thể linh động sử dụng tiền quỹ bảo trợ trẻ em hoặc vận động các tổ chức xã hội giúp đỡ. Theo vị này, để thay đổi chính sách nhằm hỗ trợ những trường hợp sinh ba trở lên rất khó, bởi đây là những trường hợp hiếm gặp.

V.LONG

__________________________________

Hiện nay có khá nhiều gia đình sinh ba, bốn, thậm chí sinh năm gặp rất nhiều khó khăn trong việc nuôi dạy và đảm bảo tương lai cho con. Riêng với gia đình anh Đồng, hội muốn trợ giúp ban đầu chút kinh phí. Tiếp đó sẽ có kế hoạch lâu dài cho gia đình về công việc cũng như tương lai cho các cháu. Có thể sẽ định hướng xin vốn cho anh Đồng thuê đất tiếp tục trồng lúa, mở tạp hóa cho chị Tình có thời gian buôn bán và chăm sóc các con.

Còn đối với các gia đình sinh ba trở lên nói chung, hội sẽ cố gắng làm đơn để các cháu có thể được miễn, giảm 100% học phí, các chính sách về y tế... Ngoài ra, giúp các cháu có được sự hỗ trợ tối đa từ chính quyền địa phương, được ưu tiên các chế độ học bổng hay quà vào các dịp lễ, Tết. Chúng tôi sẽ làm đơn trình lên Quốc hội, để các trường hợp này mau chóng được đưa vào chế độ, nhất là những gia đình sinh ba trở lên lại thuộc diện hộ nghèo. Các cháu và gia đình cần được hỗ trợ chi phí mỗi tháng và đảm bảo tương tai đến độ tuổi trưởng thành.

TỪ THỊ NGỌC ĐIỆP, Chủ tịch Hội Thiện
nguyện sinh đôi TP.HCM

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm