Năm ngoái, khi từ bỏ nguồn cung khí đốt giá rẻ từ Nga, các nước châu Âu đã tăng cường nhập khẩu nhiên liệu hóa lỏng (LNG) từ Mỹ và Trung Đông. Bước đi này đã giúp châu Âu vượt qua một cuộc khủng hoảng năng lượng tồi tệ song cũng khiến lục địa già rơi vào tình trạng “dễ bị tổn thương” mỗi khi thị trường năng lượng có nhiều biến động, theo tờ Financial Times.
Theo hãng tin Bloomberg, trong tuần qua giá khí đốt tại châu Âu bất ngờ tăng mạnh, có những ngày tăng gần 40%. Nguyên nhân, do tại một loạt nhà máy LNG lớn ở Úc (đóng góp hơn 10% nguồn cung LNG toàn cầu) bất ngờ xảy ra đình công khiến thị trường khí đốt châu Âu bị ảnh hưởng, làm giá năng lượng bị đẩy lên cao.
Nhạy cảm, dễ bị tổn thương
Bà Samantha Dart từ Ngân hàng Đầu tư đa quốc gia Goldman Sachs (Mỹ) đánh giá giá khí đốt tại châu Âu bất ngờ tăng chóng mặt trong tuần qua đã cho thấy việc “cai” năng lượng Nga khiến khu vực này trở nên nhạy cảm và dễ bị tổn thương trước những trồi sụt từ thị trường năng lượng, theo Financial Times.
Không có nguồn cung Nga, thị trường khí đốt châu Âu nói riêng và thế giới nói chung sẽ khó thoát cảnh cầu vượt cung.
Ông TOM MARZEC-MANSER, Trưởng nhóm phân tích khí đốt
châu Âu tại Công ty nghiên cứu
thị trường ICIS (Anh)
Lý giải cho nhận định của mình, bà Dart cho rằng nếu trước đây châu Âu có nguồn cung khí đốt ổn định từ Nga thì giờ đây khu vực này đang thiếu những đối tác tương tự như vậy. Theo đó, bà cho rằng với châu Âu, năng lượng hiện được xem là một thị trường chung, mang tính toàn cầu và khu vực này phải chia sẻ nguồn cung đó với nhiều nước khác.
“LNG của Úc ít khi được xuất khẩu trực tiếp sang châu Âu nhưng khi thị trường Úc gặp biến động, châu Âu sẽ khó tránh bị ảnh hưởng. Để tìm nguồn thay thế, các đối tác của Úc sẽ tranh nguồn cung với châu Âu. Hay nói cách khác, chỉ cần trên thị trường năng lượng thế giới xuất hiện một ít biến động, thị trường châu Âu cũng sẽ rối loạn theo” - bà Dart nhấn mạnh.
Bà Dart còn dự đoán nhiều khả năng mùa đông năm nay giá khí đốt tại châu Âu sẽ cao gấp hai lần, thậm chí cao gấp ba lần so với mức hiện tại (hiện giá khí đốt tại châu Âu là 35 euro - khoảng 38 USD/megawatt).
Cùng quan điểm, ông Bill Weatherburn, nhà kinh tế học tại Công ty phân tích thị trường Capital Economics (Anh), nhận định Nga từng là đối tác khí đốt lớn nhất của châu Âu khi chiếm hơn 40% lượng khí đốt nhập khẩu của khu vực này, việc rời bỏ nguồn cung giá rẻ và ổn định từ Nga khiến thị trường khí đốt châu Âu trở nên nhạy cảm hơn.
“Thực tế, châu Âu chỉ chuyển từ phụ thuộc vào khí đốt Nga sang phụ thuộc vào LNG thế giới nhưng thị trường LNG thế giới lại dễ gặp biến động, do đó an ninh năng lượng châu Âu cũng dễ bị tổn hại” - ông Weatherburn nhấn mạnh.
Một trạm bơm khí đốt của Công ty Bulgartransgaz (tỉnh Sofia, Bulgaria). Ảnh: AFP |
Khủng hoảng năng lượng nhen nhóm quay lại
Theo Hiệp hội Các hãng khí đốt châu Âu, hiện các kho dự trữ khí đốt tại khu vực - nguồn cung khí đốt quan trọng trong những tháng mùa đông đang ở mức 80%. Cơ quan này dự báo các kho dự trữ trên sẽ đạt mức 100% vài tuần trước khi mùa đông đến.
Ông Kaushal Ramesh, Trưởng bộ phận phân tích thị trường LNG tại Công ty kinh doanh và nghiên cứu năng lượng Rystad Energy (Na Uy), nhận định mặc dù dự trữ khí đốt của châu Âu hiện ở mức an toàn nhưng nếu thị trường năng lượng trở nên bấp bênh và thời tiết mùa đông khắc nghiệt, nhiều khả năng nguồn trữ từ các kho sẽ cạn nhanh. “Chỉ riêng nguồn khí đốt dự trữ sẽ không đủ đáp ứng nhu cầu của châu Âu trong mùa đông. Vì ngoài dùng cho sưởi ấm, nhiều nước châu Âu phải dùng khí đốt vận hành các công ty và doanh nghiệp sản xuất” - ông Ramesh lưu ý.
Theo đài CNBC, một thách thức khác cho thị trường năng lượng của châu Âu là khả năng bị gián đoạn nguồn cung khi Hà Lan và Na Uy - hai đối tác khí đốt lớn của khu vực, chiếm 24% thị phần, có khả năng sẽ tạm ngừng nguồn cung khí đốt cho khu vực này trong một khoảng thời gian vì các nhà máy và đường ống dẫn khí của hai nước này cần bảo trì.
Trong khi đó, ông Henning Gloystein, Giám đốc tài nguyên, khí hậu và năng lượng tại Công ty tư vấn Eurasia Group (Mỹ), nhận định giá năng lượng tại châu Âu tăng vọt do sự gián đoạn nguồn cung là sự thật nhưng điều này sẽ không dẫn tới một cuộc khủng hoảng như năm ngoái.
“Ở thời điểm hiện tại, kho dự trữ khí đốt của nhiều nước châu Á như Nhật và Hàn Quốc vẫn ở mức cao, cùng với đó kinh tế TQ tăng trưởng yếu hơn dự báo nên việc cạnh tranh nguồn cung LNG trong thời gian tới sẽ không quá gay gắt, châu Âu vẫn có thể xoay xở được” - ông Gloystein nhận định.•
Giá khí đốt tăng cao có khiến ECB hành động mạnh tay?
Theo hãng tin Bloomberg, giá năng lượng là yếu tố chính tác động lên đà tăng lạm phát tại khu vực châu Âu nói riêng và thế giới nói chung. Lạm phát tại khu vực đồng tiền chung châu Âu (eurozone) trong tháng 6 là 5,4% (so với cùng kỳ năm ngoái).
Trong cuộc họp chính sách hồi tháng 7, Ngân hàng Trung ương châu Âu (ECB) đã tăng lãi suất thêm 0,25% (nâng tổng mức lãi suất tại khu vực lên 4%). Giới quan sát cho rằng với việc giá năng lượng tăng cao trong thời gian gần đây, nhiều khả năng ECB sẽ hành động quyết liệt hơn trong cuộc họp chính sách vào tháng 9.
Theo đó, giới đầu tư đặt cược rằng ECB sẽ tiếp tục chu kỳ thắt chặt lãi suất với bước nhảy lớn hơn 0,25% để kìm hãm lạm phát và sớm đưa khu vực đạt mục tiêu lạm phát 2%.