Theo Bộ Tài chính, số thu từ thuế bảo vệ môi trường (BVMT) tăng liên tục trong thời gian qua. Cụ thể, năm 2012 số thu từ thuế BVMT là 11.160 tỉ đồng đã tăng lên mức 42.393 tỉ đồng vào năm 2016, tương đương tăng bốn lần trong vòng năm năm.
Con số này có được nhờ tăng thuế BVMT với xăng từ 1.000 đồng lên 3.000 đồng/lít vào ngày 1-5-2015.
Trong khi đó, số tiền chi cho sự nghiệp BVMT lại tăng không đáng kể, từ 9.000 tỉ đồng năm 2012 lên 12.290 tỉ đồng sau năm năm và chỉ chiếm khoảng 1% ngân sách.
Như vậy, trong lúc thuế môi trường thu 4 đồng thì khoản chi ra cho việc bảo vệ môi trường chỉ khoảng 1 đồng.
Theo tính toán, giá xăng RON 92 hiện tại được bán với giá 17.230 đồng/lít; trong đó thuế, phí khoảng 8.000 đồng/lít, tức chiếm khoảng 47%. Nếu thuế BVMT tăng lên mức kịch khung đề xuất là 8.000 đồng/lít thì giá xăng sẽ bị đẩy lên hơn 25.000 đồng/lít, trong đó cơ cấu thuế phí chiếm khoảng 64%, tức tăng khoảng 17% so với hiện tại.
Theo tính toán của một số chuyên gia, nếu thuế BVMT với xăng dầu tăng lên gấp 2-3 lần hiện tại, ngân sách sẽ thu thêm được số tiền rất lớn. Nguồn tin của Vietnamnet cho hay nếu một ngày nào đó, thuế BVMT xăng dầu lên tối đa (xăng 8.000 đồng/lít, nhiên liệu bay 6.000 đồng/lít, dầu diesel 4.000 đồng/lít…) thì ước tính ngân sách thu được 56.600 tỉ đồng, gấp gần ba lần mức thu hiện tại. Dầu diesel cũng sẽ thu được hơn 41.600 tỉ đồng, gấp gần ba lần mức thu hiện tại…
Như vậy tổng cộng, nguồn thu từ thuế BVMT với xăng dầu ở phương án tối đa ước tính đạt gần 110.000 tỉ đồng, gấp gần ba lần hiện tại.
Theo báo cáo của Bộ Tài chính, trong năm 2016 mức đóng góp của thuế BVMT trong tổng thu ngân sách là 4,1%, với 99% trong số đó đến từ xăng dầu. Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) đánh giá nếu cộng cả thuế nhập khẩu, thuế tiêu thụ đặc biệt và thuế VAT thì mức đóng góp của ngành xăng dầu vào khoảng 9,8% tổng thu ngân sách.
Nếu mức thuế mới kịch khung được áp dụng và loại bỏ thuế nhập khẩu theo lộ trình thì mức đóng góp lên đến khoảng 15% tổng thu ngân sách. Đây là tỉ lệ rất lớn và không có lợi cho kết cấu ngân sách quốc gia.
Do đó, xét về dài hạn, VCCI nhận định việc nới khung thuế BVMT đối với xăng dầu nhằm bảo đảm thu ngân sách sẽ là giải pháp lợi bất cập hại. Nó làm giảm áp lực chuyển đổi hệ thống tài chính quốc gia theo hướng bền vững hơn.