Trước việc giá xăng tăng mạnh vào ngày hôm qua (1-6), trả lời báo chí, ông Nguyễn Hồng Diên, Bộ trưởng Bộ Công thương cho rằng, không thể ép giá xăng thấp vì nguy cơ sản phẩm xuất khẩu Việt Nam không phản ánh đúng giá trị thật gây ảnh hưởng đến nền kinh tế, chưa kể đối diện với khả năng bị các nước kiện về chống trợ cấp, bán phá giá, thao túng tiền tệ.
Chuyên gia tài chính Trần Đình Phương cho biết, giá xăng trong nước tăng vì giá xăng nhập khẩu tăng là hợp lý. Nhưng với việc giá xăng thiết lập kỷ lục mới đã khiến kỳ vọng lạm phát hiện nay tăng mạnh.
Điều này có nghĩa rằng, người tiêu dùng, doanh nghiệp, nhà đầu tư kỳ vọng giá sẽ tăng trong tương lai. Khi kỳ vọng lạm phát tăng cao, chúng sẽ tác động đến tỷ lệ lạm phát thực tế. Lúc này giá cả các loại hàng hóa đều tăng.
Trong cơ cấu thu nhập của người Việt thì chi tiêu lương thực, thực phẩm chiếm gần phân nửa. Vì lạm phát, mọi người có xu hướng thấy sức mua tiền giảm, buộc họ phải tiết kiệm, hạn chế tiêu dùng các sản phẩm, hàng hoá khác. Lạm phát cũng gây xói mòn chất lượng sống của người dân.
Hệ quả tất yếu, doanh nghiệp sẽ không bán được hàng, giảm doanh thu và lợi nhuận dẫn đến việc phải sa thải người lao động nhằm giảm chi phí, cũng như giảm luôn việc đóng góp vào thuế, và ngân sách.
Nguy cơ hơn nữa, chính sách hỗ trợ lãi suất 2% cho các doanh nghiệp để hồi phục sau dịch bệnh mà Chính phủ vừa ban hành có thể bị vô hiệu hoá vì lạm phát.
Giá xăng tăng kỷ lục dẫn đến nguy cơ hàng hoá tăng giá. |
"Khả năng giá dầu tiếp tục tăng mạnh trong tương lai, mà theo các tổ chức quốc tế dự báo có khả năng tăng lên 150 USD/thùng vì lệnh cấm dầu Nga của châu Âu.
Do đó, lúc này cần phải nhanh chóng giảm giá xăng dầu để chặn đứng kỳ vọng lạm phát tăng. Một khi mọi người đã tin rằng lạm phát tăng mạnh thì việc thực thi các chính sách tiền tệ lẫn tài khoá nhằm kìm hãm lạm phát sẽ trở nên rất khó khăn.
Hiện thuế phí trong giá xăng đang chiếm đến 44% thì chỉ cần giảm đi phân nửa là giá xăng đã hạ nhiệt và từ đó việc chống lạm phát sẽ dễ dàng hơn" - ông Phương nói.
Trong tường thuật của CNA cho thấy, Malaysia là nước có giá xăng rất rẻ, chỉ có 0,47 USD/lít (11.000 đồng/lít) nhưng người dân nước này đang than phiền giá thực phẩm đang quá cao khiến mức sống ngày càng giảm.
Trong báo cáo chỉ số giá tiêu dùng (CPI), Cục Thống kê Malaysia cho biết, 89,1% các mặt hàng trong nhóm thực phẩm và đồ uống đã ghi nhận mức tăng giá trong tháng 4. Nguyên nhân lạm phát do giá dầu tăng cao, chuỗi cung ứng bị đứt gãy đến từ căng thẳng địa chính trị.
Mới đây nhất, là một nước xuất khẩu gà hàng đầu trên thế giới, Malaysia đã phải ra lệnh cấm xuất khẩu nhằm ổn định giá gà trong nước. Chính phủ Malaysia đang xem xét hạ thuế phí nhằm hỗ trợ người dân và ngăn chặn lạm phát leo thang.