Giấc mơ phân trùn quế và nông nghiệp hữu cơ bền vững

 “Hãy theo đuổi sự ưu tú, thành công sẽ theo đuổi bạn”

Lê Minh Vương một chàng trai lớn lên từ vùng quê nghèo huyện Ninh Hải, tỉnh Ninh Thuận, gia đình hầu như thất học, anh chị của Vương chỉ học hết lớp 1, lớp 2 rồi nghỉ làm làm rẫy, làm ruộng nuôi gia đình. Cả gia đình chỉ trông cậy vào ba người con sau cùng (trong đó có Vương- PV) “được ăn học đàng hoàng để làm điều gì có ích cho gia đình và mọi người”.

Lê Minh Vương và với mô hình nuôi trùn quế. Ảnh: NH  

Những năm học cấp 2, Vương vẫn vô tư chơi đùa thì chứng kiến cảnh tôm chết hàng loạt, bùn thải bỏ đầy kênh rạch. Nhiều gia đình phải bán nhà để trả nợ … Vương nói, khi đó “mới thật sự quyết tâm tìm hiểu nguyên nhân cũng như các phương án giải quyết bùn thải ao tôm này để giúp bà con”. Từ một người ham chơi và lì lợm, Minh Vương hiểu ra chỉ có học và học, sẵn niềm đam mê với thiên nhiên, Vương đầu tư vào môn sinh học để lấy đó làm vốn cho kiến thức của mình.

Cho đến những năm sinh viên, Vương ươm mầm cho đề tài “Sản xuất phân bón hữu cơ vi sinh và kết hợp nuôi trùn quế từ bùn thải ao nuôi tôm thẻ chân trắng” nhưng không nhận được nhiều sự tán thành từ phía thầy cô và cậu bạn ấy cuối cùng cũng nhận được sự giúp đỡ của một giảng viên tâm huyết và đã hoàn thành đề án của mình. Minh Vương chia sẻ: “ Hồi bé chỉ đơn giản nghĩ rằng giun làm mồi câu cá. Sau này lớn lên mới ngẫm ra một điều giun không chỉ là mồi câu tuyệt vời mà nó còn là một loài sinh vật rất tốt cho đất và bảo vệ môi trường sinh thái tự nhiên thông qua việc tiêu thụ các loại rác thải hữu cơ, phân gia súc gia cầm và cho ra một loại phân hữu cơ vi sinh tự nhiên giàu dinh dưỡng và an toàn đó là phân trùn quế, cũng như cung cấp nguồn đạm tự nhiên cho gia súc gia cầm.”

Cũng từ đó mà Vương bén duyên với mô hình nuôi trùn quế. Cái giấc mơ thuở thiếu thời nay thành hiện thực.

Cận cảnh mô hình nuôi phân trùn quế

Trùn quế và giấc mơ “Cuộc cách mạng trùn quế”

Trải qua những tháng ngày nghiên cứu, Minh Vương chọn cách lui về và hợp tác mở trang trại để nghiên cứu mô hình nuôi trùn quế. Theo anh: “Con người đã thuần hóa được nhiều giống giun tự nhiên để phục vụ cho lợi ích kinh tế, trong đó đáng kể nhất là loài giun quế cùng họ với giun đất nhưng có kích thước nhỏ hơn nhiều và có khả năng tiêu thụ thức ăn là các nguồn phân gia súc gia cầm, rác thải hữu cơ rất lớn tương đương trọng lượng cơ thể của nó trong một ngày... để tạo ra một loại phân trùn quế giàu dinh dưỡng phục vụ cho nông nghiệp bền vững.”

Làm nông dân nhưng Minh Vương không chọn cho mình con đường thuần nông nhất định, chàng trai ấy hợp tác lập trang trại nuôi trùn quế (giun quế) làm phân bón, chế tạo các dung dịch thảo mộc thay cho thuốc trừ sâu, nghiên cứu các công trình như bể lọc nước cải tiến bằng năng lượng mặt trời quy mô lớn tại Ninh Thuận, hệ thống chiếu sáng năng lượng mặt trời cho người Khmer.... tất cả đều muốn hướng tới nền nông nghiệp bền vững.

Cái dáng người gầy nhỏng ấy làm nên nhiều kỳ tích cho chính mình. Vương đã hợp tác mở trang trại tại Củ Chi để nuôi trùn cung cấp phân trùn thay cho phân bón hóa học trên thị trường. Theo Vương, “hiện tại trùn quế được phát triển và nhân rộng trong hai mô hình, một mô hình mình chuyên nghiên cứu về trùn để tạo ra các sản phẩm cáo cấp sản xuất từ trùn quế cho một công ty về nông nghiệp công nghệ cao, và mô hình còn lại, có diện tích hơn 500m2 mình nuôi trùn gây giống, và tạo phân trùn chất lượng cao phục vụ nông nghiệp”.

Theo Lê Minh Vương, người nuôi trùn quế chỉ mất khoảng thời gian 17 tháng để hoàn vốn với quy mô 10.000 m2 trong việc đầu tư cơ sở vật chất, trùn giống, chi phí thuê lao động. Trùn quế có rất nhiều công dụng cho nông nghiệp, trồng trọt, chăn nuôi và thậm chí là làm thực phẩm, mỹ phẩm và thuốc cho người …  Phân trùn quế chứa hệ vi sinh vật có lợi cho đất, làm đất được tơi xốp và thóang khí. Ngoài ra nó còn cung cấp các chất khoáng đa lượng như đạm lân kali, trung lượng (canxi, magie, lưu huỳnh...). Phân trùn quế có khả năng cố định các kim loại nặng trong chất thải hữu cơ. Còn dịch trùn quế để làm tăng chất dinh dưỡng cho cây trồng, thúc đẩy quá trình sinh tổng hợp, trao đổi chất trong cây trồng.

Hiện nay, cùng với mô hình nuôi trùn quế, Vương trồng rau để thử nghiệm các phương pháp nông nghiệp cũng như sử dụng phân và dịch trùn dịch trùn quế sao cho hợp lý, để tối ưu hóa quy trình sản xuất trồng trọt và chăn nuôi có ứng dụng các sản phẩm từ trùn quế. Vương chia sẻ: “Liều lượng bón phân trùn cho đất nông nghiệp, vừa cung cấp dinh dưỡng tan chậm cho cây trồng vừa góp phần cải tạo đất bị thoái hóa là 20 tấn phần trùn quế độ ẩm từ 70 – 80 % cho diện tích đất là từ 10.000 – 15.000 m2.

Phân trùn quế được nuôi để tái tạo đất và thay cho phân bón hóa học thông thường. Ảnh: NH

Không chỉ nuôi trùn lấy phân và dịch thay cho phân bón hóa học thông thường, mô hình của Vương còn hướng tới việc dọn dẹp những chất thải từ sản phẩm nông nghiệp, và phế thải từ gia súc. Tận dụng guồn phế thải nông nghiệp như cây thanh long được nhóm nghiên cứu ủ hoai mục để làm thức ăn nuôi trùn quế. Sau 50-60 ngày lượng sinh khối từ trùn quế (bao gồm phân trùn, trứng trùn và trùn) sẽ được sử dụng làm phân bón hữu cơ bổ sung lại cho cây trồng. Ngoài ra, trùn quế còn được nuôi từ bã thải của các hầm biogas trong các trang trại chăn nuôi, chất thải từ các ao nuôi tôm. Đây là nguồn thức ăn dồi dào của trùn quế. Sinh khối trùn quế sau khi thu hoạch sẽ được sử dụng làm phân bón hữu cơ.

Vương hài hước kể: “Cho trùn ăn khá mệt vì số lượng nhiều, có khi người dính đầy phân bò, nhưng ngắm nhìn thành quả là những luống rau sạch tươi tốt mà lòng mình lại hạnh phúc lắm”.

Hiện tại Vương đang xây dựng mô hình trùn quế, một nông trại nhỏ tại Củ Chi để tái tạo những vùng đất canh tác trước đây bị thoái hóa, chai cứng do nhiều phân hóa học, trùn quế giúp  khôi phục độ màu mỡ trở lại do hàm lượng dinh dưỡng và vi sinh vật có ích trong phân trùn, cũng như tạo ra nhiều sản phẩm nông nghiệp sạch và an toàn có ứng dụng các sản phẩm từ trùn quế.

Minh Vương cùng các bạn trong nhóm Thế hệ ưu tú (mà anh là nhóm trưởng –PV), tổ chức các buổi hội thảo về nông nghiệp sạch để hướng dẫn cải tạo đất nông nghiệp, trồng rau sạch, chế biến các loại thuốc trừ sâu thảo mộc ... chuyển giao con giống cũng như phương pháp và liều lượng sử dụng phân trùn cũng như dịch trùn cho bà con. Vương không chỉ giúp người nông dân nơi đây có phương pháp mới cho nền nông nghiệp bền vững, hạn chế tối đa thuốc bảo vệ thực vật, tận dụng tối ưu các phế phẩm nông nghiệp mà vẫn tăng năng suất cây trồng.

Hiện tại Lê Minh Vương đang ấp ủ mở rộng mô hình nuôi trùn quế tại Ninh Thuận. Ngoài ra anh đã cho ra mắt ba cuốn sách “Kỹ thuật nuôi trùn quế “, “Kỹ thuật sử dụng phân và dịch trùn quế trong trồng trọt” và “Kỹ thuật sử dụng trùn quế trong chăn nuôi và thủy sản”, được lưu hành nội bộ cung cấp cho bất cứ ai quan tâm đến nông nghiệp sạch trùn quế cũng như các kỹ thuật ứng dụng trùn quế trong trồng trọt và chăn nuôi

 

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm