13 thành viên đội bóng nhí Thái Lan đã được cứu an toàn ra khỏi hang động ngập nước Tham Luang sau 18 ngày mắc kẹt. Cả thế giới vui mừng, hoan hô với tinh thần hợp tác cứu hộ quốc tế, năng lực của các thợ lặn và sự chuẩn bị hoàn hảo của công tác y tế, hậu cần.
Tuy nhiên nếu nhìn sâu hơn, để có được thành công này đòi hỏi phải có sự lãnh đạo dũng cảm và bình tĩnh của ban chỉ huy cứu hộ; sự kiên trì của các nhân viên cứu hộ, đặc biệt các đặc nhiệm hải quân Thái Lan (Thai Navy Seals); và của cả huấn luyện viên đội bóng nhí. Những người này đã làm việc không mệt mỏi, xuyên ngày đêm để chuyển một tình huống cực kỳ ngặt nghèo trở thành một thắng lợi của khả năng và sự khéo kéo của con người, trong sự dõi theo của cả thế giới.
Người dân Thái Lan và cả thế giới vui mừng với tin toàn bộ 13 thành viên đội bóng nhí được cứu ra khỏi hang động Tham Luang an toàn. Ảnh: GETTY IMAGES
Chuẩn tướng Thomas Kolditz - sĩ quan về hưu quân đội Mỹ, từng lãnh đạo khoa Khoa học ứng xử lãnh đạo tại Học viện Quân sự Mỹ, hiện là giám đốc điều hành Viện Lãnh đạo mới Doerr thuộc đại học Rice - tôn vinh tài lãnh đạo chiến dịch giải cứu đội bóng nhí là tuyệt vời “trong những tình huống hiểm nghèo tột bậc”.
Đây cũng là tựa một cuốn sách Tướng Kolditz từng viết năm 2007 về một nghiên cứu về các kinh nghiệm lãnh đạo trong những tình huống mong manh giữa sự lằn ranh sống chết, về cách khiến mọi người giữ được bình tĩnh và giải quyết được các tình huống gần như bất khả này.
Đội bóng nhí thời điểm được tìm thấy. Ảnh: REUTERS
Washington Post có cuộc trao đổi với tướng Kolditz về sự lãnh đạo này, về điều các nạn nhân đang ở lằn ranh sống chết cần nhìn thấy nhất ở người nắm giữ cơ hội sống của họ.
Trao đổi với Washington Post, tướng Kolditz cho biết ông đã phỏng vấn nhiều hướng dẫn viên leo núi từng dẫn khách lên các ngọn núi cao như Everest, các tổ chức lặn từng lặn đưa 300-400 nạn nhân ra khỏi máy bay rơi xuống nước cùng lúc…
Chuẩn tướng Thomas Kolditz - Giám đốc điều hành Viện Lãnh đạo mới Doerr thuộc ĐH Rice khen ngợi tài lãnh đạo của chỉ huy và lực lượng thực hiện chiến dịch cứu hộ. Ảnh: WEST POINT
Ở trường hợp đội bóng nhí Thái Lan, có thể nhìn thấy nhiều lực lượng lãnh đạo cùng lúc: Các quan chức chỉ huy chiến dịch cứu hộ; đặc nhiệm hải quân; bác sĩ, nhân viên y tế. Tuy nhiên, tướng Kolditz không bỏ qua vai trò quan trọng của huấn luyện viên 25 tuổi Ekapol Chantawong, người đã bên cạnh các cầu thủ nhí suốt thời gian trước khi đội bóng được tìm thấy.
Theo tướng Kolditz, cách Ekapol phản ứng với hoàn cảnh đội bóng bị mắc kẹt đặc biệt quan trọng. Việc Ekapol khiến đội bóng tin tưởng mình, thắp lên sự lạc quan sẽ được cứu chính xác là điều các cậu bé cần. Điều các cậu bé cần là sự lạc quan rằng rồi họ sẽ có kết quả tốt đẹp. Các cậu bé không cần một lãnh đạo đầy đủ sự sáng suốt, chính xác, lôgic, cũng không cần một lãnh đạo lý trí lạnh lùng, chỉ chăm chăm vào chuyện cứu hộ. Người mà các cậu bé cần là người có thể vạch ra một tầm nhìn tích cực về phía trước cho mình, thậm chí không cần chi tiết nào.
Huấn luyện viên Ekapol và đội bóng nhí trong hang động. Ảnh: GUARDIAN
Sợ hãi xuất phát từ việc không chắc chắn việc gì sẽ đến trong tương lai. Trong trường hợp 33 thợ mỏ Chile bị mắc kẹt 69 ngày tám năm trước, họ tìm ra một thợ mỏ chuyên cố vấn niềm tin, một người chuyên chăm sóc y tế sát cánh họ trong suốt thời gian chờ giải cứu.
Một yếu tố quan trọng nữa để chiến dịch giải cứu thành công là thái độ làm việc chuyên nghiệp, quên mình của lực lượng cứu hộ - do lực lượng đặc nhiệm Thai Navy Seals dẫn đầu. Có thể nói để đạt được mục tiêu công việc lực lượng cứu hộ đã gạt qua một bên cảm xúc của mình. Khi một người hoàn toàn tập trung vào công việc, người đó sẽ kích hoạt một bộ phận khác của não bộ không liên quan gì đến bộ phận não trải nghiệm các cảm xúc sợ hãi, lo lắng hay giận dữ. Điều này giúp họ giữ được bình tĩnh. Tướng Kolditz đoán lực lượng cứu hộ đã cố giữ tâm trí các cậu bé bận rộn để không phải lo lắng nhiều bằng cách giao cho các cậu bé một số công việc để làm – có thể đơn giản chỉ là đếm số thợ lặn ra vô nơi ẩn náu của mình.
Bốn đặc nhiệm hải quân Thái Lan (Thai Navy SEALs) cuối cùng ra khỏi hang động Tham Luang, sau khi toàn bộ 13 thành viên đội bóng được cứu hết ra khỏi hang động. Ảnh: ROYAL THAI NAVY
Một điều nữa là chia sẻ rủi ro. Mọi người thường có khuynh hướng tin vào người cùng hội cùng thuyền, cùng chia sẻ tình cảnh nguy hiểm với mình. Trong trường hợp này hoàn toàn đúng. Từ việc quan sát các thợ lặn ra vô hang động, các cậu bé sẽ có niềm tin chỉ cần nghe theo lời các thợ lặn là mình cũng sẽ ra được hang động như họ.
Yếu tố tiếp theo có thể gọi là “có cùng lối sống”. Khi người ta lâm vào cảnh không mong muốn, họ thường có khuynh hướng nương tựa vào những người có cách sống gần gũi với mình. Mấy ngày qua có nhiều bài báo viết rằng các đặc nhiệm Thái Navy Seals trong hang động đã chia sẻ rất nhiều với các cậu bé về thức ăn yêu thích, sở thích.
Nhân viên cứu hộ nghỉ mệt ngay trên nền đá trong hang động. Ảnh: CBS NEWS
Thêm nữa, để có được thành công này lực lượng cứu hộ chắc chắn đã tạo được niềm tin về khả năng giải cứu của mình với các cậu bé. Chắc chắn trong đầu các cậu bé đã có ít nhất hai câu hỏi: Liệu họ có đủ năng lực đưa mình ra khỏi hang động ngập nước phức tạp này? Và liệu họ có để ý đến nỗi lo lắng của mình khi họ ra quyết định. Và chắc chắn các cậu bé đã hài lòng với đáp án, đủ để đặt niềm tin vào lực lượng cứu hộ.
Về chuyện cựu binh đặc nhiệm Thai Navy Seals Samarn Poonan thiệt mạng trong quá trình cứu hộ, tướng Kolditz cho rằng khả năng các cậu bé đã được giữ kín thông tin này để không suy giảm niềm tin vào năng lực cứu hộ. Chưa hết, theo ông, khi trò chuyện với các cậu bé lực lượng cứu hộ không được lung lay chút nào về khả năng giải cứu, phải luôn khẳng định chắc chắn khả năng thành công là 100%.