‘Giải mã’ hiện tượng tự tử có chiều hướng gia tăng ở giới trẻ

Theo Tổ chức Y tế Thế giới (WHO), tự tử ở giới trẻ là một trong những vấn nạn mang tính toàn cầu. Đây là nguyên nhân gây tử vong đứng thứ hai trong nhóm người ở độ tuổi từ 15 đến 29.

Đáng lưu ý, có đến 78% số vụ tự tử trên thế giới xảy ra ở những quốc gia có thu nhập trung bình và thấp. Tại Việt Nam, theo thống kê của Bộ Y tế thì tự tử là nguyên nhân gây tử vong thứ ba sau tai nạn giao thông và đuối nước.

Do là một hiện tượng mang tính phổ biến, tự tử là đối tượng nghiên cứu của nhiều ngành khoa học khác nhau. Trong lĩnh vực xã hội học, nhà xã hội học Pháp Émile Durkheim cho rằng có mối liên hệ giữa sự cố kết xã hội của cá nhân với hiện tượng tự tử. Theo đó, những người có những mối ràng buộc xã hội yếu thường dễ tự tử hơn những người có mối ràng buộc xã hội mạnh.

Mặt khác, người ta cũng nhận thấy tự tử thường gia tăng trong những giai đoạn xã hội rơi vào khủng hoảng hoặc do những biến động của nền kinh tế. Chẳng hạn tại Ấn Độ, người ta nhận thấy tự tử ở nhóm nông dân gia tăng sau khi nước này gia nhập Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO). Nguyên nhân là bởi khi đó, nông sản bị cạnh tranh gay gắt khiến người nông dân dễ thua lỗ và mang nợ. Vì thế, họ chọn cách tự tử như một phương thức để thoát khỏi tình trạng bế tắc hiện tại.

Đối với tâm lý học, tự tử gắn với những áp lực, căng thẳng mà con người ta không thể tự giải quyết được. Giới trẻ có khuynh hướng tự tử nhiều hơn là bởi các em đang phải đối diện với nhiều áp lực từ gia đình và nhà trường về thành tích học tập, trong khi các em lại chưa được trang bị đầy đủ những hiểu biết, kỹ năng để giải quyết căng thẳng. Đó chính là nguyên nhân các em chọn cái chết như một phương tiện để giải quyết vấn đề.

Dù như thế nào thì tự tử luôn là một sự thất bại. Trước hết là thất bại của người tự tử vì đã tự mình tước bỏ quyền được sống của bản thân. Thứ hai là thất bại của những người xung quanh vì đã tạo cớ cho tự tử, đã không biết nhìn thấy và không biết lắng nghe. Và cuối cùng là thất bại của xã hội vì đã không tạo ra được những phương tiện cần thiết để giúp đỡ, hỗ trợ những người gặp bế tắc trong cuộc sống trong khi xã hội là một trong những tác nhân tạo ra sự bế tắc ấy.

Giữa tháng 4-2018, một nam sinh 16 tuổi Trường Nguyễn Khuyến (TP.HCM) đã nhảy lầu tự tử. Trước khi tự tử, nam sinh để lại thư tuyệt mệnh với nội dung do áp lực học tập, điểm số và áp lực từ gia đình muốn con mình được học đứng đầu khối.

Tiếp đó, ngày 19-4, tại Hà Nội đã xảy ra vụ cô gái sinh năm 1990 treo cổ tại phòng trọ. Nguyên nhân sự việc được xác định là do cô gặp khúc mắc trong chuyện yêu đương.

Đừng bỏ lỡ

Đọc thêm

TIN BUỒN

TIN BUỒN

(PLO)- Đồng chí Nguyễn Văn Hanh, nguyên Phó trưởng Đoàn Thường trực Đoàn Đại biểu Quốc Hội TP.HCM khoá IX, nguyên Ủy viên Ban Thường trực Ủy ban Trung ương MTTQVN, nguyên Ủy viên Ban Thường vụ Thành ủy, nguyên Chủ tịch Ủy ban MTTQVN TP.HCM qua đời ở tuổi 99.