Đại tá Hoàng Long (Trưởng Công an TP Huế) thông tin, chỉ tính trong năm 2017 đã có đến 30 người dân nhảy xuống sông Hương đoạn qua TP Huế để tự tử. Nơi tập trung tự tử đông nhất là hai cây cầu Dã Viên và Phú Xuân. Con số thống kê khiến chúng tôi rùng mình, vì tính ra trung bình mỗi tháng có hơn hai cái chết trên một khúc sông ngắn này.
Cầu Dã Viên thành “cầu giã biệt”
Cầu “giã biệt” hay cầu “xóa nợ” là tên gọi khác được nhiều người dân xứ Huế dành cho cây cầu Dã Viên. Bởi sau khi đưa vào sử dụng, cây cầu phải chứng kiến hàng chục người tìm đến để tự kết liễu đời mình vì áp lực, bệnh tật, mâu thuẫn chuyện tình cảm hay túng quẫn, nợ nần.
Khi chưa có cầu Dã Viên thì cầu Phú Xuân và cầu Trường Tiền là hai cây cầu lớn bắc qua sông Hương. Bởi thế, lượng xe lưu thông qua lại nhộn nhịp trong ngày. Để giảm tải cho hai cây cầu trên, vào cuối năm 2009, Nhà nước bỏ ra hơn 730 tỉ đồng để xây dựng cây cầu Dã Viên dài 542,5 m, rộng 24,5 m với bốn làn xe và hai lề đường đi bộ.
Nằm ở vị trí địa lý đẹp, trên vùng đất nguyên là bãi bồi tự nhiên chầu trước mặt kinh thành Huế khi xưa nên cầu Dã Viên được thiết kế xây dựng thêm sáu vọng lâu để người dân dừng chân hóng mát, ngắm cảnh. Từ cầu Dã Viên nhìn lên hướng thượng nguồn sông Hương, du khách có thể nhìn thấy một dòng sông êm đềm chảy qua trước chùa Thiên Mụ thanh tịnh. Còn nhìn về hướng Đông, cả TP Huế thơ mộng gần như nằm trọn trong tầm mắt. Tuy nhiên, trái với hình ảnh những ngày đầu đông đúc người dân đi bộ, hóng mát thì ngày nay không khí càng về khuya càng u uất bởi ám ảnh với những vụ tự tử liên tiếp xảy ra.
Ông Đình Văn Tam (43 tuổi, phường Đúc, TP Huế) ngồi hóng mát dưới chân cầu Dã Viên, nói: “Chưa thấy cây cầu nào như cây cầu này, bình quân tháng nào cũng có người tự tử. Mà đặc biệt, nhảy xuống cây cầu này thì hiếm ai còn sống sót”.
Là một người địa phương nên gần như vụ tự tử nào xảy ra trên cầu này ông Tam cũng đều có mặt. Theo ông Tam, những năm gần đây số người tự tử tại cây cầu này tăng lên đột biến, đa số trong độ tuổi thanh niên và trung niên. “Năm trước có một nam thanh niên, là sinh viên trường đại học ở đây. Chàng trai này được cha đưa đi khám bệnh tại bệnh viện trở về. Hai cha con đi xe máy qua cầu thì nam thanh niên kêu cha dừng xe lại để đi vệ sinh. Ai ngờ vừa xuống xe, cậu ta liền lao xuống dòng sông tự vẫn ngay trước mặt cha mình” - ông Tam kể.
Ông Tam thở dài, kể tiếp: “Mới ba tuần trước, trời chập choạng, tôi đang đi bộ trên cầu để tập thể dục thì nghe tiếng hô hào của người dân là có người nhảy cầu. Chỉ khoảng 30 giây sau, khi tôi chạy đến nơi thì thấy người phụ nữ đó đã chìm hẳn, chắc do cầu cao nên khi thân thể người đó va chạm xuống mặt nước đã gây ra tử vong ngay lúc đó. Người nhảy thì mất mạng rồi nhưng người nhà cũng rất khổ. Có trường hợp tìm 2-3 ngày mới thấy xác, người nhà phải bỏ vài ba chục triệu thuê thợ lặn, mà thường những gia đình này rất nghèo và bệnh tật”.
Cầu Dã Viên đẹp nhưng phải chứng kiến nhiều cái chết thương tâm. Ảnh: N.DO
Chị D. lúc được cứu sống sau khi nhảy xuống sông Hương từ cầu Dã Viên. Ảnh: N.DO
Nỗi đau còn đó
Gần đây nhất, vào cuối tháng 3, vì mâu thuẫn chuyện vợ chồng nên chị N. (29 tuổi, trú TP Huế) đã tìm đến cầu Dã Viên để tự kết liễu đời mình. Ai có mặt tại hiện trường đều không khỏi xót xa khi biết người phụ nữ trẻ tử vong để lại hai đứa con thơ, đứa chín tuổi, đứa nhỏ mới năm tuổi. Trước khi đi tự tử, chị N. đã cho hai con nhỏ mỗi đứa 50.000 đồng, đó cũng là tài sản lớn nhất của chị trong lúc gia cảnh bần cùng.
Tìm đến nhà chị N. vào đầu tháng 4, không khí u uất bao trùm lên ngôi nhà cấp bốn đang xuống cấp. Ở giữa sân, cha chồng chị N. là ông Q. đang ngồi giặt đống áo quần của hai đứa trẻ. “Thương nó lắm, ai ngờ sự việc ra nông nỗi này. Hôm đó tôi không để ý, nó ra khỏi nhà khoảng 10 phút thì tôi mới hốt hoảng chạy theo. Khi đến cầu Dã Viên đã thấy nó đang ngồi trên thành cầu rồi, tôi vội chạy đến thì… không kịp” - ông Q. đau xót chia sẻ.
Theo ông Q., từ ngày chị N. ra đi, mọi thứ trong ngôi nhà nhỏ như đảo lộn hoàn toàn. Vì chồng chị N. phải đi làm từ sáng sớm đến chiều tối mới trở về nên ông bà nội phải đảm nhiệm mọi công việc từ bữa ăn, giấc ngủ cho hai đứa trẻ. “Có hôm nửa đêm con bé bật ngồi dậy, khóc thút thít. Chắc nó nhớ mẹ nó lắm, nó còn quá nhỏ mà” - ông Q. vừa vuốt tóc cháu gái nhỏ năm tuổi, vừa rưng rưng nói.
Từ “cõi chết” trở về
Trên hai cây cầu Phú Xuân và Dã Viên thường xuyên có người qua lại nên khi phát giác có người tự vẫn mọi người thường kịp tri hô người đến cứu ngay. Tuy nhiên, do dòng sông vốn rất rộng và sâu nên công tác cứu hộ diễn ra rất khó khăn. Những người nhảy cầu nhưng may mắn thoát khỏi lưỡi hái tử thần chỉ đếm trên đầu ngón tay.
Vào chiều tối một ngày cuối năm 2017, chị D. (phường An Cựu, TP Huế) vì hoàn cảnh ngặt nghèo dẫn đến nghĩ quẩn đã tìm đến cái chết. May mắn thời điểm trên, người dân đi trên cầu Phú Xuân phát hiện chị D. vừa nhảy cầu nên tri hô. Đội CSGT Công an TP Huế đã nhanh chóng triển khai ứng cứu. Chị được cứu sống ở phút 89 và trở về với gia đình. Sau đó chị D. đã viết thư bày tỏ lòng cám ơn hành động dũng cảm cứu người của các anh công an, vì chỉ chậm vài giây thôi thì có thể chị đã chết.
“Lúc đó tôi không nghĩ được gì cả, chỉ quyết nhảy cho thoát nợ đời thôi. Nhưng khi được cứu lên tôi mới cảm thấy sợ, cảm thấy rất nhớ con và ân hận” - chị D. cho hay.
Xin hãy dừng lại một phút thôi Tôi không dám khuyên ai nhưng theo tôi thì những người có ý định tự tử nên có một phút, chỉ một phút thôi, hãy dừng lại mà nghĩ đến gia đình, nghĩ đến con cái thì chắc sẽ thay đổi ý định dại dột. Chị D., người được cứu sống sau khi nhảy cầu Dã Viên |