Giải mã kinh tế tăng trưởng nhưng chứng khoán lao dốc

(PLO)- Chỉ số VN-Index đã giảm về mốc hồi đầu năm 2020, thời điểm trước dịch COVID-19. Đây là điều đáng thất vọng vì kinh tế Việt Nam vẫn tăng trưởng khá ấn tượng.
0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam

Thị trường chứng khoán gần đây gặp khó khăn khi thiếu các động lực hỗ trợ như dòng tiền, sự tham gia của nhà đầu tư mới. Tuy nhiên, nhìn trong dài hạn, chứng khoán Việt vẫn hấp dẫn vì triển vọng kinh tế vĩ mô khả quan.

Đã qua rồi thời kỳ hễ mua là thắng

Ngày 3-10 vừa qua được xem là ngày “đen tối” của thị trường chứng khoán khi chỉ số VN-Index mất đến 45 điểm và giá trị giao dịch chỉ đạt hơn 11.000 tỉ đồng, thấp nhất trong nhiều tháng trở lại đây. Tính từ đầu tháng 9 đến nay, chứng khoán đã mất gần 200 điểm.

Chuyên gia tài chính Trần Đình Phương nhận định một trong những nguyên nhân khiến thị trường chứng khoán mất điểm mạnh đến từ sức ép lãi suất. Khi lãi suất vay tăng ảnh hưởng đến lãi vay margin (vay từ công ty chứng khoán để mua cổ phiếu) khiến cho giới đầu tư e dè xuống tiền. Ngoài ra, dòng tiền rẻ và dồi dào đã không còn xuất hiện dẫn đến thị trường khó có sự tăng trưởng như trước.

Mặt khác, lãi suất huy động tăng trong khi chứng khoán biến động khiến giới đầu tư chuyển tiền sang kênh tiết kiệm nhằm phòng thủ và tránh rủi ro.

“Nhà đầu tư cũng đang lo ngại trước các thông tin lạm phát, lãi suất tăng mạnh từ thị trường thế giới khiến kinh tế toàn cầu suy giảm, mà điều này cũng sẽ ảnh hưởng đến Việt Nam. Chứng khoán thường thể hiện sự kỳ vọng của nền kinh tế nên đây cũng là nguyên nhân khiến thị trường giảm điểm mạnh” - ông Phương giải thích.

Sau giai đoạn dài tăng nóng, gần đây thị trường chứng khoán rơi vào xu hướng giảm. Ảnh: HOÀNG GIANG
Sau giai đoạn dài tăng nóng, gần đây thị trường chứng khoán rơi vào xu hướng giảm.
Ảnh: HOÀNG GIANG

TS Cấn Văn Lực, chuyên gia kinh tế, cũng đánh giá thị trường chứng khoán Việt gặp nhiều khó khăn vì đang bị điều chỉnh. Hai năm vừa rồi tăng nóng nên năm nay sẽ giảm. Điều này không chỉ xảy ra tại Việt Nam mà ở nhiều thị trường chứng khoán lớn trên thế giới.

Bên cạnh đó, các cơ quan quản lý nhà nước đang siết chặt việc đầu cơ, thao túng cổ phiếu nhằm lành mạnh hóa thị trường cũng tác động phần nào đến chứng khoán.

Việc sử dụng đòn bẩy tài chính trước đây tương đối nhiều nhưng hiện nay đã giảm xuống cũng gây ảnh hưởng đến thị trường. Thêm vào đó, hiệu ứng đám đông cũng đã không còn trên thị trường mà cụ thể số tài khoản đăng ký mới đang giảm dần cũng là nhân tố đẩy thị trường giảm điểm mạnh vừa qua.

Đồng quan điểm, ông Nguyễn Trung Du, Giám đốc dịch vụ đầu tư và quản lý tài sản Công ty Chứng khoán Tân Việt (TVSI), cho rằng thị trường giảm điểm mạnh là do sự lo ngại quá đà của giới đầu tư. Tâm lý này phản ánh rất rõ nét qua việc nếu chứng khoán ở vùng đỉnh, nhà đầu tư thường “lạc quan quá đà”, còn vùng đáy là “lo sợ quá đà”.

Cung cầu cũng đang tác động đến thị trường. Năm qua nhiều doanh nghiệp đã tung lượng cổ phiếu quá lớn ra thị trường thông qua tăng vốn, chia thưởng bằng cổ phiếu. Trong khi lượng tiền bị rút ra khỏi thị trường vì lãi suất tiết kiệm tăng, tiền vào trở lại các hoạt động sản xuất, kinh doanh, áp lực trả nợ vay trái phiếu khiến bán bớt cổ phiếu để xoay xở dòng tiền. Hiện tại thanh khoản thị trường xoay quanh 10.000-11.000 tỉ đồng mà cổ phiếu còn bị bán sàn. Điều đó chứng tỏ lực cầu rất mỏng.

Chờ đợi cơ hội

Các chuyên gia cùng nhận định về dài hạn, triển vọng thị trường chứng khoán Việt vẫn khả quan do tình hình vĩ mô ổn định và khả năng tăng trưởng lợi nhuận của các doanh nghiệp niêm yết.

TS Cấn Văn Lực phân tích: Dù bối cảnh kinh tế toàn cầu còn nhiều bất định nhưng kinh tế Việt Nam được đánh giá tăng trưởng khá tốt, GDP được dự báo đạt mức tăng trưởng trên 7% trong năm nay. Lạm phát của Việt Nam đang nằm trong mục tiêu kiểm soát của Chính phủ và khả năng sẽ giữ được lạm phát ở mức mục tiêu 4%.

Ngày 4-10, VN-Index tiếp tục mất 8,3 điểm khiến chỉ số này chỉ còn 1.078 điểm. Thanh khoản thị trường duy trì quanh mức 12.000 tỉ đồng.

Nếu tính từ đầu năm 2022, với chỉ số VN-Index đạt mức cao nhất là 1.528 điểm thì tính đến hiện tại thị trường đã mất 450 điểm, giá trị vốn hóa đã mất đến 1.621.766 tỉ đồng. Dù thanh khoản suy giảm nhưng vẫn có lượng tiền lớn đang nằm chờ để giải ngân.

Đặc biệt, đồng tiền Việt Nam dù mất giá so với USD nhưng vẫn thuộc nhóm ít mất giá nhất so với khu vực và thế giới. Lý do nhờ vào dự trữ ngoại tệ tích lũy trong những năm qua, dòng tiền đầu tư trực tiếp nước ngoài, thặng dư thương mại và dòng tiền kiều hối. Với việc tiền đồng giữ ổn định sẽ tác động tích cực trở lại trong việc thu hút dòng vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài trong thời gian tới.

Ngân hàng Thế giới (WB) mới đây dự báo Việt Nam dẫn đầu khu vực với mức tăng trưởng là 7,2% trong năm nay, tăng từ mức dự báo hồi tháng tư là 5,3%. Nguyên nhân do nhu cầu trong nước phục hồi mạnh mẽ và các hoạt động chế biến, chế tạo theo định hướng xuất khẩu vẫn tiếp tục phát triển vững chắc.

Theo ông Quản Trọng Thành, Giám đốc phân tích Maybank Investment Bank, trong giai đoạn tới, tâm lý thị trường và thanh khoản chưa thể phục hồi ngay. Kịch bản tốt nhất cho đợt điều chỉnh này là thị giá và chỉ số VN-Index sẽ đi ngang. Nhưng ở góc độ các doanh nghiệp niêm yết trên sàn vẫn tăng trưởng lợi nhuận, mức định giá cổ phiếu vẫn đang rất rẻ.

“Như vậy nếu nhìn dài hạn nền kinh tế Việt Nam trong xu hướng phục hồi, các doanh nghiệp vẫn đủ sức vượt qua khó khăn thì đây là thời điểm đầu tư tốt” - ông Thành nói.

Ông Nguyễn Đức Hải, Giám đốc đầu tư cấp cao chứng khoán thu nhập cố định từ Công ty TNHH Quản lý Quỹ Manulife Investment Việt Nam, cũng nhìn nhận rằng đầu tư công tiếp tục là một động lực tăng trưởng kinh tế chủ lực.

Chính phủ Việt Nam đã giám sát và thúc đẩy tiến độ đầu tư các dự án chủ lực về hạ tầng giao thông để Việt Nam tiếp tục là điểm đến đầu tư hấp dẫn, đặc biệt đón nhận cơ hội dòng vốn đầu tư nước ngoài mạnh mẽ của các công ty đa quốc gia chuyển dịch từ Trung Quốc sang. Nhiều ngành nghề được dự báo hưởng lợi từ đây.

Do đó, nhà đầu tư có thể xem xét xuống tiền các ngành kinh doanh liên quan đến khu công nghiệp, điện, nước, cơ sở hạ tầng và ngành bán lẻ. Nhà đầu tư cần “đãi cát tìm vàng”, tìm cổ phiếu tốt để đầu tư.

Có nhiều tiềm năng tăng trưởng tốt

Đại diện Công ty TNHH Quản lý Quỹ Manulife Investment Việt Nam cho rằng các doanh nghiệp Việt Nam vẫn có nhiều tiềm năng tăng trưởng tốt trong năm nay với mức dự báo tăng trưởng thu nhập mỗi cổ phiếu của thị trường là 19,89% trong năm 2022. Đặc biệt, định giá thị trường chứng khoán Việt Nam (P/E) đang ở trong vùng thấp nhất trong năm năm qua.

“Đây là cơ hội để đầu tư vào thị trường nhằm hưởng lợi trong bối cảnh kinh tế Việt Nam nhiều điểm sáng và tiềm năng tăng trưởng trong tương lai” - Manulife Investment Việt Nam khuyến nghị.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm