Lá phiếu trắng của Trung Quốc đối với nghị quyết của Hội đồng Bảo an LHQ về vụ đánh bom hóa học ở Syria là một động thái hết sức bất ngờ.
6 năm nội chiến Syria, HĐBA LHQ đã 8 lần bỏ phiếu chống lại chính phủ Syria. Trung Quốc đã có 6 lần bỏ phiếu chống, đứng về phía Nga. Quyết định ngày 12-4 của Trung Quốc ngày 12-4 đã khiến Nga trở thành thành viên có quyền phủ quyết duy nhất của HĐBA chống lại nghị quyết lên án Syria do Mỹ soạn thảo.
Xa rời Nga?
Nhiều nhà phân tích Trung Quốc nhận định lá phiếu trắng này thể hiện một bước xa rời Nga, tỏ ý muốn độc lập hơn ở Trung Đông, trong khi duy trì đà phát triển trong quan hệ với Mỹ.
“Trung Quốc đã không còn gắn mình với Nga trong quan điểm về Syria” – theo chuyên gia về Trung Đông Yin Gang tại Học viện Khoa học Xã hội Trung Quốc.
Trong khi đó chuyên gia Shi Yinhong, Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu về Mỹ tại đại học Nhân dân Trung Quốc, cố vấn các vấn đề đối ngoại cho nội các Trung Quốc nhận định bước đi này có thể khiến Trung Quốc phải trả giá bằng quan hệ với Nga.
Đại sứ Nga tại LHQ Vladimir Safronkov phủ quyết nghị quyết lên án chính phủ Syria đánh bom hóa học, tại HĐBA LHQ ở New York (Mỹ) ngày 12-4. Ảnh: REUTERS
Đây cũng được xem là bước bày tỏ thiện chí giữa Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình với Tổng thống Mỹ Donald Trump sau cuộc gặp tuần trước ở Mỹ. Quyết định bất ngờ này của Trung Quốc lại không khiến Tổng thống Trump bất ngờ, như ông thừa nhận ngày 13-4. Quan chức Mỹ cho rằng cuộc điện đàm trước đó giữa ông Trump với ông Tập có ảnh hưởng đến quyết định bỏ phiếu trắng của Trung Quốc.
Chuyên gia về chính trị Trung Đông Wang Lian tại đại học Bắc Kinh nhận định lá phiếu trắng cho thấy Trung Quốc muốn thể hiện thiện chí hợp tác với Mỹ về các vấn đề toàn cầu, mà Syria là bước đi đầu tiên. Và theo chuyên gia Shi Yinhong thì Triều Tiên có thể sẽ là vấn đề tiếp theo. Đồng ý khả năng này, bà Zhou Qi - Giám đốc Viện Chiến lược Quốc gia tại đại học Thanh Hoa, có thể hiểu được nếu Trung Quốc tới đây đồng ý làm nhiều hơn để kiềm chế chương trình hạt nhân Triều Tiên, theo các biện pháp mà LHQ đưa ra.
Nhưng có thật sự tiến về phía Mỹ?
Trong khi các nhà phân tích Trung Quốc nói nhiều về khả năng nước này đang tiến gần hơn đến Mỹ thì các nhà phân tích Mỹ lại thận trọng.
Về Syria, dù thế nào đến giờ quan điểm của Trung Quốc vẫn lưng chừng giữa Mỹ - phản đối sử dụng vũ khí hóa học, và Nga – phản đối dùng bạo lực lật đổ ông Assad.
Đại sứ Trung Quốc tại LHQ Lưu Kết Nhất (giữa) trong một phiên bỏ phiếu tại HĐBA LHQ. Ảnh: REUTERS
Về Triều Tiên, theo nhà phân tích cấp cao Anthony Ruggiero tại Quỹ Bảo vệ Dân chủ (Mỹ) từng cố vấn chính phủ Mỹ về Triều Tiên, những lời ấm áp của ông Trump dành cho ông Tập là quá sớm. Ông cho rằng đến giờ Trung Quốc vẫn chưa làm gì hơn bổn phận phải làm của mình.
“Ông Trump đánh giá cao các động thái trừng phạt mới đây của Trung Quốc với Triều Tiên, nhưng thực ra đó là bổn phận mà Trung Quốc phải làm từ năm trước” – ông Ruggiero muốn nói đến lệnh cấm nhập khẩu than từ Triều Tiên thực hiện từ tháng 2. Dù cấm nhập than nhưng giá trị thương mại giữa Trung Quốc và Triều Tiên quý I-2017 lại tăng 37,4%.
Hơn nữa, theo nhà phân tích Ashley Townshend tại Trung tâm Nghiên cứu Mỹ tại đại học Sydney (Úc), lệnh cấm nhập khẩu than này cũng không đủ để buộc Triều Tiên ngừng thử tên lửa hay hạt nhân.
Theo ông Ruggiero, nếu ông Trump thật sự muốn Trung Quốc thôi hỗ trợ Triều Tiên thì phải nhắm đến các ngân hàng và công ty Trung Quốc vốn hỗ trợ Triều Tiên. Đây cũng là phép thử tiếp theo xem độ cởi mở của Trung Quốc với Mỹ đến đâu.
Một lý do có thể giải thích cho việc Trung Quốc có bước ngả về Mỹ là nước này sẽ diễn ra đại hội đảng vài tháng tới, và Chủ tịch Tập muốn tránh tối đa một cuộc chiến thương mại với Mỹ để bảo đảm tương lai chính trị cho mình. Ít nhất mới đây ông Trump đã nói thẳng sẽ không trừng phạt Trung Quốc thao túng tiền tệ nếu chịu hợp tác với Mỹ về Triều Tiên.