Mỹ ngày 12-4 có thể nói đã dốc toàn lực cô lập Nga, nỗ lực tăng áp lực quốc tế lên Nga để nước này từ bỏ Syria, theo New York Times. Nỗ lực này xuất hiện cùng lúc không chỉ tại Moscow với chuyến thăm của Ngoại trưởng Rex Tillerson mà cả tại Washington, D.C. và New York.
Quay ngoắt 180 độ
Tại Moscow (Nga) ngày 12-4, Ngoại trưởng Tillerson có hai tiếng làm việc với Tổng thống Nga Vladimir Putin sau khi gặp Ngoại trưởng Nga Sergey Lavrov. Đây là lần đầu tiên đại diện hai chính phủ Nga và Mỹ trực tiếp gặp mặt kể từ sau khi ông Trump nhậm chức. Trong cả hai cuộc gặp này, ông Tillerson đều khẳng định quan điểm của Mỹ là Tổng thống Syria Bashar al-Assad nên từ bỏ quyền lực và Nga phải từ bỏ ủng hộ chính phủ Syria.
Tại Washington, D.C., để cô lập Nga, ông Trump không ngần ngại quay lại với lá bài NATO. Trong buổi tiếp Tổng Thư ký NATO Jens Stoltenberg ngày 12-4 tại Nhà Trắng, ông Trump bất ngờ hết lời khen ngợi NATO với bảy thập niên thành lập là một “liên minh vĩ đại”, “một bức tường thành cho hòa bình và an ninh”, đồng thời bày tỏ thái độ thất vọng với Nga. Ông Trump cũng bất ngờ phủi sạch những chỉ trích trước đó của mình, nói NATO không còn lỗi thời vì đã tích cực hợp tác chống khủng bố hơn. Chỉ một ngày trước đó, ông Trump đã ký văn bản đồng ý Montenegro gia nhập NATO như một thông điệp cảnh cáo gửi đến Nga.
Theo CNN, đây là bước xoay đầu ngoạn mục 180 độ của ông Trump khi trước đó không lâu ông còn làm cả châu Âu bị sốc khi chỉ trích NATO là tổ chức lỗi thời, lợi dụng tài chính Mỹ, trong khi khen ngợi Tổng thống Nga Putin hết lời. Bước xoay 180 độ của Tổng thống Trump với NATO và cả Nga sẽ giúp trấn an các đồng minh vốn lâu nay lo ngại về việc ông Trump muốn tiếp cận gần hơn với Nga và Tổng thống Putin.
Tổng thống Mỹ Donald Trump đang có một loạt động thái ngoại giao đẩy Nga vào thế khó trong vấn đề Syria. Ảnh: GETTY
Lôi kéo được Bắc Kinh?
Tại New York, Hội đồng Bảo an LHQ ngày 12-4 tổ chức bỏ phiếu về một nghị quyết lên án vụ đánh bom hóa học ở Syria và như mọi lần Nga lại phủ quyết. Đây là lần thứ tám trong sáu năm nội chiến Syria, Nga - một trong năm thành viên thường trực HĐBA - dùng quyền phủ quyết của mình để bảo vệ chính phủ Syria. Tuy nhiên, lần này Nga đã đơn độc hơn ở bàn đàm phán. Trung Quốc vốn thường bỏ phiếu chống giống Nga trong các nghị quyết về Syria trước đây, lần này lại bỏ phiếu trắng. Điều đáng chú ý là vụ bỏ phiếu này diễn ra chỉ một ngày sau cuộc điện đàm giữa ông Trump và Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình về vấn đề Triều Tiên, và cũng không lâu sau cuộc gặp tuần trước của cả hai ở Mỹ. Theo một số quan chức Mỹ, cuộc điện đàm này và cuộc gặp trước đó đã có ảnh hưởng đến kết quả lá phiếu của Trung Quốc.
Hồi còn tranh cử và những ngày đầu nhậm chức, ông Trump có những lời ấm áp về ông Putin và khả năng liên minh với Nga. Tuy nhiên, trong một cuộc phỏng vấn với Fox News công bố ngày 12-4, ông Trump nói ông Putin có một phần trách nhiệm trong cuộc xung đột ở Syria, lên án ông Putin ủng hộ Tổng thống Syria Bashar al-Assad. Tại Nhà Trắng cùng ngày, ông Trump thậm chí nói Nga dường như đã biết trước kế hoạch đánh bom hóa học của chính phủ Syria.
Trả lời phỏng vấn Wall Street Journal ngày 12-4, trong khi chỉ trích ông Putin thì ông Trump lại không ngần ngại dành cho ông Tập những lời có cánh: “Tôi không biết ông Putin nhưng tôi biết quý ông lịch sự này - tôi đã trò chuyện với ông ấy rất nhiều trong hai ngày qua và ông ấy là chủ tịch Trung Quốc. Chủ tịch Tập muốn làm điều đúng đắn. Chúng tôi đã có sự gắn kết rất tốt. Tôi nghĩ chúng tôi rất tâm đầu ý hợp. Tôi nghĩ ông ấy muốn giúp chúng ta về Triều Tiên”.
Ông Trump thậm chí đổi giọng nói Trung Quốc không có chính sách thao túng tiền tệ và sẽ không trừng phạt Trung Quốc vì điều này. Đây cũng là một bước thay đổi nữa vì khi tranh cử ông Trump từng thường xuyên chỉ trích Trung Quốc “cưỡng hiếp” kinh tế Mỹ, cướp việc làm của Mỹ, tuyên bố sẽ hài tên Trung Quốc là kẻ thao túng tiền tệ ngay khi vào Nhà Trắng.
Ngày 12-4 tại Moscow (Nga), Ngoại trưởng Mỹ Rex Tillerson đã có gần hai tiếng nói chuyện trực tiếp với Tổng thống Nga Vladimir Putin, sau khoảng ba tiếng hội đàm với người đồng cấp Nga Sergey Lavrov. Ông Putin gặp ông Tillerson vào phút chót là quyết định bất ngờ bởi một ngày trước đó điện Kremlin tuyên bố ông Putin sẽ không tiếp ngoại trưởng Mỹ. Theo Reuters, đây là tín hiệu cho thấy Nga vẫn chưa từ bỏ hy vọng hợp tác với chính phủ Mỹ mới, cố gắng cải thiện quan hệ hai bên vốn đang ở mức tệ nhất kể từ thời chiến tranh lạnh. Các cuộc hội đàm này không giúp hai bên giải tỏa căng thẳng mới phát sinh sau vụ Mỹ nã tên lửa vô Syria. Ông Tillerson cũng không đạt được mục tiêu thuyết phục Nga từ bỏ đồng minh Syria. Kết quả khiêm tốn mà ông Tillerson mang về là Nga-Mỹ thống nhất thành lập nhóm hành động hàn gắn quan hệ và Nga đồng ý khôi phục thỏa thuận an toàn bay Nga-Mỹ ở Syria, vốn bị ngưng sau khi Mỹ nã tên lửa vào Syria sáng 7-4. Thậm chí thành công nhỏ nhoi này cũng phải kèm điều kiện: Nga chỉ khôi phục khi Mỹ và các đồng minh chuyên tâm đánh khủng bố chứ không phải nhắm vào quân chính phủ Syria. _____________________________ “Tôi từng nói nó lỗi thời. Nó không còn lỗi thời nữa” - Tổng thống Mỹ Donald Trump thể hiện sự thay đổi thái độ về NATO trong cuộc họp báo chung với Tổng Thư ký NATO Jens Stoltenberg ngày 12-4. |