Cuối giờ chiều 11-5, ông Bùi Anh Quang, Chủ tịch UBND phường Phước Nguyên, TP Bà Rịa, cùng đoàn cán bộ, công chức của phường trong đó có công an phường và một số đơn vị khác đã tới nhà ông Nguyễn Văn Đằng, bà Lê Thị Loan (phường Phước Nguyên) để xin lỗi về việc còng tay cháu QH, con gái bà Loan, gây xôn xao dư luận những ngày qua.
Tại gia đình, ông Quang nhìn nhận hành vi còng tay của lực lượng tham gia cưỡng chế là chưa cần thiết với một cháu bé. “Trong quá trình thực thi nhiệm vụ, tham gia vào việc tổ chức cưỡng chế, anh em có sai sót, cụ thể là còng tay bé. Tôi cho rằng việc này là không cần thiết, bởi vì cháu nó còn nhỏ, đang đi học, việc còng không cần thiết.
Thay mặt địa phương thành thật xin lỗi anh chị và đặc biệt là cháu. Mong muốn của tôi trong thời gian sắp tới, anh chị sẽ tiếp tục hỗ trợ, ủng hộ địa phương chúng tôi thực hiện tốt nhiệm vụ của mình. Tôi cũng sẽ lắng nghe các tâm tư, nguyện vọng của gia đình để tiếp tục phản ánh về TP. Riêng với bé QH, tôi mong rằng bé tiếp tục học tốt để làm sao giúp anh chị sau này… Một lần nữa, xin thay mặt chính quyền địa phương thành thật xin lỗi anh chị” - ông Quang nói.
Ông Bùi Anh Quang, Chủ tịch phường Phước Nguyên, TP Bà Rịa, xin lỗi gia đình cháu H. Ảnh: TR.KH
Ông Quang cũng cám ơn các cơ quan thông tấn báo chí đã nhanh chóng, kịp thời thông tin những thiếu sót trong quá trình thực thi nhiệm vụ.
Sau khi nghe chủ tịch UBND phường Phước Nguyên nói lời xin lỗi, gia đình ông Đằng cho biết không chấp nhận lời xin lỗi trên và yêu cầu trả lại hiện trạng căn nhà ban đầu cho gia đình. Các bước tiếp theo nữa là phải thực hiện trình tự thu hồi đất đúng quy định: Đo đạc, khảo sát, xác minh và bồi thường theo quy định pháp luật…
“Hành vi còng tay với một cháu bé như vậy là không đúng. Gia đình sẽ gửi đơn đến các cơ quan cấp cao hơn để xem xét, xử lý…” - bà Loan nói.
Sau đó ít phút, ông Quang cùng đoàn cán bộ xin phép ra về. Trao đổi với PV, ông Quang cho hay sẽ tiếp tục vận động, thuyết phục gia đình ông Đằng để bàn giao mặt bằng thực hiện dự án. Nguyện vọng xem xét giải quyết giao sáu lô đất tái định cư của gia đình ông Đằng thì khó có thể được chấp nhận.
Theo báo cáo, trong quá trình cưỡng chế, gia đình của ông Đằng đã có một số hành vi ngăn cản việc cưỡng chế. Lực lượng công an đã khống chế các thành viên trong gia đình gồm ông Đằng cùng hai người con bằng việc còng tay đưa về phường, trong đó có bé gái 13 tuổi.
Nhận thấy tình hình không đảm bảo an toàn cho bà Loan và không có lợi về tình hình an ninh trật tự nên đoàn cưỡng chế đã tạm hoãn việc cưỡng chế.
Theo Đại tá Lê Tôi Sủng, Giám đốc Công an tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu, hành vi còng tay cháu bé như vậy là chưa đúng và không thực sự cần thiết. “Trong lúc thực thi nhiệm vụ tại vụ cưỡng chế, anh em có thể áp dụng biện pháp khác” - ông Sủng nói.
Công an tỉnh cũng đã giao các cá nhân, đơn vị liên quan tường trình lại vụ việc để qua đó xem xét xử lý, rút kinh nghiệm trong các vụ việc khác. Công an tỉnh cũng đã có báo cáo gửi tỉnh và Bộ Công an, đồng thời đề nghị công an phường, TP Bà Rịa phối hợp với phường để xin lỗi gia đình cháu bé về việc còng tay trên.
Trong khi thi hành nhiệm vụ có tổ chức, việc sử dụng công cụ hỗ trợ phải tuân theo mệnh lệnh của người có thẩm quyền. Việc sử dụng thực hiện theo quy định của pháp luật về phòng vệ chính đáng và tuân theo các nguyên tắc sau: a) Phải căn cứ vào từng tình huống, tính chất, mức độ nguy hiểm của hành vi vi phạm để quyết định việc sử dụng; b) Chỉ sử dụng khi không còn biện pháp nào khác để ngăn chặn hành vi của đối tượng và sau khi đã cảnh báo bằng mệnh lệnh qua lời nói nhưng đối tượng không tuân theo; c) Không sử dụng đối với đối tượng là phụ nữ, người tàn tật, trẻ em, trừ trường hợp những đối tượng này sử dụng vũ khí, vật liệu nổ, công cụ hỗ trợ tấn công hoặc chống trả, đe dọa tính mạng, sức khỏe của người thi hành nhiệm vụ hoặc người khác… (Theo Thông tư 30/2012/TT-BCA) |