Sáng 19-10, kỳ họp thứ 3 HĐND TP.HCM khoá X nhiệm kỳ 2021-2026 đã bước vào phiên thảo luận tại hội trường.
Tại đây, ĐB Nguyễn Thị Việt Tú nhìn nhận dịch COVID-19 là đại dịch mà chúng ta chưa từng gặp nên khó khăn chồng khó khăn, kinh nghiệm xử lý cũng hoàn toàn chưa có.
Đại biểu Nguyễn Thị Việt Tú phát biểu tại hội trường. Ảnh: HOÀNG GIANG
Vừa qua TP cũng đã nỗ lực rất lớn, nhiều cán bộ sở, ngành, địa phương đã cố gắng, hy sinh; việc này được người dân nhìn thấy, ghi nhận. Thế nhưng, ở góc độ nào đó, trong những nỗ lực đó vẫn còn có những hạn chế.
ĐB Tú cho rằng, người dân đang mong chờ TP nhìn ra những nguyên nhân, hạn chế đó bởi đại dịch có thể chưa ngừng lại hoặc có thể tạm dừng hôm nay và bùng lên vào ngày mai.
“Việc tìm ra được nguyên nhân, xử lý những hạn chế đó là điều tất cả chúng ta ngồi đây trăn trở. Tại sao chúng ta vẫn còn bỏ sót những người dân chưa được hỗ trợ? Tại sao còn cán bộ quá áp lực xin nghỉ việc? Tại sao có người dân chọn TP là nơi kiếm sống như quê hương thứ hai nhưng phải rời bỏ TP ra đi. Đó là điều rất đau lòng” – ĐB Tú chia sẻ và mong các ĐB cùng tìm ra nguyên nhân giải pháp, để nếu có dịch xảy ra trong thời gian tới thì có kinh nghiệm giúp người dân an tâm ổn định cuộc sống hơn.
Tại hội trường, Giám đốc Sở LĐ-TB&XH TP.HCM Lê Minh Tấn cho biết vừa qua TP đã kịp thời thực hiện các chính sách hỗ trợ người dân gặp khó khăn. Cụ thể HĐND TP đã ban hành Nghị quyết 09 với gói hỗ trợ đợt 1 cho hơn 500.000 người (hơn 833 tỉ đồng) gồm lao động tự do, lao động bị mất việc không hưởng lương, thương nhân tại các chợ truyền thống; giai đoạn này cơ bản đạt 100%.
Trong đợt 2 TP đã chi hỗ trợ cho hơn 1,9 triệu đối tượng với hơn 3.000 tỉ đạt tỉ lệ 99,8% theo danh sách được quận huyện và TP Thủ Đức phê duyệt.
Đến gói hỗ trợ lần thứ 3 sau ngày 15-9 theo Nghị quyết 97 của HĐND TP, đến nay đã chi hỗ trợ hơn 5,1 triệu người, đạt tỉ lệ 79%. Số còn lại phấn đấu hết ngày 22-10 cơ bản hoàn thành. Như vậy tổng cộng chi 3 đợt là 7,7 triệu người trên 9.000 tỉ đồng.
Giám đốc Sở LĐ-TB&XH TP.HCM Lê Minh Tấn trao đổi tại hội trường. Ảnh: HOÀNG GIANG
Ông Tấn nhìn nhận vì có nhiều người dân ảnh hưởng, do đó không khỏi tránh sai sót phải xem xét bổ sung trong việc thực hiện các chính sách hỗ trợ. “Đây là chính sách đặc thù riêng của TP trợ giúp cho người dân trong lúc gặp khó khăn, đói khổ do dịch bệnh héo dài, chứ không phải chế độ định mức mọi người phải có” – ông Tấn khẳng định và cho biết ngoài thực hiện hỗ trợ bằng nguồn ngân sách nhà nước thì còn có nhiều chính sách khác để hỗ trợ cho bà con.
Bên cạnh đó, ông Lê Minh Tấn cho biết dịch COVID-19 đã tác động lớn và để lại hậu quả nặng đề, với gần 2.000 trẻ em mồ côi và 381 người cao tuổi sống neo đơn. Trong đó có có 227 trẻ em là con của sản phụ nhiễm COVID-19, 48 trẻ mồ côi cả cha lẫn mẹ, người nuôi dưỡng và 1.805 trẻ mồ côi cha hoặc mẹ.
Trước tình hình đó, Sở LĐ-TB&XH TP đã tham mưu UBND TP ban hành chương trình huy động nguồn lực chăm lo, hỗ trợ cho người cao tuổi neo đơn và trẻ mồ côi do COVID-19 trên địa bàn với chín chính sách cụ thể.
Gồm: chăm sóc sức khỏe tinh thần, tư vấn tâm lý; sức khỏe thể chất, hỗ trợ sữa, dinh dưỡng, lương thực, thực phẩm; hỗ trợ nơi ở và đồ dùng; giáo dục, đỡ đầu học tập đến năm 18 tuổi; định hướng nghề nghiệp và học nghề; kỹ năng sống; bảo vệ phát lý, kế thừa tài sản của người cao tuổi, trẻ em, sổ tiết kiệm, nhà, đất, xe và tài sản có giá trị khác; nhận nuôi dưỡng người neo đơn; thực hiện các hình thức chăm sóc thay thế.