Giảm giờ làm thêm là đi ngược với các nước phát triển

Ngày 2-6, Bộ LĐ-TB&XH tổ chức hội nghị đối thoại với doanh nghiệp về tình hình thực thi Bộ luật Lao động 2012 và các văn bản quy định chi tiết, những khó khăn, vướng mắc của doanh nghiệp khi áp dụng.

Ông  Trương Văn Cẩm, Phó Chủ tịch Hiệp hội Dệt may Việt Nam, cho rằng việc quy định giờ làm thêm hiện nay chưa phù hợp. Ở các nước phát triển như Nhật Bản cho phép người lao động làm thêm 720 giờ/năm, Trung Quốc 600 giờ/năm. Trong khi Việt Nam là nước đang phát triển nhưng chỉ cho phép 200-300 giờ/năm là quá thấp.

Ông Trương Văn Cẩm nêu kiến nghị tại hội nghị. Ảnh: VIẾT LONG

Cùng quan điểm, ông Nguyễn Xuân Dương, Tổng Giám đốc Tổng Công ty CP May Hưng Yên, cho rằng quy định như trên đi ngược lại với các nước phát triển: “Nếu không làm thêm, người lao động chỉ nhận mức lương từ 4 triệu đồng/tháng, với khoản tiền này cuộc sống họ rất vất vả, tiền đâu để nuôi con, thuê nhà. Việc làm thêm là giúp lao động có thêm thu nhập, sống tốt hơn để nuôi vợ con, đó là nhu cầu thực tế. Tại sao chúng ta lại quá hạn chế mong muốn chính đáng của họ...”.

Ông Dương kiến nghị nên tăng giờ làm thêm lên ít nhất là 600 giờ/năm. Trong đó, quy định cho người sử dụng lao động và người lao động được thỏa thuận khung thời gian theo tháng, tuần nhưng không quá quy định giờ làm thêm trong năm.

Thứ trưởng Bộ LĐ-TB&XH Phạm Minh Huân lắng nghe ý kiến của doanh nghiệp. Ảnh: VIẾT LONG

Thứ trưởng Bộ LĐ-TB&XH Phạm Minh Huân cho rằng quy định giờ làm thêm được ấn định trong luật nên các văn bản hướng dẫn không thay đổi được. Vì vậy, việc tăng giờ làm thêm đang được ban soạn thảo cân nhắc để đáp ứng yêu cầu sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp.

Thứ trưởng Phạm Minh Huân cũng cho biết: “Vào năm 2017 Chính phủ trình Quốc hội sửa luật lao động để hoàn thiện luật phù hợp với việc Việt Nam gia nhập TPP, nên những ý kiến của doanh nghiệp sẽ được ghi nhận và thay đổi trong thời gian tới…”.

 

Bị xếp vào quy định tồi

Phòng Công nghiệp và Thương mại Việt Nam đã tổ chức cuộc bình chọn các quy định pháp luật tốt nhất và tồi nhất. Theo đó, nội dung là thời gian làm thêm do Bộ LĐ-TB&XH chủ trì soạn được bình chọn là tồi.

Về vấn đề này, Bộ LĐ-TB&XH cho rằng về thời giờ làm thêm, xu hướng giảm giờ làm là xu hướng tiến bộ của loài người trên cơ sở sự phát triển của lực lượng sản xuất, đảm bảo tăng năng suất lao động, phù hợp với điều kiện của doanh nghiệp nhưng duy trì được sức khỏe, khả năng tái tạo sức lao động cũng như có thời gian chăm sóc sức khỏe gia đình và các điều kiện xã hội của người lao động.  

Tuy nhiên, trong điều kiện của Việt Nam hiện nay, xuất phát điểm thấp, năng suất lao động chưa cao và qua điều tra, khảo sát thực tiễn của Bộ LĐ-TB&XH, Ủy ban Về các vấn đề xã hội của Quốc hội, nhiều doanh nghiệp đề xuất mở rộng thời gian làm thêm cho phù hợp. Vì vậy, Bộ LĐ-TB&XH sẽ tiếp tục nghiên cứu, phân tích trên cơ sở yêu cầu phát triển bền vững của doanh nghiệp cũng như đảm bảo sức khỏe, sự phát triển về thể chất, tinh thần của người lao động Việt Nam hiện nay và mai sau, để đề xuất cấp có thẩm quyền ban hành quy định cho phù hợp.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm