Giảm mức giãn cách xã hội TP Phan Thiết từ Chỉ thị 16 xuống Chỉ thị 15

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam

Ngày 7-9, ông Lê Tuấn Phong, Chủ tịch UBND tỉnh Bình Thuận đã ký công văn thống nhất gỡ bỏ giãn cách xã hội TP Phan Thiết từ Chỉ thị 16 xuống Chỉ thị 15 nhưng tăng cường một số biện pháp cấp bách phòng, chống dịch.

Một chốt kiểm soát vào TP Phan Thiết.

Theo đó, qua công tác tổ chức xét nghiệm sàng lọc, TP Phan Thiết đã cơ bản bóc tách F0 ra khỏi cộng đồng, dịch bệnh bước đầu đã được khống chế. Để từng bước nới lỏng giãn cách xã hội nhưng vẫn phải đảm bảo an toàn trong phòng, chống dịch COVID-19, Chủ tịch UBND tỉnh yêu cầu Chủ tịch UBND thành phố Phan Thiết; các cơ quan, đơn vị và nhân dân trên địa bàn thành phố thực hiện giãn cách xã hội theo quy định tại Chỉ thị số 15/CT-TTg của Thủ tướng Chính phủ và tăng cường một số biện pháp cấp bách phòng, chống dịch COVID-19 từ 00 giờ ngày 8-9 cho đến khi có thông báo mới.

Cụ thể: Dừng các hoạt động hội họp, các sự kiện tập trung trên 10 người trong 1 phòng, trừ các cuộc họp phòng, chống dịch COVID-19; không tụ tập từ 5 người trở lên ngoài phạm vi công sở, trường học, bệnh viện; dừng các nghi lễ tôn giáo, hoạt động có tập trung từ 5 người trở lên tại các cơ sở tôn giáo, tín ngưỡng, thờ tự.

Yêu cầu người dân, công chức, viên chức, người lao động hạn chế ra ngoài, chỉ ra ngoài trong trường hợp thật sự cần thiết như thực thi công vụ, làm việc tại cơ quan, công sở, nhà máy, cơ sở sản xuất, cơ sở kinh doanh dịch vụ, hàng hóa thiết yếu; mua lương thực, thực phẩm, thuốc men và các trường hợp khẩn cấp khác.

Người dân không đi ra khỏi nhà từ 20 giờ ngày hôm trước đến 05 giờ sáng ngày hôm sau, trừ các trường hợp: Cấp cứu, cứu hỏa; các lực lượng phòng, chống dịch, cơ yếu; lực lượng giữ gìn an ninh, trật tự; cán bộ, phóng viên, biên tập viên các cơ quan báo, đài thực hiện nhiệm vụ phòng, chống dịch; lực lượng công nhân vệ sinh môi trường đô thị, xử lý sự cố về điện, nước, hệ thống thông tin và hạ tầng kỹ thuật; xe ô tô vận chuyển hàng hóa thiết yếu, cấp bách cung cấp cho các cơ sở kinh doanh; các tiểu thương chợ đầu mối (theo danh sách cho phép của chính quyền địa phương) và trường hợp đặc biệt khác do địa phương quy định. Xử phạt nghiêm các trường hợp cố tình vi phạm.

Duy trì các Chốt kiểm soát dịch COVID-19 tại các ngõ vào thành phố Phan Thiết và quản lý chặt chẽ tất cả người, phương tiện ra/vào thành phố. Giao Chủ tịch UBND thành phố Phan Thiết quy định những đối tượng thuộc nhóm nguy cơ cao cần phải có kết quả xét nghiệm âm tính khi đi qua Chốt kiểm soát (như: người đến từ vùng có dịch COVID-19, người vận chuyển hàng hóa...).

Tiếp tục dừng tất cả các hoạt động văn hóa, thể thao, vui chơi, giải trí; các cơ sở kinh doanh dịch vụ như: Rạp chiếu phim, nhà hàng tiệc cưới, vũ trường, quán bar, karaoke, các tụ điểm hát với nhau; chợ đêm; các điểm kinh doanh trò chơi điện tử, dịch vụ internet; cơ sở massage, vật lý trị liệu, cơ sở làm đẹp, thẩm mỹ viện, cắt tóc máy lạnh; câu lạc bộ thể hình, Gym, Yoga, Bida, khiêu vũ, võ thuật, dưỡng sinh, hồ bơi, sân bóng đá, bóng chuyền, cầu lông, quần vợt, golf…; các khu, điểm thăm quan, du lịch, di tích, bảo tàng, thư viện, nhà sách, công viên, bãi biển.

Tất cả các cơ sở lưu trú không đón khách đến từ các tỉnh, thành đang có dịch COVID-19 theo danh sách cập nhật hàng ngày của Sở Y tế (trừ các cơ sở được sử dụng làm khu cách ly tập trung). Các cơ sở kinh doanh dịch vụ ăn uống không được phục vụ tại chỗ, chỉ được bán mang về.

Không tổ chức liên hoan, đám cưới; đám tang tổ chức nhỏ gọn. Các cơ quan, công sở, các công ty, doanh nghiệp xây dựng Phương án làm việc 50% trực tuyến, chia ca; các cơ quan, đơn vị thuộc tỉnh bố trí không quá 50% số lượng cán bộ, công chức, viên chức (trừ các cơ quan, đơn vị thực hiện nhiệm vụ phòng, chống dịch thì duy trì 100% nhân lực làm việc).

Thủ trưởng các cơ quan, đơn vị tùy theo điều kiện, tính chất hoạt động của cơ
quan, đơn vị để bố trí cán bộ, công chức, viên chức, người lao động phù hợp; thực hiện nghiêm các biện pháp phòng chống dịch COVID-19 và hạn chế tối đa hoạt động trực tiếp, sử dụng hình thức làm việc, giao dịch trực tuyến.

Các trung tâm thương mại, siêu thị trên địa bàn tổ chức sắp xếp lại, đảm bảo cung cấp đầy đủ nhu yếu phẩm hàng ngày cho Nhân dân trên địa bàn; đảm bảo thực hiện 5K, hạn chế tối đa việc tiếp xúc gần khi giao dịch, người bán hàng sử dụng kính chống giọt bắn. Bố trí tăng cường lực lượng hướng dẫn nhân dân đến mua sắm hàng hóa đảm bảo biện pháp phòng, chống dịch theo quy định ngay từ khu vực để xe, lối ra vào và trong cơ sở kinh doanh.

Về hoạt động của các chợ truyền thống: Tổ chức rà soát, kiểm tra, nếu các chợ không đảm bảo an toàn phòng, chống dịch thì tạm dừng ngay hoạt động, khi tổ chức được phương án hoạt động an toàn phòng, chống dịch thì mới cho hoạt động trở lại. Tiếp tục duy trì hoạt động chợ dã chiến để đảm bảo việc tiêu thụ, cung ứng hàng hóa cho Nhân dân. Tiếp tục thực hiện phát phiếu đi chợ 3 ngày/lần và người dân ở phường nào chỉ đi chợ phường đó. Tổ chức các điểm, đầu mối giao nhận hàng không để người đến từ vùng dịch giao hàng tiếp xúc trực tiếp khu vực chợ không đảm bảo an toàn.

Về hoạt động giao/nhận hàng: Các doanh nghiệp và chủ cơ sở cung cấp dịch vụ giao hàng phải tổ chức cho người giao hàng xét nghiệm 03 ngày/lần và phải có kết quả xét nghiệm âm tính với SARS-CoV-2 mới được đi giao hàng.

Đối với một số phường có nguy cơ cao và rất cao, khu vực phong tỏa, giao trách nhiệm cho Chủ tịch UBND thành phố Phan Thiết quyết định biện pháp áp dụng giãn cách xã hội theo Chỉ thị 16/CT-TTg và cách ly y tế phù hợp, đảm bảo an toàn phòng, chống dịch.

Được biết, TP Phan Thiết đến ngày 7-9 đã thực hiện giãn cách xã hội 37 ngày. Tính đến trưa 7-9, toàn tỉnh Bình Thuận đã có 2.651 ca mắc COVID-19 trong đó Phan Thiết có 524 ca mắc. Trong 14 ngày qua tại Phan Thiết vẫn còn 4 địa phương có ca mắc COVID-19 trong cộng đồng là các phường Phú Tài, Đức Long, Bình Hưng và Đức Thắng.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm