Ngày 6-8, tin từ UBND tỉnh Bình Thuận cho biết ông Nguyễn Ngọc Hai, Chủ tịch UBND tỉnh, đã ký công văn gửi chủ tịch UBND các huyện, thị xã, TP trong tỉnh về tăng cường công tác phòng ngừa, đấu tranh với tội phạm cho vay nặng lãi.
Theo đó, tỉnh yêu cầu người đứng đầu các địa phương tổ chức tuyên truyền, phổ biến cho nhân dân hiểu rõ về hành vi, thủ đoạn hoạt động của các đối tượng cho vay nặng lãi để phòng ngừa, cảnh giác. Đồng thời, chỉ đạo công an các địa phương nắm tình hình, chủ động phát hiện các đối tượng cho vay nặng lãi để có biện pháp xử lý nghiêm theo đúng quy định pháp luật.
Theo báo cáo của Công an tỉnh Bình Thuận, thời gian qua, tình trạng cho vay nặng lãi diễn ra hết sức phức tạp trên địa bàn tỉnh. Thủ đoạn của loại tội phạm này là in tờ rơi, quảng cáo ghi các thông tin cho vay tiền nhanh gọn, không cần thế chấp, phát hoặc dán tại các địa điểm công cộng như tường rào, trụ điện... Khi đến vay tiền, người dân chỉ cần đưa bản phôtô CMND, hộ khấu, giấy phép lái xe...
Sau đó, nhóm này sẽ làm hợp đồng vay mượn, trả góp, trong đó có kèm theo lãi suất nhưng không quá mức lãi suất đưọc quy định của bộ luật dân sự, hình sự. Hợp đồng này có chữ ký của người vay tiền nhưng nhóm cho vay giữ hợp đồng chứ không đưa cho người vay.
Đây là thủ đoạn phổ biến và rất nguy hiểm mà nhóm người này từ các tỉnh phía Bắc vào Bình Thuận đế hoạt động. Mặt khác, sau khi vay tiền xong, họ cho nhân viên đến thu tiền lãi đến hạn, khi người vay có tiền đi trả vốn thì nhân viên tìm mọi thủ đoạn không cho ngưòi vay gặp chủ cho vay trả vốn để kéo dài thời gian trả lãi.
Ngoài ra, còn có một số trường hợp người dân cần tiền kinh doanh, đáo hạn ngân hàng, thua tiền đánh bạc... sẵn sàng vay nóng hoặc mượn tiền trả góp theo ngày (với lãi suất dao động 15%-30%/tháng). Nếu không trả đủ lãi thì họ sẽ cộng số lãi này vào tiền gốc. Cứ như vậy, số tiền nợ càng nhiều, đến khi không còn khả năng chi trả thì các đối tượng này đe dọa hành hung, bắt cóc, bôi nhọ danh dự, nhân phấm, thậm chí đe dọa người thân của người vay nợ nhằm tạo sức ép buộc phải bán nhà cửa, tài sản trả nợ.
Theo Công an tỉnh Bình Thuận, đa phần người cho vay nặng lãi đều có tiền án, tiền sự hoặc có quan hệ với nhiều đối tượng hình sự, ma túy, hoạt động rất xảo quyệt, manh động, tàn bạo và có nhiều kinh nghiệm đối phó với cơ quan công an.
Công an tỉnh Bình Thuận cho biết đã chỉ đạo tiến hành rà soát các băng nhóm tội phạm hình sự đóng trên địa bàn TP Phan Thiết và xác lập chuyên án để đấu tranh triệt phá các băng nhóm tội phạm, trong đó có băng nhóm của tội cho vay nặng lãi nhưng tình hình của số đối tượng này vẫn không giảm và có chiều hướng gia tăng với nhiều thủ đoạn tinh vi, xảo quyệt hơn.
Công an tỉnh Bình Thuận đề nghị chủ tịch UBND tỉnh chỉ đạo các địa phương tuyên truyền cho người dân biết phương thức thủ đoạn hoạt động và tác hại của việc vay mượn tiền của những đối tượng cho vay nói trên. Cạnh đó, bóc gỡ tờ quảng cáo dán trên các tường rào, trụ điện... nhằm đem laị mỹ quan đô thị. Khi phát hiện tổ chức hoặc cá nhân có hành vi quảng cáo, dán trên các địa điểm nói trên thì tiến hành lập biên bản xử phạt hành chính theo quy định.
Công an tỉnh Bình Thuận cũng yêu cầu công an các địa phương rà soát các số điện thoại quảng cáo dán ở những nơi công cộng, bằng các biện pháp nghiệp vụ xác định các đối tượng chuyên cho vay nặng lãi, lập hồ sơ quản lý theo dõi, khi đủ điều kiện tiến hành xử lý nghiêm theo quy định của pháp luật.
Tăng cường công tác nắm tình hình, chủ động phát hiện các đối tượng chuyên cho vay nặng lãi; tiến hành gọi hỏi, răn đe giáo dục, cam kết không vi phạm. Dựng lại quy mô, phương thức hoạt động của nhóm cho vay để kịp thời có đối sách xử lý ngay, không để móc nối hình thành băng nhóm hoạt động kéo dài gây bức xúc trong dư luận.
Kiểm tra lại các vụ việc, vụ án do đơn vị mình thụ lý có liên quan đến hoạt động cho vay nặng lãi, đòi nợ thuê như: cưỡng đoạt tài sản, cố ý gây thương tích, hủy hoại tài sản, bắt giữ người trái pháp luật... thì tập trung điều tra làm rõ và phối hợp với các ngành tư pháp đưa vào án điểm xử lý nghiêm.
Đối với những vụ việc chưa đủ yếu tố cấu thành tội phạm cho vay nặng lãi theo quy định thì củng cố hồ sơ xử phạt vi phạm hành chính, quản lý, theo dõi và khi có đủ điều kiện thì xử lý nghiêm theo quy định pháp luật hình sự.
“Đối với các ngân hàng, các tổ chức tín dụng đóng trên địa bàn tỉnh cần phải mở rộng địa bàn cho vay, diện được vay và tinh giản các thủ tục không cần thiết để người dân khi có yêu cầu chính đáng được tiếp cận vay vốn” - Công an tỉnh Bình Thuận đề nghị.
Công an tỉnh Bình Thuận cũng cho biết đã chỉ đạo Phòng Cảnh sát hình sự phối hợp với Công an TP Phan Thiết tiến hành các hoạt động điều tra, khởi tố vụ án đối với vụ cho vay tiền và bắt giữ người trái pháp luật.
Ngày 20-5, Nguyễn Huy Tuấn (37 tuổi, phường Phú Hài, TP Phan Thiết, tỉnh Bình Thuận) chở vợ và con đi xe máy đến khu vực đường Lê Duẩn, phường Phú Trinh thì bị Đặng Văn Thừa (xã Láng Dài, huyện Đất Đỏ, tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu) cùng ba thanh niên trong nhóm đi đòi nợ thuê khống chế.
Chiếc xe con nợ lái của nhóm đòi nợ để bỏ chạy. Những người này dùng dây vải bịt mắt, trói tay Huy Tuấn khiêng Tuấn bỏ lên xe Innova 30F-5507. Khi đến khu vực bờ kè phường Hàm Tiến, nhóm đòi nợ thuê dừng xe xuống một nhà hàng để ăn nhậu. Khi còn một mình ngoài xe, Tuấn tự mở dây trói và điều khiển ô tô này bỏ chạy đến Công an phường Mũi Né để trình báo sự việc. Nguyên nhân của vụ việc nói trên là vào khoảng tháng 3-2017 Nguyễn Huy Tuấn mượn của Nguyễn Hoài Tuấn số tiền 300 triệu đồng, đến tháng 11-2017, Huy Tuấn hết khả năng trả nợ nên Hoài Tuấn nhờ Thừa đi đòi nợ giúp. |