Tôi may mắn từ bé ở với bố tại khu tập thể Bộ Y tế 138A Giảng Võ nên đôi lần lên phòng làm việc của ông chơi, được gặp và tiếp xúc với nhiều bác lãnh đạo Bộ Y tế.
Bố tôi công tác ở Vụ Y học dân tộc ngay sau khi đất nước vừa được thống nhất (sau này đổi tên là Vụ Y học cổ truyền, giờ là Cục Quản lý y dược học cổ truyền). Tôi cũng được gặp rất nhiều bác là lương y, là bác sĩ, là giáo sư lĩnh vực y học dân tộc. Sau này, khi học đại học y năm thứ 4, ông cụ khuyên bảo con nên theo học chuyên ngành y học dân tộc để nối nghiệp cha ông. Thế là đang học đa khoa, tôi chuyển sang chuyên ngành y học dân tộc.
Đối với lĩnh vực y học cổ truyền, tôi vẫn ấn tượng và kính trọng nhất hai giáo sư Hoàng Bảo Châu và giáo sư Nguyễn Tài Thu. Cả hai thầy đều học ở Trung Quốc về, đều là những thầy thuốc uyên thâm về y lý, giỏi về thuật (một thầy chuyên sâu về thuốc bắc và dưỡng sinh, một thầy chuyên sâu về châm cứu và xoa bóp bấm huyệt).
Năm 1994 sau khi tốt nghiệp, ra trường thời đó rất khó xin việc, đặc biệt làm trong các bệnh viện tuyến trung ương. Nhiều bạn bè tôi, đứa thì vào nam, đứa thì về quê, rất nhiều đứa đi làm trình dược viên cho các hãng thuốc (thời đó làm trình dược viên lương cao, đi đây đi đó), một số đứa cũng xin vào làm hợp đồng trong các bệnh viện tuyến trung ương.
Tôi sau khi cầm tấm bằng tốt nghiệp, bố tôi muốn xin cho vào làm ở Khoa đông y, Bệnh viện Hữu nghị Việt Xô vì có một bác người cùng quê làm Phó giám đốc ở đó. Chờ đợi xin việc gần một năm, có hôm bố tôi gặp giáo sư Nguyễn Tài Thu, giáo sư hỏi “Con trai anh tốt nghiệp giờ nó làm đâu rồi”. Ông bảo nó đang ở nhà, đang chờ xin việc. Giáo sư bảo anh cho cháu vào chỗ tôi làm việc. Thế là cuộc đời tôi bắt đầu sự nghiệp chăm sóc và điều trị cho bệnh nhân tại Khoa Nội, Viện Châm cứu trung ương (nay là Bệnh viện Châm cứu trung ương).
Tôi công tác tại Viện châm cứu trung ương được 3 năm thì chuyển. Trong thời gian làm việc tại đây, rất nhiều lần được giáo sư ân cần chỉ dạy. Các lần đi buồng do tôi phụ trách, nghe giáo sư giảng giải, thực hiện các kỹ thuật châm cứu, nhất là châm kim dài (20 cm) dọc cột sống (châm cứu các huyệt đạo giáp tích - hoa đà) để điều trị các di chứng liệt sau tai biến mạch máu não hoặc chấn thương cũng như châm tê.
Chứng chỉ mà giáo sư cấp cho 1997 vẫn còn đây, như một kỷ vật theo tôi suốt cuộc đời
Trong những năm làm việc tại đây, kỷ niệm ấn tượng nhất của tôi với giáo sư Nguyễn Tài Thu đó là, có lần đi buồng, ông nghe tôi bá cáo tình hình cho bệnh nhân ra viện (hết thời gian điều trị): Bệnh nhân liệt nửa người do tai biến mạch máu não sau 1 tháng điều trị KHÔNG KHỎI. Ông bảo tôi, cháu đừng kết luận như thế, phải ghi là: Bệnh nhân liệt nửa người do tai biến mạch máu não sau một tháng CHƯA KHỎI
Sau này chuyển công tác, kinh qua nhiều vị trí ở nhiều cơ quan khác nhau mới thấy thấm thía lời chỉ dẫn của giáo sư Nguyễn Tài Thu về hai chữ KHÔNG và CHƯA. Đặc biệt trong thời đại ngày nay, khi tiến bộ khoa học kỹ thuật phát triển, rất nhiều căn bệnh tưởng chừng KHÔNG chữa khỏi, giờ chữa quá dễ dàng. Trong cuộc sống cũng vậy, những vấn đề, những công việc hôm nay tưởng chừng KHÔNG xử lý được, nhưng có thể ngày mai, ngày kia giải quyết được. CHƯA = KHÔNG CÓ GÌ LÀ KHÔNG THỂ, đúng là:
Một lọ kim châm, một lọ cồn
Một thời để nhớ, dại và khôn
Lời thầy răn dạy, con ghi nhớ
Sáng mãi tâm con, luôn nhớ thầy
Vài dòng tâm sự, xin thắp một nén tâm nhang vĩnh biệt giáo sư, bác sĩ Nguyễn Tài Thu, người thầy của tôi.