Giữ rừng: Áp lực cao nhưng đãi ngộ thấp

(PLO)- Hàng tháng, nhân viên Vườn Quốc gia Chư Mom Ray tại Kon Tum phải đi tuần tra vài trăm km, có người đi đến 600 km chịu cảnh "ăn rừng, ngủ lán".

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam

Ông Đào Xuân Thủy, Giám đốc Vườn Quốc gia Chư Mom Ray (Kon Tum), cho biết vườn có phạm vi rất rộng, nằm địa bàn hai huyện biên giới Sa Thầy và Ngọc Hồi với diện tích hơn 60.000 ha, trong khi lực lượng chuyên trách bảo vệ rừng chỉ có 71 người.

"Nhờ áp dụng phần mềm Smart nên công tác quản lý bảo vệ giữ rừng và giám sát nhân viên đạt hiệu quả cao. Gần bốn năm nay không xảy ra vi phạm, cháy rừng" - ông Thủy nói.

Hiện, vườn có 14 trạm quản lý bảo vệ rừng, hầu hết nằm ở vùng sâu, vùng xa, điều kiện đi lại rất khó khăn; sáu trạm còn chưa có sóng điện thoại và lưới điện thắp sáng. Vườn là nơi bảo tồn các nguồn gene động, thực vật quý hiếm.

Tuần tra rừng gần 600 km/tháng

Trước khó khăn “đất rộng, người thưa”, Vườn Quốc gia Chư Mom Ray đã đưa ra nhiều giải pháp, áp dụng nhiều phần mềm trong công tác quản lý bảo vệ rừng như GIS, WebGis, Smart… nhằm giúp công tác quản lý bảo vệ rừng được nâng cao, ngăn chặn từ xa các nguy cơ xâm hại đến rừng.

Vườn Quốc gia Chư Mom Ray áp lực giữ rừng Kon Tum
Trung bình, mỗi tháng mỗi nhân viên bảo vệ rừng của Vườn Quốc gia Chư Mom Ray đi tuần tra từ 200-300 km. Ảnh: CA.

Theo số liệu thống kê từ phần mềm Smart, hành trình tuần tra, quản lý rừng của toàn bộ nhân viên Vườn trong tháng 4-2024 được giám sát chặt chẽ. Đạt hiệu suất cao nhất trong tháng là nhân viên Nguyễn Bá Nam (thuộc Trạm Quản lý Bảo vệ rừng La Lân) đi 15 đợt tuần tra với quảng đường 598 km; anh Hồ Lê Trọng Hảo (Trạm Bar Gok) có 19 đợt tuần tra, đi 324 giờ, quảng đường 344 km.

“Qua hai năm áp dụng, tháng cao điểm mình di chuyển 300 km, trong khi tối thiểu chỉ cần 150 km là hoàn thành nhiệm vụ. Việc áp dụng phần mềm này sẽ giúp nhân viên ý thức và trách nhiệm hơn trong nhiệm vụ. Đồng thời, Ban giám đốc cũng giám sát được hành trình của nhân viên và có kế hoạch hợp lý” - anh Hồ Lê Trọng Hảo chia sẻ.

Đồng thời, anh Nguyễn Bá Nam cho biết: “Địa hình trong vườn đa số núi cao, vực sâu hiểm trở. Nhiều chuyến đi phải ở lại rừng hai đến ba ngày, nhờ có phần mềm này nên anh em tuần tra cũng yên tâm hơn, quá trình di chuyển cũng được đơn vị giám sát, hỗ trợ kịp thời khi có sự cố xảy ra”.

Vườn Quốc gia Chư Mom Ray áp lực giữ rừng Kon Tum
Vườn Quốc gia Chư Mom Ray bảo vệ, ngăn chặn xâm hại rừng kịp thời nhờ áp dụng công nghệ. Ảnh: CA.

Nhờ áp dụng phần mềm trong quản lý, tháng 5-2024, vườn đã phát hiện và ghi nhận được sự xuất hiện của đàn voọc quý hiếm đã “biệt tích” gần 5 năm nay. Đồng thời, nhân viên mở rộng các tuyến tuần tra, phát hiện và gỡ được rất nhiều bẫy thú, lán trại trong rừng. Vườn còn áp dụng flycam để quản lý bảo vệ rừng tốt hơn.

Đầu tháng 5-2024, Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Lưu Quang đã có chuyến khảo sát và làm việc với Ban Quản lý Vườn quốc gia Chư Mom Ray (tỉnh Kon Tum), đánh giá cao công tác phòng, chống cháy rừng của đơn vị. Đồng thời, biểu dương vườn đã ứng dụng khoa học, công nghệ, sử dụng flycam vào công tác quản lý, bảo vệ, phòng và phát hiện sớm cháy rừng.

"Mỗi cán bộ kiểm lâm, bảo vệ rừng đều cài một phần mềm trong điện thoại di động để xác định đi đủ 120 km/tháng. Có đồng chí một tháng đã đi đến 370 km” - Phó Thủ tướng bày tỏ ấn tượng và nhắc nhở đây là điển hình có thể khen thưởng, tăng lương để động viên.

Áp lực nhưng chế độ chưa tương xứng

Chỉ riêng trong bốn tháng đầu năm 2024, nhân viên của vườn đã thực hiện 7.563 đợt tuần tra, kiểm tra rừng với 35.722 lượt người tham gia; kịp thời phát hiện, ngăn chặn từ sớm, từ xa các hành vi, biểu hiện xâm hại tài nguyên rừng.

Kết quả, từ năm 2020 đến nay địa bàn quản lý của Vườn Quốc gia Chư Mom Ray không để xảy ra vi phạm, không xảy ra cháy rừng.

Vườn Quốc gia Chư Mom Ray áp lực giữ rừng Kon Tum
Nhân viên bảo vệ rừng áp lực cao, điều kiện làm việc nguy hiểm nhưng mức lương còn thấp, thiếu đãi ngộ tương ứng. Ảnh: CA.

Theo ông Đào Xuân Thủy, Giám đốc Vườn Quốc gia Chư Mo Ray, việc áp dụng công nghệ vào công tác tuần tra rừng đã mang lại hiệu quả bảo vệ rừng rõ rệt. Ban giám đốc cũng có đánh giá chính xác, xếp loại thi đua đối với từng nhân viên.

Tuy nhiên, trong quá trình công tác, đơn vị cũng ghi nhận một số vấn đề ảnh hưởng đến quá trình quản lý bảo vệ rừng, khiến nhân viên còn lắm tâm tư. Thực tế, nhân viên bảo vệ rừng của đơn vị luôn phải bám chặt địa bàn, bất kể ngày đêm nhưng hưởng chế độ, lương chưa tương xứng.

Cụ thể, mức lương bình quân của lực lượng chuyên trách bảo vệ rừng chỉ còn thấp, từ 3,5 đến 5 triệu đồng/tháng. Mỗi tháng, nhân viên chia nhau mỗi người nghỉ được vài ngày.

Thống kê, từ năm 2018 đến nay đã có 32 viên chức, người lao động nghỉ việc. Nguyên nhân do áp lực giữ rừng vì diện tích quản lý quá lớn, nhân sự mỏng; mức lương thấp, thiếu đãi ngộ đặc thù.

“Để giữ chân người giữ rừng, chúng tôi mong muốn Chính phủ có cơ chế đặc thù đối với lực lượng chuyên trách bảo vệ rừng như chế độ lương của bảo vệ rừng, phụ cấp độc hại, nguy hiểm; phụ cấp thâm niên nghề và phụ cấp ưu đãi nghề, nhằm nâng thu nhập để họ đảm bảo cuộc sống, yên tâm làm nhiệm vụ” - ông Thủy nói.

Khi “bóng hồng” băng rừng, lội suối giữ rừng

Tại Vườn Quốc gia Chư Mo Ray, trong số 71 nhân viên bảo vệ rừng, có ba phụ nữ gắn bó với công tác quản lý, bảo vệ rừng nhiều năm nay. Người có thâm niên nhất cũng đã “leo rừng, lội suối” suốt 13 năm. So với nam giới, nữ nhân viên phải chịu nhiều áp của công việc, lẫn việc gia đình.

Chị Hoàng Thị Hà (35 tuổi, nhân viên Trạm quản lý bảo vệ rừng Bar Gok, huyện Sa Thầy, tốt nghiệp Trung cấp lâm nghiệp), chia sẻ: “Nhờ yêu nghề nên mới gắn bó được lâu dài. Nhiều khi trực tuần tra, nghe tin con đau ốm không về kịp chỉ biết khóc, lo lắng. Hai con nhỏ phải thường xuyên gửi ông bà và hàng xóm trông hộ”.

Theo chị Hà, mức lương của chị hiện khá thấp, ban đầu lương 3,8 triệu đồng, nay gần năm triệu đồng. Hàng tháng, chị phải đi tuần tra rừng từ 100-200 km.

Vườn Quốc gia Chư Mom Ray áp lực giữ rừng Kon Tum
Vượt qua khó khăn, những bóng hồng giữ rừng tại Vườn Quốc gia Chư Mom Ray luôn hoàn thành tốt nhiệm vụ.

Chung hoàn cảnh, chị Nguyễn Thị Nga (35 tuổi, Trạm quản lý bảo vệ rừng Ya Krei, huyện Sa Thầy), cho biết nhiều lúc nghĩ “mình có khác gì nam giới đâu”. Theo nghề, bám rừng, tuần tra gặp phải không ít hiểm nguy; chốn rừng sâu, ăn rau dại, uống nước rừng là chuyện bình thường.

“Đàn ông đi rừng đã vất vả, nữ giới lại càng cực nhọc hơn. Đi làm, hai con nhỏ gửi cho ông bà, còn chồng làm giáo viên ở huyện Ia H’Drai xa nhà 70 km. Nhiều lúc nghĩ về gia đình, con cái cũng cảm thấy tủi thân” - chị Ngà nói.

Nhằm tạo điều kiện cho các chị, Ban giám đốc vườn bố trí vị trí công tác cho các chị ở những trạm gần nhà. Mặc dù là nữ giới, nhưng trong công tác các chị luôn hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm