TAND huyện Hóc Môn (TP.HCM) vừa trả hồ sơ, yêu cầu điều tra bổ sung vụ cướp tài sản xảy ra hồi tháng 1 ở xã Đông Thạnh, huyện Hóc Môn. Trong vụ này, bị cáo Vũ Nguyễn Hoàng Đức (26 tuổi) bị chính người làm thuê của mình tố cáo.
Theo cáo trạng, Đức là chủ đại lý chuyên bỏ mối cà phê cho các tiệm tạp hóa. Đức thuê một kho ở xã Đông Thạnh để chứa hàng và mướn Phạm Trường Tài cùng một số người làm thuê cho mình. Trong đó, Tài có nhiệm vụ lái ô tô đi giao và lấy hàng.
Vũ Nguyễn Hoàng Đức bị truy tố tội cướp tài sản. Ảnh: GĐCC
Tối 16-1, Đức cùng một số nhân viên phát hiện mất ba thùng cà phê tại kho (mỗi thùng trị giá hơn 1,8 triệu đồng). Đức cùng mọi người mở camera theo dõi diễn biến trong ngày thì thấy Tài lấy một thùng hàng bỏ lên ô tô chở đi.
Đến 21 giờ 40 cùng ngày, Tài lái ô tô về kho. Đức hỏi thì Tài một mực nói không lấy dù được xem lại camera cùng các nhân viên của đại lý. Do nghĩ Tài lấy hàng mà không chịu nhận, Đức bực tức đánh tài xế này 3-4 cái.
Đánh xong, Đức yêu cầu Tài để lại xe máy cùng giấy phép lái xe hạng C. Tài nghe theo rồi đi bộ tới Công an xã Đông Thạnh trình báo vụ việc. Đến trưa 18-1, Đức mang chiếc xe này đến công an xã giao nộp và bị giữ lại.
Sau đó, Đức bị truy tố tội cướp tài sản. Cáo trạng quy kết bị can Đức có hành vi lấy số đông uy hiếp, dùng vũ lực làm cho Phạm Trường Tài lâm vào tình trạng không thể chống cự và chiếm đoạt giấy phép lái xe, xe máy… Hành vi của bị can là nguy hiểm cho xã hội, xâm phạm trực tiếp đến quyền sở hữu tài sản của công dân được pháp luật bảo vệ, làm ảnh hưởng đến tình hình an ninh trật tự xã hội địa phương, cần truy cứu trách nhiệm hình sự để răn đe, giáo dục và phòng ngừa chung.
Phạm Trường Tài và chiếc xe máy của mình trong buổi thực nghiệm hiện trường. Ảnh: BT
Tuy nhiên, tại phiên tòa sơ thẩm, bị cáo Đức cho rằng mình không phạm tội. Căn cứ kết quả xét hỏi, tranh luận tại tòa, TAND huyện Hóc Môn đã trả hồ sơ yêu cầu VKS làm rõ một số nội dung.
Trong đó, tòa xét thấy bị cáo khai do nghi ngờ Tài lấy trộm tài sản nên đã dùng vũ lực với Tài. Đức đã đề nghị Tài để lại xe máy đến khi giải quyết xong vụ việc sẽ trả lại xe.
Theo quyết định trả hồ sơ, bị cáo Đức khai khi đề nghị Tài để lại xe và giấy phép lái xe, Tài đồng ý và tự nguyện. Còn Tài khai do sợ bị đánh và bị ép buộc nên để lại xe máy. Do đó, cần đối chất để làm rõ mâu thuẫn trong lời khai giữa Đức và Tài.
Được biết tới thời điểm này, thời gian tạm giam Đức đã bước sang tháng thứ 11.
Quá trình điều tra, Tài từ chối giám định thương tật, không yêu cầu xử lý hình sự đối với hành vi Đức đánh mình.
Công an từng tổ chức đối chất
Hồ sơ thể hiện công an từng tổ chức đối chất giữa Đức, Tài và những người liên quan. Tại buổi đối chất này, Đức khẳng định có nói sẽ trả lại xe cho Tài sau khi làm rõ việc mất hàng.
Luật sư bào chữa của bị cáo cho rằng vụ án có dấu hiệu oan sai. Theo luật sư, hành vi Đức đánh Tài vài cái và yêu cầu Tài để lại chiếc xe máy không liên tục ngay tức khắc, không làm cho bị hại tê liệt ý chí, bị hại không lâm vào tình trạng không thể chống cự.
Hơn nữa, không có chứng cứ nào thể hiện Đức dùng vũ lực để chiếm đoạt tài sản của Tài. Ngay cả trong cuộc trò chuyện giữa Tài với Đức mà bị hại chủ động ghi âm lại cũng thể hiện việc giữ xe của Tài xuất phát từ việc muốn làm rõ vụ mất cà phê.
“Đáng chú ý, tại thời điểm giữ lại xe của Tài, Đức còn giữ lương của nhân viên này khoảng 5-7 triệu đồng. Vì vậy, không có căn cứ để buộc Đức chiếm đoạt xe của Tài để trừ tiền hàng bị mất” - luật sư cho hay.