Góc nhìn toàn diện về hợp tác Mỹ-Việt

Nhân chuyến công du của Phó Tổng thống Mỹ Kamala Harris tới Việt Nam trong ba ngày 24-8 tới 26-8, Nhà Trắng đã tổng hợp lại những thành tựu trong 26 năm Việt Nam và Mỹ xây dựng và phát triển quan hệ song phương.

Nhà Trắng ghi nhận: “Trong vài chục năm qua, quan hệ song phương giữa hai nước chúng ta đã có những bước tiến đáng kể, tới mức hai nước bây giờ đã hợp tác trên một loạt vấn đề, gồm cả việc chống dịch COVID-19 và chuẩn bị cho các nguy cơ an ninh y tế trong tương lai, chống biến đổi khí hậu và giải quyết các hậu quả chung do chiến tranh”.

Về thương mại, Mỹ là đối tác thương mại lớn thứ hai và là thị trường nhập khẩu hàng đầu của Việt Nam. Quan hệ thương mại giữa hai nước được nhận xét là “củng cố cho nhau”, trong đó “nền kinh tế sôi động của Việt Nam là rất quan trọng đối với chuỗi cung ứng mà các doanh nghiệp Mỹ phụ thuộc vào”. Sự tương hỗ này càng được thể hiện rõ nét khi nền kinh tế thế giới đối mặt với thách thức do COVID-19 gây ra. 

Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc hội đàm với Phó Tổng thống Mỹ Kamala Harris vào sáng 25-8 tại Phủ Chủ tịch. Ảnh: AP

Về an ninh, mối quan hệ giữa hai nước “đã mở rộng đáng kể” với việc Washington “ủng hộ độc lập và chủ quyền của Việt Nam, đặc biệt là trong lĩnh vực hàng hải”.

Về y tế, Mỹ và Việt Nam “đã nâng cao năng lực phòng ngừa, phát hiện và ứng phó với các mối đe dọa từ bệnh truyền nhiễm thông qua quan hệ đối tác trong Chương trình An ninh Y tế Toàn cầu”.

Về giáo dục, gần 30.000 người Việt Nam đang học tập tại Mỹ, đóng góp gần 1 tỉ USD (khoảng 22.800 tỉ đồng) cho nền kinh tế nước sở tại.

Về hoạt động nhân đạo, Mỹ đã mở văn phòng của Phái đoàn Hòa bình - sáng kiến hỗ trợ phát triển kinh tế và xã hội quốc tế do cựu Tổng thống Mỹ John F. Kennedy sáng lập chỉ hơn 1 tháng sau khi nhậm chức năm 1961 - tại Hà Nội.

Nhà Trắng nhấn mạnh rằng chuyến công du của bà Harris “thể hiện cam kết sâu sắc của Mỹ, không chỉ đối với khu vực, mà cả với quan hệ Mỹ-Việt”. Khi gặp gỡ các lãnh đạo Việt Nam, bà Harris luôn tái khẳng định cam kết của Mỹ về “một nước Việt Nam vững mạnh, thịnh vượng và độc lập”, cũng như về “khu vực Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương tự do, rộng mở, lành mạnh và kiên cường”.

Mỹ cam kết hỗ trợ Việt Nam và khu vực chống dịch COVID-19

Sau đó, Nhà Trắng đã đi sâu vào từng lĩnh vực cụ thể. Hợp tác chống dịch COVID-19 và các vấn đề an ninh y tế được nêu lên đầu tiên. Trong chuyến thăm, Phó Tổng thống Harris đã củng cố cam kết của Mỹ về việc dẫn dắt cuộc chiến chống COVID-19 toàn cầu, thông báo các khoản ủng hộ vaccine mới cho Việt Nam, hỗ trợ phân phối vaccine.

Mỹ sẽ tiếp tục hỗ trợ Việt Nam 1 triệu liều vaccine ngừa COVID-19 của hãng Pfizer - loại vaccine duy nhất đã được cấp phép đầy đủ tại Mỹ, nâng tổng số liều vaccine Mỹ tài trợ cho Việt Nam kể từ đầu dịch lên 6 triệu liều. Các chương trình hỗ trợ phát triển của Mỹ sẽ hỗ trợ thêm 23 triệu USD cho Việt Nam cho công tác tiêm chủng và phòng chống COVID-19. Bộ Quốc phòng Mỹ sẽ hỗ trợ Việt Nam 77 tủ cấp đông lạnh sâu để tăng cường năng lực bảo quản vaccine trong cả nước. Mỹ cũng hỗ trợ hai Trung tâm Điều hình tình trạng khẩn cấp y tế công cộng khu vực hoạt động 24/7 để hỗ trợ Bộ Y tế Việt Nam thu thập và chia sẻ dữ liệu giám sát dịch bệnh.

Bà Harris đã cùng lãnh đạo Việt Nam và quan chức y tế các nước trong khu vực tham dự lễ khai trương văn phòng khu vực của Trung tâm Kiểm soát và phòng ngừa dịch bệnh Mỹ (CDC) tại Hà Nội. Văn phòng “sẽ thúc đẩy an ninh y tế toàn cầu bằng cách duy trì sự hiện diện bền vững trong khu vực, cho phép phản ứng nhanh chóng và hiệu quả trước các mối đe dọa sức khỏe và củng cố sứ mệnh cốt lõi của CDC là bảo vệ người Mỹ”.

Tiếp tục phát triển quan hệ kinh tế và ngoại giao song phương

Về hợp tác kinh tế, Mỹ đang hỗ trợ Việt Nam cải thiện năng lực cạnh tranh của các doanh nghiệp tư nhân, thúc đẩy vai trò của phụ nữ và người dân tộc thiểu số, hỗ trợ Việt Nam chuyển đổi sang nền kinh tế số. Ngoài ra, Mỹ cũng đang thuyết phuc Việt Nam giảm thuế đối với hàng hóa Mỹ, nhất là hàng nông sản  khi Việt Nam là nước nhập khẩu nông sản Mỹ nhiều thứ 7 thế giới. 

Thủ tướng Phạm Minh Chính tiếp Phó Tổng thống Mỹ Kamala Harris tại Trụ sở Chính phủ vào trưa 25-8. Ảnh: AFP

Mỹ cam kết “đầu tư vào quan hệ song phương” với Việt Nam trên cơ sở mối quan hệ đối tác toàn diện hiện có giữa hai nước. Trong chuyến thăm của bà Harris, Mỹ đã thành lập Phái đoàn Hòa bình tại Việt Nam - kết thúc 17 năm đàm phán. Chương trình đầu tiên của Phái đoàn Hòa bình Việt nam sẽ bắt đầu từ năm sau. 

Đặc biệt, Phó Tổng thống Harris sẽ chứng kiến lễ ký kết hợp đồng thuê đất để mở rộng khuôn viên Đại sứ quán Mỹ tại Hà Nội, “tượng trưng cho tương lai của mối quan hệ đối tác của hai nước”. Nhà Trắng nhấn mạnh rằng bước tiến này sẽ giúp Washington tiếp tục phát triển quan hệ với Việt Nam trong tầm nhìn 25 năm, hoặc hơn.

Mỹ-Việt vượt qua trở ngại trong quá khứ, củng cố hợp tác an ninh

Nhà Trắng nhấn mạnh rằng Việt Nam và Mỹ “đã vượt qua một quá khứ đầy khó khăn để trở thành đối tác đáng tin cậy”, biểu hiện rõ nét qua các hợp tác giải quyết các vấn đề do chiến tranh.

Mỹ cam kết cung cấp thêm 17,5 triệu USD cho công tác rà phá bom mìn và vật liệu nổ còn sót lại sau chiến tranh, cũng như các dự án tổng kinh phí 4 triệu USD để hỗ trợ người khuyết tật do hậu quả của chiến tranh, giúp người khuyết tật cải thiện cuộc sống và hòa nhập với xã hội.

Về hợp tác an ninh, Mỹ nhấn mạnh sự ủng hộ Việt Nam tăng cường năng lực thực thi pháp luật trên biển và đảm bảo an ninh hàng hải. Hai nước đã “khẳng định cam kết tiếp tục hợp tác an ninh cấp cao”, thúc đẩy các hoạt động nhân đạo trên biển và các chuyến thăm của tàu hải quân Mỹ, kể cả tàu sân bay, tới Việt Nam.

Mỹ sẽ tiếp tục hợp tác, hỗ trợ phát triển lực lượng Cảnh sát biển Việt Nam. Trong đó, Mỹ sẽ xem xét khả năng cung cấp cho Việt Nam chiếc tàu tuần duyên thứ ba. Trước đó, Mỹ đã chuyển giao hai tàu tuần duyên lớp Hamilton cho Việt Nam.

Hai nước cũng đã cam kết thiết lập cơ chế trao đổi về chấn thương y tế giữa lực lượng vũ trang hai nước nhằm mở rộng năng lực ứng phó thảm họa và vấn đề nhân đạo, đồng thời hợp tác thúc đẩy chăm sóc cho binh lính, cựu chiến binh và người dân của Việt Nam. 

 

Về hợp tác chống biến đổi khí hậu, Phó Tổng thống Harris và phía Việt Nam đã “nhất trí về tầm quan trọng của việc chống khủng hoảng khí hậu, tăng cường khả năng chống chịu và hợp tác hướng tới một tương lai năng lượng sạch”.

Các trọng tâm hợp tác trong lĩnh vực này là tăng cường vai trò của khu vực tư nhân, mở rộng sử dụng năng lượng sạch và xe điện, đẩy mạnh nông nghiệp thông minh và phù hợp với khí hậu. Đặc biệt, Washington sẽ hợp tác với các đối tác, khởi động một chương trình bảo tồn ở sông Mekong. Chương trình kéo dài 3 năm với mục tiêu bảo vệ các sinh cảnh ven biển trọng điểm ở đồng bằng sông Mekong, trong đó có khu vực đồng bằng sông Cửu Long của Việt Nam.

Ngoài ra, Mỹ và Việt Nam còn cam kết hợp tác đảm bảo các hoạt động không gian “có trách nhiệm và bền vững”.

Cùng với đó, USAID cũng công bố chương trình Đối tác về Cải cách giáo dục đại học - dự án kéo dài 5 năm, tổng kinh phí 14,2 triệu USD, nhằm tăng cường giảng dạy, nghiên cứu, đổi mới và quản trị trong ba trường đại học quốc gia lớn nhất Việt Nam, cũng như cung cấp các cơ hội được hỗ trợ tài chính cho 150.000 sinh viên Việt Nam. 

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm