Gói hỗ trợ 62.000 tỉ đồng: 'Không để bức xúc kéo dài'

Bộ LĐ-TB&XH vừa có công điện gửi UBND các tỉnh trên cả nước về việc thực hiện chính sách hỗ trợ người dân gặp khó khăn do dịch COVID-19.

Theo đó, bộ này yêu cầu các cơ quan chuyên môn và UBND các cấp, doanh nghiệp khẩn trương triển khai rà soát, thống kê đối tượng hỗ trợ. Cạnh đó, xác định chính xác đối tượng được hưởng đảm bảo không trùng lặp, đúng thời điểm.

Bộ LĐ-TB&XH yêu cầu các tỉnh sớm chi trả tiền hỗ trợ cho lao động tự do. Ảnh: V.LONG

“Đặc biệt là đối với lao động tự do, lao động bị chấm dứt hợp đồng, không đủ điều kiện hưởng trợ cấp thất nghiệp, lao động bị ngừng việc và mất việc…” - Bộ LĐ-TB&XH yêu cầu.

Các tỉnh cũng được giao nhiệm vụ, chỉ đạo thực hiện tốt công tác chi trả cho các đối tượng, đẩy mạnh việc chi trả trực tiếp qua tài khoản ngân hàng cho người dân và người lao động. Đối với các địa phương đang thực hiện chi trả qua hệ thống bưu điện thì tiếp tục triển khai theo quy định.

Bộ LĐ-TB&XH cũng yêu cầu chỉ đạo các cấp, ngành, cơ quan liên quan tại địa phương bố trí bộ phận thường trực tiếp nhận phản ánh, kiến nghị của người dân, doanh nghiệp để giải quyết các vấn đề phát sinh. Xử lý nghiêm những trường hợp vi phạm, kịp thời báo cáo cấp có thẩm quyền để có hướng giải quyết, không để tình trạng bức xúc kéo dài.

“Ngoài ra, tổng hợp kết quả triển khai thực hiện ở địa phương hằng ngày, báo cáo về Bộ LĐ-TB&XH trước ngày 20 hằng tháng. Thường xuyên cập nhật dữ liệu báo cáo tình hình, kết quả thực hiện công tác hỗ trợ các đối tượng trên Hệ thống thông tin báo cáo Chính phủ…” - Bộ LĐ-TB&XH chỉ đạo.

 

       Bảy nhóm đối tượng được hỗ trợ theo nghị quyết Chính phủ

Ngày 9-4, Thủ tướng Chính phủ ký nghị quyết về các biện pháp và gói hỗ trợ người dân gặp khó khăn do ảnh hưởng bởi đại dịch COVID-19. Gói hỗ trợ với hơn 62.000 tỉ đồng, khoảng 20 triệu đối tượng thuộc bảy nhóm đối tượng thụ hưởng bao gồm:

- Người có công với cách mạng đang hưởng chính sách ưu đãi hằng tháng.

- Đối tượng bảo trợ xã hội.

- Hộ nghèo, hộ cận nghèo.

- Người lao động theo chế độ hợp đồng phải tạm hoãn hợp đồng lao động, nghỉ không hưởng lương.

- Người lao động bị chấm dứt hợp đồng không đủ điều kiện hưởng bảo hiểm thất nghiệp, người lao động tự do, không có giao kết hợp đồng.

- Người sử dụng lao động khó khăn về tài chính được vay 50% tiền lương tối thiểu vùng để trả lương cho người lao động.

- Hộ kinh doanh cá thể thu nhập dưới 100 triệu đồng bị ngừng kinh doanh theo Chỉ thị 15/CT-TTg của Thủ tướng Chính phủ.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm