Hà Nội kết nối 59 tuyến buýt với đường sắt Cát Linh - Hà Đông

Sở GTVT TP Hà Nội cho biết để sẵn sàng cho tuyến đường sắt Cát Linh - Hà Đông được khai thác hiệu quả, thời gian qua Hà Nội đã chuẩn bị tổ chức kết nối các tuyến buýt theo trục ngang, dọc với tuyến đường sắt đô thị đầu tiên của TP… Dự kiến khi đi vào hoạt động chính thức, tuyến đường sắt đô thị đầu tiên của Hà Nội này sẽ hoạt động liên tục từ 5 giờ đến 23 giờ hằng ngày.
Trao đổi với Pháp Luật TP.HCM chiều 2-5, lãnh đạo Trung tâm Quản lý giao thông công cộng TP Hà Nội (Sở GTVT TP Hà Nội) cho biết UBND TP Hà Nội cũng đã phê duyệt phương án kết nối, trung chuyển hành khách giữa xe buýt với đường sắt Cát Linh - Hà Đông tại các ga đầu cuối và các tuyến ngang cắt qua lộ trình tuyến.
“Đường sắt đô thị là loại hình giao thông công cộng, vận tải khối lượng lớn hành khách. Do đó, việc trung chuyển, kết nối giao thông tại ga đầu cuối, ga trung chuyển là một trong những khâu quan trọng nhất để vận hành, khai thác hiệu quả đường sắt Cát Linh - Hà Đông. Đến thời điểm này, các tuyến buýt kết nối đã được chuẩn bị sẵn sàng” - vị này cho hay.

Sẽ có 59 tuyến buýt hoạt động dọc hành lang tuyến đường sắt Cát Linh -
Hà Đông. Ảnh: TRỌNG PHÚ


Theo đó, số lượng các tuyến buýt hoạt động dọc hành lang tuyến đường sắt Cát Linh - Hà Đông được nâng từ 51 tuyến lên 59 tuyến, bổ sung tám tuyến.

Theo Trung tâm Quản lý giao thông công cộng TP Hà Nội, trước đây 51 tuyến buýt chạy bên hành lang đường sắt Cát Linh - Hà Đông được bố trí không đều, tập trung chủ yếu tại khu vực trục Nguyễn Trãi - Trần Phú (Hà Đông) - Quang Trung (Hà Đông). Trong khi các ga đường sắt khu vực khác như các ga Láng, Thái Hà, La Thành, Cát Linh... số tuyến ít hơn, năng lực vận chuyển thấp, không đa dạng về hướng kết nối. Theo đó, phương án bố trí các tuyến buýt trung chuyển, kết nối với đường sắt này được phân bổ đều hơn, tập trung vào điểm đầu cuối của tuyến, nơi có lưu lượng khách đông.
Cụ thể, ga cuối Cát Linh sẽ kết nối với tám tuyến buýt gồm: 18, 23, 25, 38, 50, 90, 99 và BRT 01. Ngoài ra, có hai tuyến buýt sẽ đổi lộ trình để kết nối với ga Cát Linh. Trong đó, kết nối với ga Cát Linh trên đường Giảng Võ sẽ có năm tuyến gồm: 38, 18, 23, BRT 01, 90; kết nối với ga Cát Linh trên đường Hào Nam có bốn tuyến gồm: 25, 50, 90, 99; riêng tuyến buýt số 38 sẽ chỉ kết nối với ga Cát Linh theo một chiều (hướng Giảng Võ - Núi Trúc).
Tại điểm ga Yên Nghĩa (Hà Đông) có 20 tuyến buýt hoạt đồng gồm: 01, 02, 21A, 27, 37, 57, 62, 66, 72, 89, 91, 102, 123, 124, CNG 02, CNG 07, BRT 01, 75, 213 và 214. Trong đó, 18 tuyến buýt có điểm đầu cuối tại Bến xe Yên Nghĩa và hai tuyến (37, 57) là các tuyến buýt thông qua.
Cùng với đó, Hà Nội cũng bổ sung 17 điểm dừng xe buýt và di chuyển chín điểm dừng khác dọc tuyến đường sắt Cát Linh - Hà Đông. Sau khi điều chỉnh, dọc hành lang tuyến đường sắt Cát Linh - Hà Đông sẽ có tổng cộng 65 điểm dừng (hai chiều) với cự ly bình quân giữa các điểm dừng khoảng 400 m. Trong đó, 12 cặp điểm dừng xe buýt tiếp cận trực tiếp ngay trong khu vực nhà ga của 11 nhà ga đường sắt đô thị 2A.
 Mới đây, Bộ GTVT đã có thông báo tuyến đường sắt Cát Linh - Hà Đông chưa thể khai thác thương mại vào ngày 30-4 và 1-5. Nguyên nhân do sau kỳ nghỉ lễ, Hội đồng Kiểm tra nhà nước về công tác nghiệm thu công trình xây dựng mới xem xét, đánh giá cuối cùng để đưa ra thông báo về kết quả nghiệm thu của Bộ GTVT. Đây là cơ sở để Bộ GTVT và UBND TP Hà Nội, tổng thầu Trung Quốc tiến hành hoàn tất thủ tục bàn giao để đưa dự án đường sắt Cát Linh - Hà Đông vào vận hành, khai thác.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm