Ngày 31-10, mưa lớn cộng với việc Nhà máy thủy điện Hố Hô (giáp ranh giữa huyện Hương Khê của Hà Tĩnh với tỉnh Quảng Bình) xả lũ khiến nước dâng lên, ba xã Phương Mỹ, Phương Điền và Hà Linh (huyện Hương Khê) bị cô lập.
Hiện con đường độc đạo dẫn vào xã Phương Điền và Phương Mỹ đã chìm sâu dưới nước lũ. Người dân nơi đây đã chuẩn bị các phương án để chạy lũ hoặc di chuyển đồ lên chạn ở mái nhà sinh sống.
Được biết hiện Nhà máy thủy điện Hố Hô đang xả lũ với lưu lượng khoảng 558 m3/giây và mực nước đo tại Chu Lễ đã lên mức báo động 2.
Ông Nguyễn Văn Việt, Phó Trưởng ban Chỉ huy Phòng, chống lụt bão và Tìm kiếm cứu nạn tỉnh Hà Tĩnh, đã ra công điện về việc chủ động ứng phó với tình hình mưa lớn diện rộng trên địa bàn tỉnh Hà Tĩnh.
Nhà máy thủy điện Hố Hô (giáp ranh giữa huyện Hương Khê của Hà Tĩnh với tỉnh Quảng Bình) xả lũ vào ngày 31-10. Ảnh: ĐL
Trong khi đó, ông Cao Xuân Ngọc, Chủ tịch UBND xã Quảng Hải, thị xã Ba Đồn (Quảng Bình), cho biết: Mưa lớn trong hai ngày qua, nước sông Gianh lên trở lại, gây vỡ một đoạn đê. Xã huy động lực lượng để cứu đê nhưng không thành vì nước chảy xiết.
Đến chiều 31-10, lũ trên sông Gianh đã làm ngập hàng ngàn hộ dân trong khu vực. Chi cục Phòng, chống thiên tai khu vực miền Trung và Tây Nguyên cho biết dự báo lũ trên sông Gianh sẽ tiếp tục lên cao.
Xã Thạch Hóa (Tuyên Hóa) cũng bị hứng lũ xả từ thủy điện Hố Hô gây ngập lụt lần thứ tư. Người dân cho biết hiện họ đang mệt mỏi với hậu quả trận lũ trước, chưa dọn dẹp xong thì trận lũ mới lại đang cô lập nhiều vùng. Ông Đinh Xuân Thương, Chủ tịch UBND xã Văn Hóa (Tuyên Hóa), cho biết thêm tại các điểm như trụ sở UBND xã, trường mẫu giáo, trạm y tế, nước ngập sâu khoảng 1 m.
Trong chiều 31-10, ông Trần Văn Tiến, Chủ tịch UBND xã Quảng Trường (huyện Quảng Trạch), cho hay nước lũ lên cao và chảy xiết đã làm cây cầu phao Thuận Hòa (thôn Thuận Hòa, xã Quảng Trường) bị đứt dây trôi mất khiến cả ngàn người dân trong thôn Thuận Hòa bị cô lập. Cây cầu phao tự chế này là con đường duy nhất của người dân cũng như học sinh trong thôn đến trường hoặc đến các nơi khác.
Một số xã như xã biên giới ở Quảng Bình đã gọi điện thoại đề nghị các đoàn cứu trợ thay đổi kế hoạch, chờ lũ rút mới thực hiện cứu trợ để đảm bảo an toàn cho cả người đi cứu trợ và bà con dân bản bởi họ không thể vượt qua dòng nước chảy xiết. Dọc sông Gianh, nhiều đoàn cứu trợ trong miền Nam ra và miền Bắc vào, thậm chí các đoàn Việt kiều về phải trở lại trung tâm thị xã Ba Đồn vì không thể liều lĩnh tiếp cận dân vùng lũ, nước chảy xiết để phát quà.
Theo dự báo của Trung tâm Dự báo Khí tượng Thủy văn Trung ương, từ đêm 31-10 đến ngày 5-11, trên các sông từ Nghệ An đến Khánh Hòa sẽ xuất hiện lũ. Mực nước trên các sông có nơi trên báo động 3.
Nguy cơ cao xảy ra lũ lớn, lũ quét trên các sông suối nhỏ, sạt lở đất ở vùng núi, ngập úng cục bộ tại vùng trũng, thấp các tỉnh trên, đặc biệt tại một số huyện Hương Khê, Đức Thọ (Hà Tĩnh); Minh Hóa, Tuyên Hóa (Quảng Bình); Hướng Hóa, Hải Lăng, Triệu Phong, Vĩnh Linh (Quảng Trị); Tây Trà, Sơn Hà, Sơn Tây (Quảng Ngãi). Cần đề phòng mưa lũ ảnh hưởng đến an toàn các hồ chứa trên địa bàn các tỉnh trên, đặc biệt là các hồ chứa thuộc các tỉnh từ Nghệ An đến Thừa Thiên-Huế. Cấp độ rủi ro thiên tai: Cấp 1-2.