Toàn cây gần 200 trái tắc kiểng. Sau Tết, chị hái một nửa số trái đem rửa, định ngâm tắc muối để dành pha nước uống. Nhà chị thấy vậy bèn can, không cho ăn, nói loại này là tắc kiểng chưng cho đẹp chứ độc lắm, kêu đổ bỏ đi.
Nghe vậy, chị Kim quyết định để số tắc còn lại trên cành xem tình trạng trái ra sao. Thật hãi hùng, hơn bốn tháng sau Tết, số tắc kiểng này vẫn còn vàng ruộm, căng bóng, không hề héo hay nhăn nhúm hoặc rụng đi. Chị Kim thường tưới nước, cây tắc ra hoa mới, cho trái tắc mới, thậm chí có trái sắp chín nhưng lứa trái chín vàng từ Tết (tháng 2) vẫn không rụng!
Đến tháng 6, chị Kim cắt bớt một loạt trái tắc kiểng đi để cây có dinh dưỡng nuôi trái mới. Chị chỉ chừa chừng chục trái để quan sát. Sau mấy đợt gió giật mưa to vừa qua, một số trái rụng, một số trái vẫn còn.
Trừ những trái bị cắt đi, số trái tắc kiểng chưng Tết 2017 sau năm tháng vẫn còn căng mọng trên cành chứ không héo, không rụng.
Đến nay là cuối tháng 9. Sau hơn tám tháng mua về, cây tắc kiểng chưng Tết vẫn còn một trái vàng khá đẹp, một trái nám và teo lại nhưng vẫn còn bám trên cây!
Chị Kim lo lắng không rõ người bán đã dùng thứ thuốc gì mà trái tắc chín vàng mãi chín tháng không rụng! Chị có hỏi một số người quen, họ đều cho biết trái tắc chín có thể còn trên cành khoảng ba tháng nhưng sẽ teo dần, nhăn da rồi sẽ rụng. Loại tắc kiểng chưng Tết được bón rất nhiều phân, thuốc nên rất dai, khó rụng. Vì "ngậm" quá nhiều phân thuốc nên chỉ làm kiểng ngày Tết cho đẹp, không nên dùng để ăn hay ngâm nước uống.
Gần cuối tháng 9, trái tắc kiểng chưng Tết vẫn còn trên cành, chỉ hơi héo một chút. Chị Kim cho biết sẽ theo dõi xem trái tắc kiểng này có "trụ" tới... Tết năm sau hay không.
Mấy tháng đầu mua về, cây tắc kiểng chưng Tết không hề bị sâu, rệp hay bệnh gì mặc dù những cây đậu bắp, bầu... mà chị Kim trồng đều bị rệp sáp, nhện... Khoảng ba tháng gần đây cây mới có một số sâu bướm, nhưng sâu bướm chỉ lớn lớn một chút rồi tự chết không rõ lý do.