Hải Phòng: Người dân phong tỏa nhà máy sản xuất đất đèn

Nhiều người căng biểu ngữ, băng rôn với nội dung phản đối việc nhà máy này gây ô nhiễm môi trường. Tới gần trưa, người dân đã đóng cọc sắt, dựng lều bạt ngăn trước cổng, xếp ghế ngồi dưới nắng chặn xe.

“Nhà máy sản xuất đất đèn này hoạt động từ năm 1972, do công nghệ lạc hậu, xuống cấp nên từ nhiều năm nay đã gây ô nhiễm trầm trọng” - ông Bùi Văn Mướp, ngụ khu Chiến Thắng, thị trấn Minh Đức, nói. Theo ông Mướp, suốt ngày đêm nhà máy nhả khói bụi trắng đục có mùi khét. Còn những bã đất đèn được nhà máy thải thành một đống lớn cao như núi sát ngay khu dân cư. Bãi chất thải chỉ được ngăn bằng bức tường gạch xỉ, nước từ bã thải chảy lênh láng ra những hộ dân gần đó. Nguồn nước giếng sinh hoạt của nhiều nhà đã chuyển màu trắng đục như nước hố vôi, không thể dùng nổi.

Anh Phạm Việt Phương, ngụ khu Quyết Thành chỉ cách nhà máy đất đèn chừng 50 m, cho biết: Từ nhiều năm nay, người dân xung quanh nhà máy đã nhiều lần gửi đơn kiến nghị với nhà máy và chính quyền từ cấp thị trấn tới TP nhưng tình hình không được cải thiện. Gần đây tình trạng ô nhiễm ngày càng gia tăng, nhất là trong các ngày 8 và 9-10, khói trắng đục tỏa ra khiến nhiều người bị ho, nổi mẩn ngứa.

Sáng 10-10, ông Bùi Ngọc Khang, Phó Chủ tịch UBND thị trấn, cùng các đoàn thể đã vận động người dân thôi phong tỏa nhà máy nhưng họ không thực hiện. Đại diện thị trấn đã yêu cầu lãnh đạo nhà máy đối thoại với dân tìm biện pháp giải quyết nhưng đến cuối ngày, hai bên vẫn chưa có cuộc đối thoại nào. Đến tối cùng ngày, nhiều người dân vẫn tập trung ngồi trước nhà máy.

Ông Lê Văn Hiên, Chủ tịch UBND thị trấn Minh Đức, xác nhận do công nghệ lạc hậu nên Nhà máy đất đèn và hóa chất Tràng Kênh đã gây ô nhiễm môi trường từ nhiều năm nay. “Nhiều lần chúng tôi làm việc với lãnh đạo nhà máy về tình trạng ô nhiễm, họ hứa là đến hết tháng 12-2011 nếu không thay đổi công nghệ thì sẽ đóng cửa nhà máy” - ông Hiên nói.

HUY HOÀNG

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm