Hai trường đại học được chọn để nghiên cứu đề tài liên quan đến sự cố hồ Bàu Trắng sạt lở

(PLO)- Phân hiệu Đại học Thủy lợi tại Bình Dương chủ trì đề tài “Nghiên cứu các nguyên nhân gây sạt lở và đề xuất các giải pháp bảo vệ bờ khu vực hồ Bàu Trắng”. 

Sở Khoa học và Công nghệ tỉnh Bình Thuận vừa có báo cáo kết quả tuyển chọn tổ chức, cá nhân chủ trì thực hiện đề tài khoa học công nghệ liên quan đến nguyên nhân gây sạt lở và đề xuất các giải pháp bảo vệ bờ khu vực hồ Bàu Trắng; Nghiên cứu phát huy cảnh quan Bàu Trắng, góp phần phát triển du lịch bền vững.

bau-trang.jpg
Bàu Trắng bị sạt lở hôm 3-5. Ảnh PĐ.

Theo đó, Viện Tài nguyên và Môi trường (Đại học Huế) là cơ quan chủ trì và PGS.TS. Lê Văn Thăng là chủ nhiệm đề tài “Nghiên cứu các yếu tố ảnh hưởng và đề xuất các giải pháp nhằm gìn giữ, tôn tạo và phát huy cảnh quan Bàu Trắng, góp phần phát triển du lịch bền vững”.

Sở KH&CN đang đề nghị Viện Tài nguyên và Môi trường hoàn thiện đề cương và dự toán kinh phí để tham mưu UBND tỉnh phê duyệt kết quả tuyển chọn.

Đối với đề tài “Nghiên cứu các nguyên nhân gây sạt lở và đề xuất các giải pháp bảo vệ bờ khu vực hồ Bàu Trắng”, ngày 22-9-2023, Hội đồng tư vấn đã tuyển chọn cơ quan chủ trì và chủ nhiệm đề tài. Cụ thể đã đề nghị Phân hiệu Đại học Thủy lợi tại Bình Dương và TS. Lê Ngọc Thanh trúng tuyển là cơ quan chủ trì và chủ nhiệm đề tài này.

Hiện nay, Sở KH&CN đang đề nghị Phân hiệu Đại học Thủy lợi tại Bình Dương hoàn thiện đề cương và dự toán báo cáo kết quả rà soát các nội dung công việc để báo cáo UBND tỉnh.

bau-trang1.jpg
Bàu Trắng là địa điểm du lịch nổi tiếng thu hút rất đông du khách. Ảnh PĐ.

Như PLO đã đưa, khoảng 10 giờ 30 phút, ngày 3-5-2023 khu vực ven bờ Bàu Trắng thuộc thôn Hồng Lâm, xã Hòa Thắng, huyện Bắc Bình xảy ra hiện tượng sạt lở đất cát bờ Bàu Trắng, với chiều dài vòng cung khoảng 115m, chiều rộng 21m, chiều cao 4m, diện tích bị sạt lở khoảng 1.590 m2 .

Sau khi nhận được tin báo hiện tượng sạt lở đất ven bờ Bàu Trắng, vị trí điểm du lịch Bàu Trắng; UBND huyện Bắc Bình đã có mặt tại hiện trường chỉ đạo UBND xã Hòa Thắng, Ban Quản lý điểm du lịch Bàu Trắng triển khai cắm cọc, biển cảnh báo khu vực sạt lở để người dân, du khách và các xe hoạt động du lịch không được đến gần khu vực sạt lở.

Được biết khu vực bị sạt lở ở hồ Bàu Trắng nước sôi sùng sục và đáng tiếc, điểm sạt lở này nằm tại vị trí du khách thường dừng xe địa hình để check in, chụp ảnh.

Năm 2019, đồi cát Bàu trắng được Bộ trưởng Bộ VH-TT&DL ký quyết định xếp hạng danh lam thắng cảnh Quốc gia. Bàu Trắng còn gọi là đồi cát trắng, Bàu Sen, đồi Trinh nữ... là một thắng cảnh nổi tiếng được ví là “tiểu sa mạc Sahara” ở Bình Thuận, cách Phan Thiết khoảng 60 km, cách Hòn Rơm chỉ 12 km về hướng Đông Bắc.

Hằng năm thắng cảnh Bàu Trắng thu hút hàng trăm ngàn lượt khách đến du lịch, trải nghiệm.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm