Từ cuối năm 2017, Pháp Luật TP.HCMđã phản ánh tình trạng hàng trăm vết nứt ken đặc vỏ hầm Hải Vân 1 (nối hai địa phương Đà Nẵng - Huế). Từ đó đến nay, nhiều đơn vị trong và ngoài nước cùng theo dõi các vết nứt nhưng tất cả đều khẳng định chất lượng hầm Hải Vân 1 đảm bảo.
321 vết nứt
Khảo sát của PV những ngày qua ở bên trong hầm Hải Vân 1 cho thấy hai bên thành hầm Hải Vân 1 xuất hiện hàng loạt vết nứt với độ to nhỏ, dài ngắn khác nhau. Các vết nứt làm bong tróc lớp sơn epoxy nham nhở. Muội than, khói bụi từ trong hầm bám vào các vết sơn bong tróc khiến vết nứt nhìn càng loang lổ hơn.
Ông Võ Văn Quảng, tài xế xe buýt chặng Đà Nẵng - Huế, nhiều lần bày tỏ lo lắng khi trao đổi với PV về các vết nứt. “Nứt chằng chịt như mạng nhện. Dù bên quản lý hầm khẳng định hầm an toàn nhưng cánh tài xế như tôi qua lại hằng ngày vẫn thấy sợ. Hành khách nhìn thấy thì cứ há hốc miệng” - ông Quảng nói.
Theo đại diện Công ty cổ phần Đầu tư Đèo Cả (Công ty Đèo Cả), tháng 1-2016, công ty được bàn giao vận hành hầm Hải Vân 1. Ngay lúc đó, đơn vị này đã báo cáo có đến 321 vết nứt vỏ hầm. Trong đó có tám vết nứt lớn trên nóc hầm thuộc diện theo dõi chặt chẽ. Từ tháng 4-2016, đơn vị này đã thuê Công ty Tư vấn Alpin Technick của Đức đánh giá tổng thể hiện trạng hầm Hải Vân 1. Phía tư vấn khẳng định vỏ hầm Hải Vân 1 đang trong tình trạng tốt, hoàn toàn thỏa mãn các điều kiện vận hành hầm. Hầu hết vết nứt đều nằm trong giới hạn an toàn, duy chỉ có tám vết nứt lớn trên nóc hầm cần sửa chữa ngay để tránh rủi ro về an toàn kết cấu.
Trong tám vết nứt lớn nói trên, ba vết nứt đã được xử lý bằng phương pháp đối phó mảng vữa rơi bằng lưới FRP. Một vết nứt được xử lý bằng phương pháp gia cố bề mặt bê tông bên trong vỏ hầm bằng dải thép tấm. Bốn vết nứt còn lại được xử lý bằng phương pháp trám vá, bơm keo.
Nhận định về hiện trạng nứt vỏ hầm Hải Vân 1, một chuyên gia cầu - hầm tại Liên hiệp hội Khoa học - Kỹ thuật Đà Nẵng chỉ rõ ba nguyên nhân. Trước hết, công nghệ thi công trước đây chủ yếu dùng mìn nổ phá đá. Việc nổ mìn khiến đá vỡ ra nhưng không đều. Các lớp đá vỡ sau khi hoàn thành hầm sẽ đè lên nóc hầm, tạo áp lực làm nứt hầm. Ngoài ra, khi đúc vỏ hầm thì dùng kỹ thuật bơm vữa nhưng do đá vỡ không đều nên lớp vữa bơm vào không khít hết. Thời tiết khắc nghiệt cũng là nguyên nhân khiến bê tông co giãn mạnh hơn. Thực tế là thành phần bê tông đã không theo kịp ảnh hưởng thời tiết nên việc nứt vỏ hầm là khó tránh khỏi.
Các chuyên gia tư vấn nước ngoài vẫn theo dõi chặt chẽ các vết nứt vỏ hầm Hải Vân 1. Ảnh: TẤN VIỆT
Hàng trăm vết nứt chi chít trên vỏ hầm Hải Vân 1. Ảnh: TẤN VIỆT
Do nổ mìn làm hầm Hải Vân 2?
Trước một số ý kiến cho rằng nguyên nhân nứt hầm Hải Vân 1 là do nổ mìn làm hầm Hải Vân 2, đại diện Công ty Đèo Cả khẳng định: “Việc nổ mìn thi công hầm Hải Vân 2 đã kết thúc từ tháng 9-2019, qua quan trắc, không xuất hiện vết nứt mới. Các vết nứt cũ giữ nguyên hiện trạng”.
Ông Anthony William Johnston, Trưởng tư vấn giám sát dự án mở rộng hầm đường bộ Hải Vân, cho hay đã kiểm tra hầm Hải Vân 1 trước khi thi công hầm Hải Vân 2. Các vết nứt được giám sát liên tục trong quá trình dài bằng quy trình kỹ thuật chặt chẽ như theo dõi độ rung của các vết nứt, độ mở rộng… “Các thông số cho thấy việc thi công hầm Hải Vân 2 không gây ảnh hưởng hầm Hải Vân 1” - ông Anthony nói.
8.516 tỉ đồng là tổng mức đầu tư dự án mở rộng hầm Hải Vân 2 (từ hầm lánh nạn) chạy song song hầm Hải Vân 1. Dự án được khởi công từ tháng 4-2016, dự kiến hoàn thành vào tháng 12-2020. Hiện Công ty Đèo Cả đang đẩy nhanh tiến độ nhằm đưa dự án cán đích vào tháng 9-2020, sớm ba tháng so với kế hoạch. |
Theo ông Phan Văn Thắng, Tổng giám đốc Công ty Đèo Cả, kết cấu vỏ hầm không tham gia chịu lực. Vỏ hầm chỉ để hoàn thiện và trang trí, lắp đặt các thiết bị. “Những vết nứt này không ảnh hưởng đến an toàn và kết cấu chịu lực của công trình. Người tham gia giao thông hoàn toàn có thể yên tâm” - ông Thắng khẳng định.
Ông Thắng cũng cho biết hiện Công ty Đèo Cả đang thi công các hạng mục cuối để hầm Hải Vân 2 dự kiến hoàn thành trong tháng 9-2020. Sau khi hoàn thành, thông xe hầm Hải Vân 2, công ty sẽ phối hợp với các cơ quan chức năng liên quan phân luồng giao thông để sửa chữa hầm Hải Vân 1.
Ở góc độ quản lý nhà nước, ông Nguyễn Thanh Bình, Phó Cục trưởng Cục Quản lý đường bộ III (Tổng cục đường bộ Việt Nam), cũng cho hay các vết nứt đến nay không phát triển thêm. “Các chuyên gia đầu ngành trong và ngoài nước đã đánh giá rồi, không ảnh hưởng kết cấu chịu lực cũng như độ an toàn của hầm. Có chăng là bây giờ nó mất thẩm mỹ và tạo cảm giác chưa yên tâm. Trong dự án mở rộng hầm Hải Vân 2, Bộ GTVT sẽ cho phép Đèo Cả dán gạch hai bên thành hầm. Phần mái vòm hầm sẽ sơn thẩm mỹ lại. Việc này chưa làm được và thời gian tới sẽ làm. Chủ trương là có rồi nhưng chi tiết, kinh phí thế nào thì Bộ GTVT chưa thống nhất” - ông Bình nói.
Đề nghị chọn đơn vị tư vấn độc lập có đủ năng lực Tổng cục Đường bộ Việt Nam vừa có văn bản đề nghị Bộ GTVT chỉ đạo Công ty Đèo Cả lựa chọn đơn vị tư vấn độc lập có đủ năng lực đánh giá ảnh hưởng của các vết nứt vỏ hầm Hải Vân 1 đối với chất lượng khai thác kết cấu vỏ hầm. Kết quả đánh giá báo cáo về Bộ GTVT nhằm xem xét việc hoàn thiện kết cấu vỏ hầm theo đề xuất của Công ty Đèo Cả. Công tác hoàn thiện vỏ hầm Hải Vân 1 (nếu có) chỉ được thực hiện khi hầm Hải Vân 2 đã đưa vào khai thác để đảm bảo giao thông qua hầm được thông suốt. |