Đây là diễn biến mới nhất trong loạt tin tức cho thấy Bình Nhưỡng tiếp tục phát triển các chương trình tên lửa của họ chứ không thực hiện kế hoạch đã thỏa thuận với Washington là loại bỏ chúng.
Căn cứ nói trên được nhận dạng trong một báo cáo của Viện Nghiên cứu Quốc tế Middlebury ở TP Monterey (Mỹ) nằm sâu trong vùng núi của nước này. Theo đài CNN, ngoài căn cứ đã được biết đến ở Yeongjeo-dong, có một công trình xây dựng tại một địa điểm chưa được đưa tin trước đó ở khoảng cách hơn 10 km, vốn có thể là cơ sở riêng rẽ hoặc trực thuộc căn cứ cũ.
“Những hình ảnh vệ tinh cho thấy căn cứ này vẫn hoạt động” - bản tin của Yonhap viết - “Hơn nữa, trong năm qua Triều Tiên đã mở rộng đáng kể một cơ sở gần đó vốn có vẻ như là một căn cứ tên lửa khác”.
Ảnh chụp vệ tinh về cơ sở tên lửa đáng ngờ của CHDCND Triều Tiên. Ảnh: NPR
Các bức ảnh được chụp vào tháng 10 và tháng 11, sau khi Tổng thống Mỹ Donald Trump và nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un nhất trí tại cuộc họp thượng đỉnh lịch sử hồi tháng 6 sẽ nỗ lực tiến tới việc phi hạt nhân hóa hoàn toàn bán đảo Triều Tiên.
Vị trí độc đáo của cơ sở mới được phát hiện “khiến nó trở thành một ứng viên chắc chắn để tiếp nhận những tên lửa tầm xa mới nhất của Triều Tiên, bao gồm những tên lửa có khả năng mang vũ khí hạt nhân và có thể bắn tới Mỹ”, CNN dẫn lời các tác giả báo cáo.
Căn cứ trên là một trong nhiều căn cứ mà Mỹ tìm cách tiếp cận trong khuôn khổ một thỏa thuận với Triều Tiên hồi năm 2000 nhưng cha của ông Kim Jong-un và cũng là lãnh đạo Triều Tiên khi đó là ông Kim Jong-il đã từ chối.
Báo cáo còn mô tả hai chỗ trú ẩn chắc chắn được che phủ bằng đất và cây để ngụy trang và năm cửa vào đường hầm ngầm có thể được sử dụng để chứa tên lửa.