Nhằm chuẩn bị cho mùa mua sắm lớn nhất trong năm, nhiều doanh nghiệp (DN) đã lên kế hoạch sản xuất hàng tết từ sớm và nhiều chương trình khuyến mãi diễn ra xuyên suốt từ nay đến cuối năm.
Áp lực giá xăng dầu, nguyên vật liệu tăng cao
Tại cuộc họp báo cung cấp thông tin về tình hình kinh tế xã hội trên địa bàn TP.HCM vừa diễn ra, ông Nguyễn Phương Duy, đại diện Sở Công thương TP.HCM cho biết, hiện nay diễn biến giá xăng dầu, tỉ giá, giá nguyên vật liệu cơ bản biến động phức tạp, tạo áp lực lớn đến hoạt động sản xuất trong nước; hoạt động sản xuất lương thực thực phẩm (LTTP) thiết yếu cuối năm và tết Nguyên đán.
Riêng DN bình ổn thị trường (BOTT) đã có sự chuẩn bị chu đáo, góp phần điều tiết thị trường đến nay không xảy ra tăng giá đột biến các mặt hàng LTTP thiết yếu.
Theo ông Duy, để chuẩn bị nguồn cung hàng tết, từ đầu năm UBND TP.HCM giao Sở Công thương tiếp tục chủ trì và triển khai thực hiện.
Theo đó, các tháng tết lượng hàng bình ổn thị trường chiếm từ 25%-43% nhu cầu thị trường. Bình quân mỗi tháng dự kiến cung ứng 10.000 tấn rau quả, 6.000 tấn thịt gia súc, 8.000 tấn thịt gia cầm, 200 tấn thủy hải sản, 70 triệu quả trứng gia cầm, 5.000 tấn gạo…
Theo ông Duy, các DN sẵn sàng tăng sản lượng trong tình huống khẩn cấp, bán hàng lưu động đến nơi thiếu hàng cục bộ. DN cam kết không để xảy ra khan hiếm hàng hóa, mất cân đối nhu cầu trong mọi tình huống.
Về phía siêu thị, ông Nguyễn Ngọc Thắng - Giám đốc khối vận hành hoạt động Co.opmart nhìn nhận, thị trường bán lẻ dự báo vẫn tiếp tục khó khăn, sức mua bị ảnh hưởng bởi siêu thị nhận được yêu cầu tăng giá từ một số nhà cung cấp. Lý do các đơn vị đưa ra là các chi phí đầu vào đều tăng như xăng dầu, nguyên vật liệu…
“Trước mắt để chia sẻ cùng người dân, chúng tôi đang cùng các nhà cung cấp nỗ lực giữ giá ổn định. Song song đó, siêu thị triển khai chương trình tết Nguyên đán 2024 với nhiều ưu đãi để người tiêu dùng có được mùa tết trọn vẹn” - ông Thắng nói.
Khuyến mãi giảm giá 30% từ nay đến tết
Đại diện Công ty MM Mega Market cho biết, dự đoán nhu cầu tiêu dùng tết sẽ tăng, nhất là mặt hàng thiết yếu nên ngay từ đầu tháng 10 công ty đã làm việc với các nhà cung cấp.
Theo đó, năm nay tổng lượng dự trữ hàng hóa phục vụ tết tăng 20%-30%. Đồng thời, để kích cầu sức mua, hàng loạt chương trình khuyến mãi, giảm giá từ 10%-30% diễn ra xuyên suốt từ nay đến tết.
Hơn nữa, siêu thị phối hợp Sở Công thương TP.HCM triển khai chương trình “Giá sỉ cho các mặt hàng thực phẩm tươi sống” và “Đánh bại lạm phát, mua hàng bình ổn, tiết kiệm thông minh” với danh mục hơn 1000 sản phẩm thiết yếu được bình ổn giá.
Tương tự, đại diện Công ty Vissan cho biết nhằm chuẩn bị tốt nguồn hàng phục vụ thị trường, ngay từ tháng 6 công ty đã triển khai dự trữ nguyên vật liệu sản xuất.
Tết năm 2024, công ty cung ứng ra thị trường gần 1.100 tấn thực phẩm tươi sống, tăng 5% so với cùng kỳ và 3.800 tấn thực phẩm chế biến, tương đương so với cùng kỳ. Tổng giá trị hàng hóa phục vụ tết năm 2024 đạt hơn 540 tỉ đồng.
Bên cạnh đó, để đề phòng các trường hợp thị trường biến động, thiếu hụt, công ty dự trữ 10% - 20% sản lượng hàng hóa.
Vissan cam kết giữ giá ổn định, không tăng giá trước, trong và sau tết. Từ nay cho đến cận tết, vào các ngày cuối tuần công ty thường xuyên khuyến mãi giảm giá từ 10% - 20% một số sản phẩm thiết yếu.
Đặc biệt, từ 27 tết đến 30 tết, Vissan giảm giá sâu đến 30% để người tiêu dùng sắm Tết “trễ” có thể mua được thực phẩm uy tín chất lượng.
Sở Công thương sẽ theo dõi sát diễn biến giá gạo
Theo ông Duy, riêng mặt hàng gạo, vừa qua Sở Công thương tổ chức kiểm tra nguồn hàng sản xuất từ vùng Đồng bằng Sông Cửu Long. Qua nhận định của các đầu mối xuất khẩu gạo cho thấy giá gạo thế giới đang trong xu hướng tăng, rất khó dự đoán do phụ thuộc vào nhu cầu của các thị trường lớn.
Sở cũng đang theo dõi sát sao diễn biến này vì sẽ ảnh hưởng trực tiếp đến giá gạo trong nước cũng như hoạt động sản xuất lương thực thực phẩm những tháng cuối năm và tết Nguyên đán.