UBND TP.HCM vừa có văn bản gửi các tỉnh như Bình Dương, Bà Rịa-Vũng Tàu, Tây Ninh, Long An, Sóc Trăng… đề nghị hỗ trợ thực hiện triển khai Đề án quản lý, nhận diện và truy xuất nguồn gốc thịt heo.
Thành phố cho biết qua quá trình phối hợp triển khai thí điểm, đến nay đề án đã đạt được thành công bước đầu rất khả quan. Tính đến nay đã có 767 cơ sở chăn nuôi của các tỉnh đăng ký tham gia đề án, trong đó nhiều nhất là Đồng Nai đăng ký 344 cơ sở, Bình Dương 187, Bình Phước, Tây Ninh 15 cơ sở…
Đề án đã triển khai và vận hành tốt việc truy xuất nguồn gốc thịt heo tại 385 cơ sở kinh doanh siêu thị, cửa hàng tiện lợi, cửa hàng kinh doanh thực phẩm… và 140 gian hàng tại 23 chợ truyền thống.
Qua kết quả triển khai bước đầu, Đề án được người tiêu dùng tin tưởng, nhiều địa phương quan tâm và chính thức đề nghị thành phố chuyển giao công nghệ, hỗ trợ kinh nghiệm tổ chức thực hiện. Qua đó khuyến khích sản xuất sản phẩm an toàn theo quy trình Vietgap, xây dựng thương hiệu để cạnh tranh hàng nhập khẩu, giữ ổn định giá cả, phát triển thị phần thị trường nội địa và hướng tới xuất khẩu.
Tuy nhiên, trong quá trình phối hợp vẫn còn tồn tại một số khó khăn. Vì vậy đề nghị các cơ sở chăn nuôi đăng ký tham gia chương trình, khi bán heo vào thành phố phải đeo vòng nhận diện (vòng màu vàng) vào chân heo và cung cấp thông tin về nguồn gốc của con heo do cơ sở mình bán ra...
Để hỗ trợ cho người chăn nuôi, thành phố sẽ hỗ trợ 50% chi phí mua vòng nhận diện cho các cơ sở chăn nuôi đã tham gia chương trình và cung cấp đầy đủ thông tin trên vòng nhận diện khi xuất bán heo.
Người tiêu dùng truy xuất nguồn gốc thịt heo bằng smartphone
Đề án truy xuất nguồn gốc thịt heo bằng smartphone, chính thức triển khai cuối năm 2016 tại kênh phân phối hiện đại được người tiêu dùng đánh giá cao.
Chỉ với chiếc smartphone, người tiêu dùng dễ dàng truy xuất được nguốn gốc thịt heo với đầy đủ thông tin về trang trại chăn nuôi, cơ sở giết mổ, nhà phân phối và nhà bán lẻ.