Rừng phòng hộ xã Tiên Lãnh (huyện Tiên Phước, Quảng Nam) đang bị tàn phá nghiêm trọng. Những người phá rừng ngang nhiên dựng lán trại, đánh xe trâu vận chuyển gỗ ra khỏi rừng...
Tan hoang rừng phòng hộ
Từ trung tâm xã, mất khoảng bốn tiếng đồng hồ chúng tôi mới men trèo qua được con dốc đá lởm chởm, ngay cạnh là vực sâu người dân đặt tên Dốc Dằn Mặt để đến hiện trường.
Dọc những triền dốc lên tiểu khu 556, hàng loạt cây gỗ có đường kính rất lớn bị máy cưa cắt hạ nằm ngổn ngang. Nhiều phách gỗ có đường kính lớn được cưa xẻ nằm dọc theo đường mòn chưa kịp tẩu tán.
Khi đến hiện trường, chúng tôi giật mình vì cả một cánh rừng lớn bạt ngàn đã bị phá tan tành. Thân cây lớn bị lâm tặc cưa và mang đi. Các gốc cây to cả hai người ôm vẫn còn rỉ nhựa tươi. Ít nhất những gốc cây này mới được cưa trong vòng 5-10 ngày. La liệt cây gỗ bị cưa phăng ngã xuống đất và được đốt trụi.
Không chỉ ở tiểu khu 556, tại tiểu khu 557 hàng trăm cây lớn nhỏ cũng bị chặt hạ và đốt cháy không thương tiếc.
Người dân dẫn chúng tôi vào rừng cho biết: “Việc phá rừng rầm rộ diễn ra suốt mấy năm nay. Người ta vào phá rừng phòng hộ để trồng cây keo, các thân gỗ lớn thì được cưa xẻ, kéo ra khỏi rừng. Nhiều người dân thấy gỗ lớn bị cưa xẻ, vứt ngổn ngang cũng đưa trâu vào kéo gỗ về vì tiếc”.
Khu vực rừng bị tàn phá này nằm giáp với sông Tranh và huyện Bắc Trà My. Ở hai bên bờ sông có nhiều lán trại được dựng lên. Theo quan sát của chúng tôi, bên trong lán trại có nhiều vật dụng dùng để đun nấu thức ăn còn bỏ lại. Dọc bên bờ sông giáp với rừng phòng hộ có nhiều thân cây đường kính lớn được máy cưa cắt nằm dưới mép nước, chờ chuyển về xuôi. Trên bờ sông nhiều cây gỗ lớn khác đang nằm vùi trong đất…
Nhiều cây gỗ lớn bị đốn hạ chỉ còn trơ gốc. Ảnh: HUY TRƯỜNG
Không biết ai phá rừng!
PV liên hệ với ông Võ Hồng Nhiệm (Chủ tịch UBND xã Tiên Lãnh) thì ông này cho biết đang đi học cao cấp chính trị. Hỏi về việc phá rừng xảy ra tại địa phương nhưng chính quyền xã không có người phát ngôn, ông Nhiệm cho biết có ủy quyền cho cán bộ cấp dưới nhưng cán bộ này bận nên không thể trả lời. Sau đó thì ông Nhiệm tắt máy.
Trao đổi với chúng tôi, ông Lê Minh Sơn (Bí thư Đảng ủy xã Tiên Lãnh) xác nhận có tình trạng phá rừng phòng hộ. Ông Sơn cho hay diện tích rừng bị phá ước chừng hơn 200 ha. “Nguyên nhân dẫn đến sự việc nói trên là trong thời gian những năm gần đây giá keo lên cao nên nhiều người phá rừng để trồng keo. Có sự việc phá rừng xảy ra trên địa bàn nhưng trong thời gian qua chỉ phát hiện và xử lý một số người. Còn phần nhiều là phát hiện rừng phòng hộ bị phá nhưng không phát hiện được ai là thủ phạm” - ông Sơn nói.
“Việc phá rừng trầm trọng nhưng chưa giải quyết dứt điểm được là vì lực lượng kiểm lâm còn mỏng trong khi diện tích rừng ở địa phương rất lớn. Ngoài ra, biện pháp xử phạt hành chính còn nhẹ…” - ông Sơn nói và cho biết thêm không có sự tiếp tay của chính quyền cho việc phá rừng ở địa phương.
Bà Lê Thị Thảo (Chánh Văn phòng UBND huyện) đề nghị phải có văn bản của cơ quan quản lý thì mới sắp xếp cho làm việc với lãnh đạo huyện.
Liên lạc qua điện thoại, ông Bùi Văn Tưởng (Hạt trưởng Hạt Kiểm lâm Nam Quảng Nam) cho biết mới đây hạt có phát hiện vụ phá rừng nhưng chỉ khoảng 3-4 ha thôi. Sau khi PV thông tin diện tích bị chặt phá quá kinh khủng thì ông Tưởng cho biết: “Chúng tôi sẽ cho kiểm tra vụ việc mà các anh đề cập và sẽ thông tin lại”.
Ông Lê Trí Thanh (Phó Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Nam) tỏ ra bất ngờ trước thông tin mà PV cung cấp. “Tôi sẽ cho kiểm tra và xử lý ngay” - ông Thanh nói.