Hàng xóm của 6 hộ bị cách ly ở Gò Vấp nói gì?

Ngày 18-3, hẻm 248 đường Phạm Ngũ Lão (phường 7, quận Gò Vấp) được lực lượng chức năng quận Gò Vấp túc trực, phong tỏa như ngày trước đó.

Hàng xóm không lo lắng, sợ hãi

Khu vực hẻm khoảng 50 m được rào chắn hai đầu, việc đi lại bị cấm hoàn toàn. Đầu hẻm đoạn giao với đường Phạm Ngũ Lão có một dân phòng, một bảo vệ dân phố và một công an mặc sắc phục ngồi gác. PV tới chụp ảnh phải xuất trình được giấy tờ tác nghiệp, được hướng dẫn chụp ảnh bên ngoài hàng rào.

Đầu con hẻm được cách ly.

Đây là nơi có một người được xác định là dương tính với COVID-19. Ngày hôm trước khu vực đã được lực lượng chức năng phường 7 (quận Gò Vấp) phối hợp với Trung tâm Kiểm soát bệnh tật TP.HCM khử trùng y tế.

Nữ bệnh nhân 28 tuổi, tạm trú phường 7 được một hàng xóm cho biết đó là người thuê trọ khoảng vài tháng. Cô không hay biết việc mình bị bệnh, sự việc khiến những người xung quanh bất ngờ nhưng không lo lắng hay sợ hãi.

Con hẻm nhỏ thi thoảng vẫn có người ra vào. Tuy nhiên, họ được hướng dẫn chọn lộ trình khác. Một số người khác thì ghé vào hỏi các thông tin liên quan đến tình hình những hộ dân bên trong.

Lực lượng chức năng làm nhiệm vụ giám sát. 

Theo ghi nhận, việc giao hàng, thức ăn đều phải thông qua lực lượng chức năng và được khử trùng bao bì. Bên trong người dân được yêu cầu hạn chế ra ngoài, tiếp xúc với nhau.

Sáng cùng ngày, hầu hết căn nhà đều đóng cửa, chỉ có hai người dân đeo khẩu trang ra tưới cây cảnh rồi nhanh chóng trở vào bên trong.

Hôm trước, 30 người trong con hẻm cũng được lấy mẫu xét nghiệm. Một người đàn ông là hàng xóm của sáu hộ dân nói trên cho biết những người bên trong đều ổn về cả mặt tâm lý và sức khỏe.

Quan trọng là tự bảo vệ mình và có ý thức

Anh Nguyễn Văn Hoan, người sống đầu hẻm 248 đường Phạm Ngũ Lão (phường 7, quận Gò Vấp), cho biết gia đình anh dù sống gần kề đó nhưng đã chuẩn bị tâm lý cũng như những hiểu biết cần thiết để phòng dịch bệnh COVID-19.

“Mình làm theo đúng hướng dẫn của bên y tế và cơ quan chức năng là thấy ổn; đầu tiên là phải tự cứu bản thân trước. Ngoài những nguyên tắc như hạn chế đi lại, đeo khẩu trang, dùng dung dịch rửa tay sát khuẩn… thì mình không nên có mặt ở nơi công cộng, cần thiết lắm mới phải đi” - anh Hoan nói.

Anh Hoan chia sẻ về ý thức phòng, chống dịch bệnh.

Theo người đàn ông, từ ngày hôm trước, phía đội ngũ y tế đã làm rất rốt ráo nên không có gì đáng lo ngại. Tuy nhiên trong thời gian này, những nhà lân cận phải theo dõi sức khỏe và đảm bảo về vệ sinh, môi trường.

“Riêng những hàng xóm của tôi bên trong khu cách ly cũng không có gì lo lắng. Ăn uống thì có thể là đặt xe ôm công nghệ đưa tới lúc nào cũng có. Còn nếu cần thiết thì có các lực lượng bảo vệ dân phố, dân phòng, công an… túc trực ở đây hỗ trợ, mua và nhận giùm” - anh Hoan tiếp.

Chiều 17-3, con hẻm tập trung đông lực lượng chức năng để kiểm soát, phong tỏa chống dịch. “Mọi người biết chuyện đều bỡ ngỡ lúc ban đầu. Sau đó thì không ai tập trung đông làm gì vì như vậy vừa ảnh hưởng không tốt đến sức khỏe của mình và có thể gây cản trở lực lượng chức năng thực hiện nhiệm vụ của họ”.

“Sau khi lực lượng chức năng kiểm soát thì giao thông ở khu vực trở lại ổn định, các tiểu thương như tôi cũng buôn bán bình thường. Chỉ những người bên trong khu vực cách ly thì ở yên trong nhà, không đi ra ngoài” - một người đàn ông nói.

Anh Hoan cho biết anh thường gọi những hàng xóm bên trong để cập nhật tình hình. Việc cách ly là cực kỳ cần thiết bởi “phải đảm bảo trong thời gian này để phòng, chống dịch bệnh, tôi nghĩ nếu có người không thích thì cũng phải vui vẻ chấp nhận thôi, cứu mình cũng là cứu cộng đồng” - anh nói.

Gia đình anh Hoan cũng là một hộ kinh doanh nhỏ, tiếp xúc nhiều người đến, đi. Theo anh, việc chuẩn bị các kiến thức rất quan trọng trong phòng dịch bệnh. “Mình biết, hiểu được cơ chế lây như thế nào. Trường hợp không may lỡ bị bệnh thì mình đã biết bệnh này rồi, cũng phải đón nhận chứ không thể làm gì. Quan trọng, khi mình bị nghi nhiễm hoặc mình biết mình có các triệu chứng, có tiếp xúc thì mình phải trình báo với cơ quan chức năng, tránh tiếp xúc để lây lan ra cộng đồng” - anh Hoan cho hay. 

Liên quan ca "siêu lây nhiễm"

Nữ bệnh nhân 28 tuổi, trú quận Gò Vấp có tiền sử khỏe mạnh. Cô gái làm việc chung công ty với bệnh nhân 45 và 48; ngày 7 và 10-3, bệnh nhân có tiếp xúc và làm việc cùng ca với hai bệnh nhân 45 và 48.

Trước đó, bệnh nhân 45 và 48 có tiếp xúc dùng cơm chung tại Phan Thiết với bệnh nhân 34.

Sau khi làm việc chung ca với bệnh nhân 45 và 48, ngày 10-3 bệnh nhân 65 thấy mệt, ngày 11-3 bệnh nhân tự cách ly tại nhà, ngày 13-3 được đưa vào cách ly tập trung tại quận 8 và được lấy mẫu.

Mẫu xét nghiệm tại BV Bệnh nhiệt đới trung ương và Viện Pasteur TP.HCM đều cho kết quả dương tính.

Đây là ca bệnh thứ 11 lây từ ca "siêu lây nhiễm" 34.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm