Theo hãng tin AP, các hãng hàng không trên khắp thế giới đã cho phép mọi người lên máy bay tới Mỹ như thường lệ sau khi một thẩm phán liên bang ra lệnh dừng sắc lệnh cấm nhập cảnh đối với công dân bảy nước Hồi giáo gồm Iraq, Syria, Iran, Libya, Somalia, Sudan và Yemen.
Một vị luật sư đang chờ ở sân bay Kennedy ở New York cho biết những người có thị thực và thẻ xanh đến từ Iraq và Iran đều không còn gặp khó khăn khi đến Mỹ nữa.
“Mọi chuyện đã diễn ra bình thường” - Camille Mackler thuộc Liên hiệp di cư New York nói.
Ali Abdullah Alghazali, 13 tuổi, ôm ghì lấy người mẹ của mình sau sáu năm chia cách. Ảnh: AP
Fariba Tajrostami, 32 tuổi, một họa sĩ người Iran, đã đi vào cổng sân bay Kennedy với một nụ cười rạng rỡ cùng những giọt nước mắt xúc động khi thấy những người anh của cô chào đón cô bằng những cái ôm hạnh phúc.
“Tôi rất vui. Tôi đã không nhìn thấy những người anh của mình chín năm nay” - cô nói.
Tajrostami đã cố bay từ Thổ Nhĩ Kỳ tới Mỹ cách đến một tuần nhưng vì sắc lệnh của ông Trump cô đành phải quay trở về.
“Tôi đã khóc nhiều và quá thất vọng. Tôi nghĩ mọi thứ đã kết thúc” - nữ họa sĩ chia sẻ trong xúc động.
Tajrostami cho biết cô mong được nghiên cứu hội họa ở Mỹ và mong sớm gặp lại chồng ở Dallas. Chồng Tajrostami từ Iran đến Mỹ cách đây sáu tháng, đã có thẻ xanh và đang làm việc tại một đại lý xe hơi.
Fuad Sharef Suleman (phải) và hai đứa con của anh ấy đáp xuống sân bay JFK ở Queens, New York hôm 5-2. Gia đình người Iraq này trước đó bị cấm lên máy bay tới Mỹ. Ảnh: REUTERS
Cảnh tượng tương tự cũng diễn ra trên nước Mỹ hai ngày sau khi một thẩm phán liên bang ở Seattle dừng lệnh cấm nhập cảnh của ông Trump. Mỹ đã hủy thị thực của 60.000 người nước ngoài chỉ trong tuần qua sau lệnh cấm nhập cảnh bảy nước Hồi giáo trên. Trump cũng dừng gần như tất cả ủy ban tị nạn trong 120 ngày và cấm người tị nạn Syria.
Lệnh cấm của tân Tổng thống Mỹ làm dấy lên làn sóng phản đối và nhiều thách thức pháp lý trên nước Mỹ. Nhiều sinh viên ĐH, nhà nghiên cứu và những người khác cũng bị cấm vào Mỹ theo lệnh cấm.
Tại sân bay JFK đêm 5-2, Abdullah Alghazali đã ôm hôn đứa con trai 13 tuổi của anh, Ali Abdullah Alghazali trong niềm hạnh phúc vô bờ bến. Hai cha con họ đã không gặp nhau trong sáu năm qua. Nếu sắc lệnh hành pháp trên của ông Trump không bị can thiệp, có thể sự chia cách ấy ngày càng kéo dài thêm.
TS Kamal Fadlalla được chào đón tại sân bay quốc tế Kennedy sau khi mắc kẹt ở Sudan khi ông về đây thăm mẹ. Ảnh: NY TIMES
Ali và mẹ em, Musarlah Alghazali, đã rời Yemen tới Ai Cập được 1,5 năm vì chiến tranh tại quê nhà. Musarlah sau đó đến Mỹ cách đây hai năm sáu tháng nhưng con trai cô lại bị để lại ở Ai Cập cùng với người anh em họ để chờ cấp visa. Mãi tới ngày 28-1, cậu bé Ali mới được phép tới nước Mỹ thì sắc lệnh của ông Trump có hiệu lực.
“Khi thằng bé đến sân bay để tới Mỹ thì nó bị chặn lại hồi thứ Bảy tuần trước. Tôi đã thử lần nữa vào 1-2 nhưng họ đã đưa thằng bé về nhà” - Abdullah nói. “Họ bảo họ nhận được một mệnh lệnh từ chính phủ Mỹ không cho phép bất kỳ ai có thẻ xanh hoặc visa đến nước Mỹ”.
Mahsa Azabadi, 29 tuổi, một người Mỹ gốc Iran sống ở Denver, bị buộc phải hủy lễ cưới sau khi hôn phu của cô Sorena Behzadfar, bị cấm lên máy bay tới Mỹ từ Iran vào 28-1.
Cuối tuần qua, sau khi lệnh cấm nhập cảnh bị bãi bỏ, Behzadfar đã được phép đến Mỹ và đến sân bay Logan ở Boston vào chiều 5-2.
“Một tuần qua quả thực rất khó khăn khi nghĩ đến những gì sẽ xảy đến với chúng tôi” - Azabadi chia sẻ. Cô đã sống ở Mỹ 11 năm và đã có quốc tịch Mỹ. Cặp đôi dự kiến làm đám cưới vào ngày 12-5 năm nay.
Sahar Muranovic (trái) và em gái Sara Yarjani, một sinh viên Iran bị bắt giữ 23 giờ đồng hồ và bị trục xuất về Vienna, đã đoàn tụ tại sân bay Los Angeles hôm 5-2. Ảnh: NY TIMES
Tại sân bay Cairo, Ai Cập, giới chức cho biết có tổng cộng 33 người di cư tới Mỹ từ Yemen, Syria và Iraq đều đã được phép lên máy bay.
Hãng thông tấn Lebanon cho biết các chuyến bay hoạt động ngoài Beirut cũng đã bắt đầu cho phép các gia đình Syria và gia đình từ các quốc gia khác nằm trong lệnh cấm của ông Trump cất cánh. Beirut không có các chuyến bay bay trực tiếp đến Mỹ, vì vậy muốn tới Mỹ phải bay qua châu Âu.
Sahar Harati (trái) và Motahhare Eslami đang chờ cha mẹ họ đến sân bay Logan ở Boston hôm 5-2. Ảnh: NY TIMES
Tại sân bay Kennedy, một nhóm luật sư tình nguyện đã thành lập các chiến dịch phụ trách bữa ăn hỗ trợ những hành khách đến đây và công tác phiên dịch.
“Tôi rất vui. Điều đó có nghĩa là không còn ai bị bắt giữ nữa” - Fifi Youssef, một phiên dịch viên, chia sẻ.