Ông Lê Văn Dậu, Bí thư Huyện ủy huyện Hà Trung (ảnh) trao đổi với phóng viên báo Pháp Luật TP.HCM về hành trình xây dựng nông thôn mới (NTM) huyện Hà Trung khẳng định: “Xây dựng NTM là nhiệm vụ trọng tâm, lâu dài, kiên trì, bền bỉ”, từng bước làm cho đời sống vật chất, tinh thần của nhân dân ngày càng tăng, KT-XH phát triển bứt phá, bộ mặt nông thôn khởi sắc từng ngày".
Xây dựng nông thôn mới ở vùng đất chiêm trũng
. Phóng viên: Trong những năm gần đây Hà Trung được biết đến là vùng đất biến những bất lợi, khó khăn thành lợi thế để định hình không gian phát triển KT-XH mà cốt lõi là xây dựng NTM, ông có thể chia sẻ về điều này?
+ Ông Lê Văn Dậu, Bí thư Huyện ủy huyện Hà Trung: Những năm 2011 quy mô giá trị sản xuất của huyện đạt 4.349 tỷ đồng, thu nhập bình quân đầu người toàn huyện 12,41 triệu đồng/người/năm, tỷ lệ hộ nghèo chiếm 20,78%, trong khi các xã, thị trấn mới chỉ đạt bình quân 4,63 tiêu chí NTM/xã.
Thời điểm đó, bức tranh về hạ tầng KT-XH còn yếu, chưa đồng bộ và cũng chưa được quan tâm đầu tư đúng mức, đời sống nhân dân khó khăn vô vàn.
Vì thế, khi bắt tay vào xây dựng nông thôn mới, Hà Trung xác định trước tiên phải cải thiện đời sống của người dân, tập trung tạo động lực trong nhân dân dựa trên nền tảng chính sách, chủ trương, đường lối cơ sở pháp lý của Đảng, nhà nước.
Hà Trung xác định phải cụ thể hóa hơn chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, của Tỉnh ủy, HĐND tỉnh Thanh Hóa khi thực hiện xây dựng NTM.
Bước đầu, huyện huy động cả hệ thống chính trị tham gia hành động, đưa ra các quyết sách, chính sách thu hút đầu tư, đào tạo và lựa chọn cán bộ đủ sức gánh vác để đưa Hà Trung phát triển nhanh, bền vững, góp phần cùng với tỉnh hướng đến tỉnh kiểu mẫu vào năm 2045.
Khi đó sau khi Ban Thường vụ huyện Hà Trung thống nhất về cách làm, phương pháp, cách thức triển khai thì chúng tôi bắt đầu hành trình xây dựng NTM. Mục tiêu lâu dài xây dựng NTM phải đi vào thực chất hiệu quả, bền vững mà không phải chỉ chú trọng cái “vỏ ngoài”.
Ngay sau đó, phong trào toàn dân chung sức xây dựng nông thôn mới được triển khai, bắt đầu phát huy nội lực, thi đua sôi nổi trong nhân dân từ mỗi gia đình, thôn, xóm từng bước được “lột xác” về cơ sở hạ tầng, cùng với đó là đời sống người dân từng bước được cải thiện.
Để nông dân thành công nhân, chủ doanh nghiệp
. Ông nói rằng, xây dựng NTM phải làm có trọng tâm, trọng điểm, bền bỉ, lâu dài và phải thực chất hiệu quả là cải thiện đời sống của người dân thay vì thành tích, vậy theo ông động lực tạo ra bứt phá cho Hà Trung khoảng 3 năm trở lại đây?
+ Song song với phát triển đa dạng nền nông nghiệp hàng hóa, thì Hà Trung muốn phát triển kinh tế bền vững, thậm chí là mục tiêu trở thành trung tâm kinh tế của phía Bắc tỉnh Thanh Hóa thì phải tạo ra không gian phát triển với tầm nhìn 30 năm sau.
Động lực tạo nên bức tranh KT-XH của địa phương chính là quy hoạch không gian cho phát triển công nghiệp, đô thị đa dạng đáp ứng đủ các nhu cầu của người dân, DN và những nhà đầu tư đến từ tương lai.
Hành trình 12 năm xây dựng NTM ở Hà Trung đã gặt hái được những “quả ngọt” ban đầu, đã có 6 cụm công nghiệp được thành lập hoạt động, thu hút gần 200 DN đang đầu tư sản xuất, kinh doanh tại địa phương.
Đáng chú ý có 4 doanh nghiệp FDI đã đầu tư sản xuất tại địa bàn, giải quyết công ăn việc làm cho hơn 10 ngàn lao động với mức thu nhập 6 -10 triệu đồng/người/tháng.
Nhiều lần tôi xuống các địa bàn các xã có nhiều người đi xuất khẩu lao động ở các nước phát triển như Hàn Quốc, Nhật Bản, Đài Loan, Trung Quốc về quê đầu tư, làm ăn và trở thành những ông chủ khi có hàng chục lao động.
Đến nay, Hà Trung có hơn 25.000 lao động vào làm tại các DN trên địa bàn với mức thu nhập 6 -10 triệu đồng/người/tháng. Như vậy rõ ràng, Hà Trung đã thật sự đổi thay lớn sau 12 năm nỗ lực, dày công vượt nghèo, vượt khó, khổ.
Khó khăn, vất vả nhưng không thỏa mãn
. Sau đại dịch COVID-19, Hà Trung đã thực hiện thế nào để về đích NTM, thưa ông?
+ Sau 12 năm thực hiện Chương trình MTQG về xây dựng NTM, Hà Trung đã đạt được những kết quả toàn diện ở hầu hết các lĩnh vực mà nổi bật, tạo diện mạo NTM và con người đổi mới từ tư duy đến hành động.
Năm 2023, quy mô giá trị sản xuất toàn ngành ước đạt 12.459 tỷ đồng, thu nhập bình quân đầu người ước đạt 54,38 triệu đồng/năm, tỷ lệ hộ nghèo giảm xuống còn 2,95%.
Toàn huyện đã có 19/19 xã đạt chuẩn nông thôn mới (đạt tỷ lệ 100%), 3/19 xã đạt xã đạt chuẩn NTM nâng cao, đạt tỷ lệ 15,79%, 128/133 thôn đạt chuẩn NTM, đạt tỷ lệ 96,24%, 16 thôn đạt chuẩn NTM kiểu mẫu, đạt tỷ lệ 12%; thị trấn Hà Trung đạt chuẩn đô thị văn minh; huyện Hà Trung đạt 9/9 tiêu chí cấp huyện thuộc bộ tiêu chí NTM.
Thời gian tới, Hà Trung bám sát vào điều chỉnh quy hoạch sử dụng đất giai đoạn 2021-2030 và kế hoạch dụng đất hàng năm cho phát triển công nghiệp, sản xuất kinh doanh tại các khu vực đã quy hoạch. Từ đó tiếp tục thu hút các đầu tư trong nước và nước ngoài đến đầu tư tại Hà Trung.
Để phát huy lợi thế thuận lợi về giao thông trên Quốc lộ 1A, Quốc lộ 217, 217B, các tuyến tỉnh lộ và các nút giao lên xuống của đường cao tốc Bắc-Nam, huyện đã xây dựng và đang thực hiện 5 quy hoạch đô thị nhằm tạo ra không gian phát triển, khai thác triệt để lợi thế về giao thông và nguồn lực đất đai, lao động cho phát triển KT-XH.
Hỗ trợ giải quyết các thủ tục hành chính thông thoáng, nhanh gọn cho các nhà đầu tư nước ngoài đến tìm hiểu, đầu tư, trong đó ưu tiên thu hút đầu từ các DN có công nghệ sạch, trình độ tay nghề cao và công nghệ hiện đại. Tiếp tục huy động đầu tư hoàn thiện, nâng cao chất lượng các tiêu chí thôn nông thôn mới, NTM nâng cao, NTM kiểu mẫu và xây dựng hoàn thành các tiêu chí huyện NTM.
1 xã có 100 hộ gia đình hiến đất mở đường xây dựng nông thôn mới
Chia sẻ với PLO, ông Nguyễn Thành Đô, Chủ tịch UBND xã Hà Bình (Hà Trung) cho biết để về đích NTM kiểu mẫu xã Hà Bình có khoảng hơn 100 hộ gia đình hiến đất mở đường xây dựng NTM với 2.638 như dỡ tường rào, mái che để mở rộng đường giao thông liên thôn.
Trong quá trình xây dựng NTM, cụm công nghiệp của địa phương đã giải quyết công ăn việc làm cho khoảng 10 ngàn lao động của địa phương. Đó có thể khẳng định đó là cuộc đổi ngôi từ chỗ làm ruộng không đủ ăn trở thành công nhân trong nhà máy xí nghiệp.
Thu nhập bình quân đầu người toàn xã năm 2023 đạt 60,8 triệu đồng, tỷ lệ hộ nghèo giảm còn 3,45% không có hộ cận nghèo. Hệ thống trường học, y tế, giáo dục đã thay đổi cả về quy mô lẫn chất lượng. Có thể khẳng định, xây dựng NTM đã làm thay đổi cả vùng quê nghèo xã Hà Bình.