Hành vi trục lợi các chuyến bay giải cứu cần bị lên án, trừng trị

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam

Tại cuộc họp báo Bộ Ngoại giao ngày 20-1, phóng viên đặt câu hỏi về những thông tin trên báo chí gần đây, phản ánh người Việt về nước theo các chuyến bay giải cứu phải trả số tiền lớn, thủ tục khó khăn và nghi vấn có trục lợi từ các chuyến bay giải cứu, quan điểm của Bộ Ngoại giao thế nào?

Trả lời câu hỏi trên, người Phát ngôn Bộ Ngoại giao Việt Nam Lê Thị Thu Hằng, khẳng định: Chủ trương đưa công dân Việt Nam ở nước ngoài có nhu cầu và hoàn cảnh khó khăn về nước là chủ trương đúng đắn và nhân đạo của Đảng và Chính phủ Việt Nam. Điều này cần đặt trong bối cảnh trong nước có những thời điểm hết sức khó khăn do diễn biến phức tạp của dịch bệnh.

Người phát ngôn Lê Thị Thu Hằng. Ảnh: BNG

Trong quá trình triển khai đưa công dân về nước, Bộ Ngoại giao và các cơ quan đại diện luôn phối hợp chặt chẽ với các cơ quan liên quan tạo điều kiện thuận lợi nhất cho công dân có nhu cầu về nước, đăng tải công khai minh bạch thông tin về các điều kiện hồ sơ, thủ tục đăng ký trên website chính thức và mạng xã hội.

Bà Lê Thị Thu Hằng cho biết: Để tránh công dân bị lừa đảo, bị lợi dụng chiếm đoạt tài sản, Bộ Ngoại giao đã khuyến cáo công dân không liên hệ với những cá nhân, tổ chức, các trang thông tin không rõ danh tính, không chính thống, không làm việc qua bất cứ hình thức môi giới trung gian nào.

"Quan điểm của chúng tôi rất rõ ràng: Những hành vi trục lợi tiêu cực, thay đổi tính chất nhân đạo của các chuyến bay giải cứu cần bị lên án trừng trị nghiêm khắc theo quy định của pháp luật" - Người Phát ngôn Bộ Ngoại giao khẳng định.

Trong suốt gần hai năm qua, thực hiện chỉ đạo trực tiếp của Chính phủ, các bộ ngành địa phương của Việt Nam đã phối hợp, hỗ trợ các hãng hàng không trong và ngoài nước thực hiện hơn 800 chuyến bay đưa 200.000 công dân từ hơn 60 quốc gia và vùng lãnh thổ về nước an toàn.

Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Lê Thị Thu Hằng cũng thông tin: Ngay từ khi dịch bệnh bùng phát, thực hiện chỉ đạo của Chính phủ, với phương châm lấy người dân làm trung tâm, không ai bị bỏ lại phía sau, Bộ Ngoại giao đã phối hợp với các hãng hàng không, các cơ quan đại diện của Việt Nam ở nước ngoài, các cơ quan ở sở tại tổ chức 800 chuyến bay, đưa gần 200.000 công dân có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn có nhu cầu về nước, từ hơn 60 quốc gia/vùng lãnh thổ.

Theo bà Hằng, nhằm góp phần khôi phục phát triển xã hội, tăng cường hội nhập quốc tế trong điều kiện mới, tạo điều kiện thuận lợi cho giao thương, đặc biệt đáp ứng nhu cầu đồng bào về quê đón Tết,… Bộ Ngoại giao Việt Nam sẽ tiếp tục phối hợp với các địa phương, hãng hàng không,… tổ chức các chuyến bay đưa người dân về nước theo nguyện vọng của công dân.

Từ ngày 1-1-2022, Việt Nam đã nối lại các chuyến bay thương mại thường lệ với tám quốc gia và vùng lãnh thổ.

Cục hàng không đang đàm phán trao đổi với các đối tác để mở lại đường bay tiếp theo tới Australia và khu vực châu Âu, hỗ trợ người Việt Nam định cư ở nước ngoài chuẩn bị kế hoạch về nước một cách thuận tiện nhất.

Chuyến bay đưa công dân Việt Nam từ Ấn Độ về nước. Ảnh: ĐSQ.

Mới nhất, ngày 18-1-2022, trên cơ sở ý kiến của Bộ Ngoại giao, Bộ Công An, Chính phủ đồng ý với việc người Việt Nam định cư ở nước ngoài cùng thân nhân mang giấy tờ nhập cảnh hợp lệ (thẻ thường trú, thẻ tạm trú, thị thực, giấy miễn thị thực còn giá trị) được nhập cảnh Việt Nam theo quy định tại Luật Nhập cảnh, xuất cảnh, quá cảnh, cư trú của người nước ngoài tại Việt Nam và Nghị định 82/2015.

Theo đó công dân không phải làm lại thủ tục kiểm tra nhân sự, cấp thị thực/giấy miễn thị thực, không cần xin phê duyệt chủ trương nhập cảnh của bộ, ngành, địa phương.

Đối với người nước ngoài chưa có thị thực: UBND cấp tỉnh tiếp tục xem xét phê duyệt tạo điều kiện thuận lợi cho các trường hợp nhập cảnh để làm việc, dự hội nghị, hội thảo, học tập, nhân đạo... trên địa bàn tỉnh; các Bộ, ngành, cơ quan thuộc Trung ương chủ động quyết định việc mời, đón và chịu trách nhiệm quản lý người nước ngoài làm việc với cơ quan mình.

Trước và sau khi nhập cảnh, phải tuân thủ các hướng dẫn của Bộ Y tế bao gồm các yêu cầu về xét nghiệm, tiêm chủng khai báo y tế và theo dõi sức khoẻ…

Người phát ngôn cho biết: “Đây là chủ trương đúng đắn, tạo điều kiện để người Việt Nam ở nước ngoài có thể trở về nước”.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm