Tối 16-9, tại Hcafe (59 Tú Xương, quận 3, TP.HCM) đã diễn ra đêm nhạc Tình ca nhạc ngoại - Một nửa đó là tôi do Trung tâm Hỗ trợ người khuyết tật (NKT) DRD tổ chức. Đây là đêm nhạc thứ bảy được tổ chức trong năm nay nhằm hỗ trợ cho việc vận hành quỹ dịch vụ xe ba bánh cho NKT, góp thêm cơ hội để NKT vượt qua rào cản môi trường để tiếp cận với giáo dục, việc làm, y tế và tham gia các hoạt động, nâng cao năng lực bản thân và cống hiến cho xã hội.
Vì “một nửa đó là tôi”...
Mỗi một số là một chủ đề âm nhạc khác nhau với những giọng ca như Túy Hà Rose, Bạch Lan, Huyên Chí Bình - quán quân Tiếng hát mãi xanh năm 2014, Tuyết Trinh, Quỳnh Như, Phụng Khánh, Anh Quân...
Ban đầu chương trình chỉ đơn thuần là một buổi ca hát giữa những NKT với nhau để cùng ủng hộ quỹ. Họ đến với nhau bởi sự đồng cảm, tìm thấy được niềm vui và hạnh phúc qua những lời hát. “Đó là thời gian đầu khi tôi biết đến chương trình ca nhạc này qua một vài hoạt động của DRD. Lúc đó, không gian biểu diễn còn nhỏ lắm, ở góc đường Hòa Hưng, quận 10. Mọi người còn ngồi trên mấy chiếc ghế nhựa nhỏ...” - chị Đồng Lê Quỳnh Hương, người hiện tại chịu trách nhiệm chính của chương trình, nhớ lại.
Hình ảnh những con người ngồi trên xe lăn cất tiếng hát, đầy nội lực và khát khao sống trong những lần gặp sau đó đã thôi thúc chị Quỳnh Hương quyết tâm làm gì đó cho NKT. Chị bắt tay vào việc thiết kế lại chương trình, tạo một sân chơi thoải mái hơn cho mọi người, chỉ với hy vọng NKT có được sân chơi như bao người khác. Dần dần chương trình thu hút được nhiều người cùng tham gia. Mọi người cùng đến để đồng cảm và chia sẻ với nhau. Không chỉ NKT mà nhiều giọng ca khác khi biết đến cũng đã cùng tham gia, họ cất tiếng hát ca để cùng gắn kết mọi người lại với nhau... Số tiền bán vé sẽ được góp vào quỹ hỗ trợ xe ba bánh cho NKT.
Ca sĩ Tuyết Trinh là một người khuyết tật cất tiếng hát trong đêm nhạc. Ảnh: THANH TUYỀN
Dù bận rộn và trời mưa nhưng giọng ca Huyên Chí Bình - quán quân Tiếng hát mãi xanh năm 2014 vẫn ghé qua để hát cùng mọi người. “Tôi không có gì nhiều để góp cho mọi người thì thôi cất tiếng hát, cùng hát và cùng quây quần với nhau như vậy ấm cúng lắm. Đặc biệt là còn góp sức mình vào quỹ hỗ trợ xe ba bánh cho NKT, điều này là ý nghĩa nhất rồi” - anh nói.
Còn GS-TS Nguyễn Đăng Hưng, GS danh dự ĐH Liège Bỉ, nguyên Chủ nhiệm các chương trình cao học Bỉ-Việt tại ĐH Bách khoa Sài Gòn và Hà Nội (1995-2007), thì rất hồ hởi, tự đàn guitar rồi hát bản nhạc Pháp như cách để ông chia sẻ, trải lòng với NKT. Ban đầu GS chỉ là một khán giả đặt vé nghe nhạc của chương trình và sau đó đã ngỏ lời tặng cho chương trình một bài nhạc Pháp do chính ông phổ lời Việt. “Phải nói là vui, tôi rất vui khi được góp tiếng hát của mình vào chương trình ý nghĩa như thế này”- GS-TS Nguyễn Đăng Hưng nói.
“Hát để thấy mình tàn nhưng không phế...”
Đêm nhạc không quá đông đúc, náo nhiệt nhưng thật ấm cúng. Người ngồi nghe là những con người bình thường, họ say sưa trong những giai điệu mà NKT thể hiện, da diết và đẹp như chính họ...
Từ khi bắt đầu triển khai dịch vụ hỗ trợ xe ba bánh từ tháng 7-2013, Trung tâm Hỗ trợ NKT DRD đã giúp gần 500 NKT với 38.000 lượt sử dụng. Số tiền ủng hộ cho quỹ trải qua ba đợt trong năm nay là 16,7 triệu đồng. |
Trong đêm nhạc vừa rồi, cô Tuyết Trinh, người được mệnh danh là “người đàn bà hát”, kết thúc hai bản nhạc Pháp lời Việt trong tiếng vỗ tay của mọi người. Cô đã đến tham gia trình diễn rất nhiều đêm nhạc do DRD tổ chức. “Tôi không thể đi lại được nhưng vẫn có thể cất tiếng hát. Hát để thấy mình tàn nhưng không phế. Hát để thấy mình được trân trọng, được thể hiện mình trong một sân chơi không có rào cản, đem tiếng hát của mình để giúp ích cho đời. Tôi hy vọng khi nhìn thấy hình ảnh của tôi trên sân khấu, các bạn khuyết tật khác sẽ không phải tự ti mà hãy cứ thỏa sức thể hiện mình nhiều hơn. Hãy cố gắng để vươn lên trong cuộc sống” - cô Tuyết Trinh tâm tình.
Chị Quỳnh Hương hồi tưởng lại những đêm đầu tiên tổ chức đêm nhạc: “Có cô hát xong đã khóc ngay khi vừa rời khỏi sân khấu vì quá xúc động khi được hát, được thể hiện chính con người mình ngay trước mọi người. Có người đến nghe xong thì nói cảm ơn vì những gì mà đêm nhạc đã mang lại...”.
Dù tàn nhưng chưa hẳn đã phế, đó mãi mãi là hình ảnh đẹp của những con người kém may mắn, phải chịu một phần khuyết tật trên cơ thể mình. Và họ cứ cất tiếng hát của mình, cùng say sưa, lắc lư theo nhịp điệu bài hát.
Muốn sinh viên, trẻ em cùng tham gia Chị Đồng Lê Quỳnh Hương, người tổ chức chính cho các đêm nhạc, chia sẻ trong thời gian sắp tới chị kỳ vọng sẽ đưa đêm nhạc vào các trường đại học để sinh viên có thể cùng tham gia. Chị cũng hy vọng nhiều trẻ em cũng sẽ đến để hát trong chương trình của mình. “Thông qua việc cùng tham gia vào đêm nhạc, tôi mong muốn các bạn sinh viên và trẻ em cùng hòa mình vào nghệ thuật để hiểu thêm về đời sống của người khuyết tật một cách đúng đắn và đầy đủ, để gắn kết mọi người lại với nhau” - chị Quỳnh Hương nói. |