Ông Qassem Soleimani, người đứng đầu lực lượng đặc nhiệm Quds thuộc Quân đoàn Vệ binh Cách mạng Hồi giáo Iran (IRGC) bị giết chết trong cuộc không kích của Mỹ sáng 3-1 khi ông vừa ra khỏi sân bay quốc tế Baghdad (Iraq).
Thủ tướng Israel biết trước kế hoạch của Mỹ
Những mật báo viên ở Damascus đã báo tin cho Cơ quan Tình báo Trung ương Mỹ (CIA) về việc ông Soleimani sẽ bắt chuyến bay nào và tình báo Israel đã xác minh thông tin đó, kênh NCB News và hãng Reuters cho biết ngày 12-1.
Thủ tướng Israel Benjamin Netanyahu. Ảnh: REUTERS
Thủ tướng Israel Benjamin Netanyahu được cho là lãnh đạo nước ngoài duy nhất biết về kế hoạch ám sát ông Soleimani của Mỹ. Ông Netanyahu đã nói chuyện với Ngoại trưởng Mỹ Mike Pompeo trước đó, theo báo The New York Times.
Một quan chức không được nêu tên nói với hãng Reuters rằng các nhà điều tra Iraq tin rằng kế hoạch của Mỹ được hỗ trợ bởi các quan chức an ninh tại sân bay Baghdad và hai nhân viên của hãng bay Cham Wings (Iran). Đây là hãng bay mà ông Soleimani dùng để di chuyển tới Iraq.
Một trong hai nhân viên của Cham Wings là gián điệp tại sân bay Damascus và người còn lại làm việc trên khoang máy bay, nguồn tin của Reuters nói.
Theo lời nguồn tin, các nhà điều tra Iraq tin rằng bốn mật báo viên nằm trong diện tình nghi đang làm việc cho một tổ chức lớn hơn và cung cấp thông tin cho quân đội Mỹ. Bốn nghi phạm này chưa bị bắt.
Nhiều quan chức quân sự Mỹ đồn trú trên khắp thế giới đã theo dõi cuộc không kích đoàn xe ông Soleimani thông qua một video hồng ngoại trắng đen được phát trực tiếp.
Giám đốc CIA Gina Haspel đã theo dõi trận không kích từ trụ sở CIA ở Langley, bang Virginia (Mỹ), trong khi Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Mark Esper theo dõi từ một địa điểm bí mật khác. Còn các quan chức khác theo dõi từ Nhà Trắng.
Hiện chưa rõ liệu Tổng thống Donald Trump có theo dõi vụ ám sát tướng Iran khi ông đang ở khu nghỉ dưỡng Mar-a-Lago của mình tại bang Florida hay không.
Video cho thấy ông Soleimani và ông Abu Mahdi al-Muhandis, Phó chỉ huy Lực lượng Huy động Dân dân (PMF) được Iran hậu thuẫn đã lên một chiếc xe hơi và rời khỏi sân bay Baghdad, trong khi đoàn tùy tùng đi trên một xe khác. Ông Muhandis là người ra đón ông Soleimani tại sân bay Baghdad.
Thiếu tướng Qassem Soleimani - chỉ huy đặc nhiệm Quds thuộc IRGC bị giết chết sáng 3-1. Ảnh: GETTY
Trong lúc đó, ba máy bay không người lái của Mỹ với mỗi chiếc trang bị bốn tên lửa Hellfire đã theo dõi đoàn xe. Còn các chuyên gia tình báo điều hành chiến dịch từ Bộ chỉ huy trung ương Mỹ (CENTCOM) ở Qatar đã sử dụng các dữ liệu điện thoại di động để xác định trong xe là những ai.
Ngay sau khi xác nhận chắc chắn mục tiêu, máy bay không người lái của Mỹ đã nã tên lửa vào đoàn xe, giết chết toàn bộ người trong xe.
Thủ tướng Israel Netanyahu đã ra tuyên bố về vụ tấn công vào ngày hôm sau, tức 4-1, nói rằng Mỹ có quyền tự vệ khi giết ông Soleimani.
“Giống như Israel có quyền tự vệ thì Mỹ hoàn toàn có quyền tương tự” - ông Netanyahu nói.
“Qassem Soleimani chịu trách nhiệm cho cái chết của các công dân Mỹ và nhiều người vô tội khác. Ông ta đang tiếp tục lên kế hoạch những cuộc tấn công như vậy” - Thủ tướng Israel nói trong tuyên bố.
Trước khi lên chuyến bay trở về Israel từ Hy Lạp, ông Netanyahu nói với báo giới; “Tổng thống Trump đáng được tôn vinh vì đã hành động nhanh chóng, mạnh mẽ và quyết liệt. Israel sát cánh với Mỹ trong cuộc đấu tranh vì hòa bình, an ninh và tự vệ” - ông Netanyahu nói.
Trong một bài tường thuật chuyên sâu về cuộc không kích của Mỹ nhằm vào ông Soleimani, tờ New York Times ngày 11-7 cho hay ông Netanyahu đã biết trước kế hoạch giết tướng Iran của Mỹ.
Viết trên Twitter ngày 4-1, Ngoại trưởng Mỹ Pompeo đã xác nhận rằng ông đã nói chuyện với ông Netanyahu về Iran sau cuộc không kích giết ông Soleimani của Mỹ.
“Tôi vừa nói chuyện với Thủ tướng Israel Netanyahu và đã nhấn mạnh tầm quan trọng của việc chống lại ảnh hưởng và mối đe dọa nham hiểm của Iran đối với khu vực. Tôi luôn biết ơn sự ủng hộ kiên định của Israel trong việc đánh bại chủ nghĩa khủng bố. Sự gắn kết giữa Israel và Mỹ là không thể phá vỡ được” - ông Pompeo viết.
Các quan chức Israel đã tìm cách tránh xa cuộc xung đột giữa Mỹ và Iran vài ngày sau đó, giữa lúc lo ngại về sự trả đũa của Iran đối với vụ ám sát ông Soleimani.
“Có sự căng thẳng giữa Iran và Mỹ và chúng tôi không liên can, vì vậy tôi không muốn liên quan đến nó” - Bộ trưởng năng lượng Israel Yuval Steinitz, một trong những người thân cận nhất của ông Netanyahu nói ngày 7-1.
“Chúng tôi đứng bên lề và quan sát các sự kiện” - ông nói thêm.
Chiến dịch giết ông Soleimani kéo dài nhiều năm
Theo hãng thông tấn Tasnim của Iran, Israel và phương Tây đã nỗ lực ám sát ông Soleimani hồi tháng 9-2019 song thất bại.
Trong một cuộc phỏng vấn trên truyền hình hồi tháng 10, người đứng đầu bộ phận tình báo của IRGC Hossein Ta'eb tiết lộ ba nghi phạm đã bị bắt trong âm mưu giết ông Soleimani tại một lễ tưởng niệm trong tháng Muharram của người Hồi giáo.
Một chiếc xe trong đoàn tùy tùng của ông Soleimani bị thiêu rụi trong cuộc không kích. Ảnh: Daily Mail
Nếu những tuyên bố của ông Ta'eb là thật, điều đó có thể cho thấy chiến dịch ám sát ông Soleimani lần này là một phần trong chiến dịch kéo dài nhiều năm của Israel và phương Tây để giết ông Soleimani.
Chính quyền Tổng thống Trump khẳng định rằng vụ không kích ông Soleimani được thúc đẩy bởi “mối đe dọa sắp xảy ra” nhằm vào bốn Đại sứ quán Mỹ, song từ chối đưa ra bằng chứng.
Tuy nhiên, Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Mark Esper ngày 12-1 cho hay ông không nhìn thấy bằng chứng cụ thể nào từ các quan chức tình báo cho thấy Iran đang lên kế hoạch tấn công các Đại sứ quán Mỹ.