Lầu Năm Góc đã bí mật bàn cách tấn công Tướng Qassem Soleimani của Iran trong cả 18 tháng trước khi ra quyết định không kích.
Ông Soleimani, 62 tuổi là Chỉ huy lực lượng đặc nhiệm Quds thuộc Quân đoàn Vệ binh Cách mạng Hồi giáo Iran (IRGC). Nhân vật này là người đứng sau các cuộc chiến tranh ủy nhiệm của Iran ở Iraq, Syria, Lebanon và Yemen.
Tướng Soleimani nằm trong danh sách mục tiêu của Mỹ
Khi căng thẳng leo thang giữa Mỹ và Iran, Mỹ đã lên một danh sách các mục tiêu Iran mà Mỹ sẽ tấn công, nếu Iran tấn công Mỹ. Trong các mục tiêu này có Tướng Soleimani.
Sau khi căn cứ quân sự K1 của Mỹ ở Kirkuk (Iraq) bị tấn công hôm 27-12 làm một thầu quân sự thiệt mạng và sau khi Đại sứ quán Mỹ tại Iraq bị những người biểu tình thân Iran tấn công ngày 31-12, Washington quyết định hành động.
Tổng thống Mỹ Donald Trump (trái) và Tướng Qassem Soleimani của Iran. Ảnh: GETTY
Trong nội bộ các quan chức quốc phòng Mỹ lưu hành một bản ghi nhớ tuyệt mật liệt kê những mục tiêu Iran tiềm năng do Cố vấn An ninh quốc gia Mỹ Robert C. O'Brien ký. Trong bản ghi nhớ, phương án đáp trả khiêu khích nhất là giết chết các quan chức Iran.
Danh sách mục tiêu Iran có tên Tướng Soleimani và ông Abdul Reza Shahlai - chỉ huy của Iran ở Yemen, người hỗ trợ tài chính cho các nhóm vũ trang trong khu vực. Các lựa chọn đáp trả ít cực đoan hơn là tấn công một cơ sở năng lượng của Iran và một tàu chỉ huy và kiểm soát của IRGC - từng được sử dụng để chỉ đạo các tàu nhỏ quấy rối các tàu chở dầu tại những vùng biển quanh Iran.
18 tháng theo dõi nhất cử nhất động
Tính tới thời điểm hành động, Mỹ đã có 18 tháng theo dõi nhất cử nhất động của Tướng Soleimani - nhân vật quyền lực thứ hai ở Iran. Các hoạt động giám sát vị tướng “trong bóng đêm” này được đẩy mạnh từ tháng 5-2019, cao điểm căng thẳng Mỹ-Iran.
Vào thời điểm căng thẳng với Iran dâng cao sau các cuộc tấn công vào bốn tàu chở dầu, Cố vấn An ninh quốc gia Mỹ John Bolton đã yêu cầu quân đội và các cơ quan tình báo Mỹ đưa ra những phương án mới để chấm dứt sự gây hấn của Iran. Ông Bolton đã được trình lên kế hoạch giết chết ông Soleimani và các nhà lãnh đạo của IRGC.
Người Iran cầm băng rôn in hình ông Soleimani trong cuộc biểu tình ở Tehran ngày 3-1, phản đối việc Mỹ giết hại ông này. Ảnh: AFP
Đến tháng 9-2019, Bộ chỉ huy Trung ương Mỹ (CENTCOM) và Bộ chỉ huy đặc nhiệm liên quân (JSOC) của Mỹ bắt tay lên kế hoạch về một chiến dịch chống ông Soleimani và tranh luận về việc tấn công vị tướng Iran ở Syria hay Iraq.
Cài cắm điệp viên khắp nơi
Các đặc vụ được tuyển ở Syria và Iraq có nhiệm vụ báo cáo hành tung của ông Soleimani. Các quan chức Mỹ đã thảo luận trong nhiều tháng về việc tấn công ông Soleimani. Họ nhận định rằng tấn công ông Soleimani ở Iran thì quá mạo hiểm nên bàn tấn công ông ở Syria hoặc Iraq.
Mỹ đã cài cắm điệp viên ở nhiều nơi, gồm: Quân đội Syria, lực lượng Quds ở Damascus, phong trào kháng chiến Hezbollah ở Damascus, sân bay Damascus (Syria), sân bay Baghdad (Iraq), nhóm Kataib Hezbollah thân Iran (Iraq) và Lực lượng Huy động Nhân dân (PMF) ở Iraq để báo cáo về nhất cử nhất động của ông Soleimani.
Hồ sơ giám sát cho thấy ông Soleimani đã bay trên máy bay của nhiều hãng hàng không và thường mua rất nhiều vé cho một chuyến đi. Mục đích là để “cắt đuôi” những người có thể đang theo dõi ông.
Ông Soleimani thường lên máy bay vào lúc cuối cùng và ngồi ở hàng ghế đầu của hạng thương gia để khi máy bay đến nơi, ông là người đầu tiên rời khỏi máy bay, theo các nguồn tin của The New York Times.
Vào đêm giao thừa 31-12, ông đã bay tới Damascus và ngồi lên một xe ô tô chở tới Lebanon để gặp nhà lãnh đạo Hezbollah Hassan Nasrallah.
Ông Nasrallah cảnh báo với ông rằng truyền thông Mỹ đang chú ý nhiều hơn đến ông và còn đăng cả hình ảnh ông nữa. Ông Nasrallah nói: “Đây là sự chuẩn bị chính trị để ám sát ông ấy”.
Theo lời ông Nasrallah, ông Soleimani đã cười và nói rằng ông hy vọng được tử vì đạo và nhờ ông Nasrallah cầu nguyện nếu điều đó xảy ra.
Cũng trong ngày hôm đó, tại trụ sở của Cơ quan Tình báo Trung ương Mỹ (CIA) ở Langley, bang Virginia (Mỹ), các quan chức đồng loạt lên tiếng rằng ông Soleimani đang huy động và tổ chức các lực lượng ủy nhiệm ở Lebanon, Yemen và Iraq để tấn công các đại sứ quán Mỹ và căn cứ Mỹ.
Dẫu không có bằng chứng cụ thể về mối đe dọa sắp xảy ra nhưng các phát ngôn của các quan chức CIA phần nào gây lo ngại cho Mỹ.
Các quan chức CIA còn xác định rằng hậu quả của việc không hạ sát ông Soleimani sẽ còn lớn hơn việc cứ chờ đợi mà không làm gì.
Hành động quyết liệt
Tổng thống Mỹ Donald Trump đã tán thành phương án tấn công ông Soleimani và đã có một thỏa thuận chung giữa các cố vấn cấp cao của ông. Tuy nhiên, một số quan chức Lầu Năm Góc vẫn choáng váng khi biết Tổng thống Trump đã chọn phương án cực đoan nhất.
Chiếc xe chở ông Soleimani bốc cháy sau vụ không kích của Mỹ. Ảnh: Fox News
Cuối cùng, lực lượng Mỹ đã tấn công ông Soleimani vào sáng 3-1 sau khi ông rời khỏi chuyến bay mang số hiệu 6Q501 của hãng Cham Wings (Iran) cất cánh từ Damascus và đáp xuống Baghdad.
Máy bay hạ cánh lúc 0 giờ 36 ngày 3-1 (giờ địa phương). Đón ông tại sân bay là ông Abu Mahdi al-Muhandis, Phó chỉ huy PMF - nhóm lực lượng dân quân ở Iraq có liên hệ với Iran. Ông Soleimani, ông Muhandis và đoàn tùy tùng đi trên hai chiếc xe rời khỏi sân bay Baghdad.
Vào lúc 0 giờ 47, một số tên lửa được phóng từ máy bay không người lái MQ-9 của Mỹ đánh trúng đoàn xe, khiến chúng bốc cháy và 10 người thiệt mạng gồm ông Soleimani, ông Muhandis và các trợ lý của họ.
Hiện chưa rõ vì sao ông Soleimani đến Iraq. Một số giả thuyết cho hay ông ở Iraq để chuẩn bị cho một kế hoạch tấn công. Một số ý khiến khác nói rằng ông Soleimani ở đó nhằm xoa dịu căng thẳng giữa Iran và Saudi Arabia.