Theo trang Business Insider, Ukraine sử dụng hệ thống phòng không MIM-23 Hawk do Mỹ sản xuất bắn hạ thành công tên lửa hành trình của Nga. Điều đáng chú ý là hệ thống phòng không này đã được Mỹ cho về hưu cách đây hơn 20 năm.
Hệ thống phòng thủ tên lửa đất đối không tầm trung MIM-23 Hawk được triển khai lần đầu tiên vào những năm 1960, và từ lâu bị coi là đã lỗi thời. Hiện nay, các quân đội trên thế giới ưu chuộng sử dụng hệ thống có tính di động hơn. Tuy nhiên, vũ khí lỗi thời này đã tìm thấy sức sống mới tại Ukraine, chứng tỏ chúng vẫn là vũ khí hữu hiệu sau ngần ấy năm.
Một binh lính Ukraine vận hành hệ thống phòng không Hawk nói rằng dù đây không phải là vũ khí mới nhưng khi được những bàn tay lành nghề sử dụng thì nó phát huy hiệu quả.
Người lính này – có tên Oleksandr - đã có hơn 20 lần hạ gục vũ khí Nga, trong đó có tên lửa hành trình Kh-59 và máy bay tấn công không người lái Shahed do Iran sản xuất.
Trong một cuộc phỏng vấn được đăng trên ứng dụng tin nhắn Telegram của không quân Ukraine, binh sĩ Oleksandr cho hay UAV Shahed là vũ khí khó chịu nhất, vì chúng bay rất chậm nên rất mệt mỏi khi phải chiến đấu với UAV này trong một thời gian dài.
“Đối phó tên lửa dễ dàng hơn nhiều, ngay cả khi chúng nhắm vào bạn. Có một chút khó chịu khi 3 tên lửa Kh-59 liên tục thay đổi độ cao, bay thẳng vào chúng tôi. Nhưng tất cả mục tiêu đã bị vô hiệu hóa và bị phá hủy từng mục tiêu một” – binh sĩ Oleksandr nói.
“Bí kíp chính không nằm ở loại vũ khí chúng tôi vận hành, mà nằm ở sự phối hợp và đồng bộ của đơn vị. Chúng tôi hoàn toàn hiểu được các rủi ro và hậu quả nếu chúng tôi không lắng nghe hoặc phớt lờ nhau” – người này cho biết thêm.
Hệ thống phòng không MIM-23 Hawk được triển khai trên toàn thế giới trong 4 thập niên phục vụ trong quân đội Mỹ và đã được đưa tham chiến ở Trung Đông. Tuy nhiên, đến thập niên 1990, khi Chiến tranh Lạnh kết thúc, mối đe dọa trên không với lực lượng Mỹ đã thay đổi, và hệ thống Hawk đã được cho về hưu và được thay thế bằng các hệ thống bay tầm thấp hơn như FIM-92 Stinger và Avenger.
Dù Mỹ không còn sử dụng hệ thống Hawk, nhưng một số quốc gia vẫn vận hành hệ thống này và nhiều biến thế khác nhau, trong đó có Tây Ban Nha. Tây Ban Nha đã cung cấp nhiều hệ thống phòng không Hawk cho Ukraine vào tháng 10-2022.
Kể từ đó, chính quyền Tổng thống Mỹ Joe Biden thông báo tài trợ hệ thống Hawk và đạn dược với số lượng không xác định cho Ukraine.
Các quan chức Ukraine thường xuyên hối thúc Mỹ và các đồng minh Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) giúp tăng cường khả năng phòng không để chống lại mối đe dọa Nga. Dù hệ thống Hawk đã lỗi thời nhưng vũ khí này vẫn giúp bít những lỗ hổng quan trọng trên bầu trời.
Hawk không phải là vũ khí duy nhất - có từ thập niên 1960 và dường như đã lỗi thời - tìm thấy thành công tại Ukraine. Pháo Gepard do Đức sản xuất cũng được chứng minh rất hiệu quả trong việc bắn hạ UAV tầm thấp và tên lửa hành trình của Nga.