Hoàn thiện pháp luật để chống tham nhũng

Tại hội nghị chuyên đề “Đánh giá thực trạng tình hình và những giải pháp nâng cao hiệu quả công tác phát hiện, xử lý tội phạm tham nhũng tại TP.HCM” do VKSND TP.HCM tổ chức ngày 5-11, nhiều đại biểu kiến nghị cần bổ sung và hoàn thiện hệ thống pháp luật có liên quan đến tội phạm về tham nhũng để tạo điều kiện cho công tác điều tra, truy tố và xét xử hiệu quả hơn.

Phát hiện chưa đến 1/10?

Số liệu thống kê trong báo cáo của VKSND TP.HCM cho biết năm 2007, TP khởi tố 19 vụ tham nhũng, năm 2008 khởi tố 17 vụ, năm 2009 khởi tố 19 vụ và chín tháng đầu năm 2010 khởi tố 14 vụ. Báo cáo này cũng nhận xét số liệu trên phản ánh tình hình tội phạm tham nhũng hằng năm tăng giảm thất thường và có diễn biến phức tạp nhưng cũng cho thấy không phản ánh đúng thực trạng tham nhũng đang xảy ra.

TS Lê Thành Dương, Viện trưởng Viện Phúc thẩm VKSND Tối cao tại TP.HCM, cho hay tuy chưa thống nhất nhưng theo đánh giá của một số chuyên gia thì con số các vụ phát hiện và xử lý của ta hiện nay chiếm chừng 7%-10% thực tiễn đang diễn ra. Lý giải nguyên nhân, ông Dương cho rằng trên thực tế chủ thể tham nhũng hết sức đặc biệt vì họ có chức vụ, quyền hạn, khi thực hiện hành vi phạm tội rất tinh vi. Tội phạm tham nhũng còn có sự câu kết, thậm chí được sự bao che, dung túng nên việc phát hiện và điều tra tham nhũng là rất khó khăn. “Việc điều tra, truy tố, xét xử trong thời gian qua cũng chưa đảm bảo tính khách quan, còn bỏ lọt người, lọt tội hoặc chưa nghiêm, chưa công bằng. Do đó gây bất ổn trong dư luận, làm giảm lòng tin của người dân đối với cơ quan bảo vệ pháp luật” - TS Dương thẳng thắn.

Hoàn thiện pháp luật để chống tham nhũng ảnh 1

Phiên tòa xét xử vụ án tham nhũng đất đai ở huyện Hóc Môn, TP.HCM. Ảnh: HTD

Quan điểm trái ngược nhau

Cũng theo ông Dương, sự đồng thuận của các cơ quan điều tra, truy tố và xét xử chưa cao khi xử lý các vụ án tham nhũng. Phó Chánh tòa Hình sự TAND TP.HCM Vũ Phi Long phân tích: Có vụ khi khởi tố điều tra, truy tố về tội tham ô tài sản nhưng đến khi xét xử thì chuyển tội danh qua tội khác, không thuộc nhóm tham nhũng. Cũng có vụ tòa án trả hồ sơ để điều tra bổ sung nhằm truy cứu về tội tham nhũng nhưng cơ quan điều tra và VKS vẫn giữ nguyên quan điểm truy tố về tội chiếm đoạt tài sản thông thường…

Trong báo cáo của VKSND TP cũng chỉ rõ do văn bản hướng dẫn pháp luật chưa đầy đủ hoặc quy định không rõ ràng dẫn đến quan điểm giữa cơ quan điều tra, VKS và tòa án đôi khi trái ngược nhau về đánh giá chứng cứ, xác định tội danh, xác định khung hình phạt. Cụ thể như chưa có hướng dẫn về cách tính tài sản nhà nước bị thiệt hại đối với một số tội danh như lợi dụng chức vụ, quyền hạn trong khi thi hành công vụ, lạm quyền trong khi thi hành công vụ để có cơ sở xác định chính xác dấu hiệu định tội, định khung, trách nhiệm bồi thường thiệt hại của người phạm tội. Cạnh đó, dấu hiệu định tội của một số tội danh gần giống nhau, rất khó áp dụng như tội lợi dụng chức vụ, quyền hạn trong khi thi hành công vụ, tội lạm quyền trong khi thi hành công vụ, tội thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng, tội cố ý làm trái quy định của nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng…

Thoát tội nhận hối lộ

Đó là diễn biến trong vụ án tham nhũng xảy ra tại Ngân hàng Đầu tư và Phát triển VN (BIDV) Chi nhánh Hải Phòng. Ban đầu cơ quan điều tra đã khởi tố ông Đoàn Tiến Dũng, nguyên phó tổng giám đốc BIDV, về tội nhận hối lộ (ông Dũng có thể đối mặt với án tử hình). Sau đó VKS lại truy tố ông này về tội lợi dụng chức vụ, quyền hạn gây ảnh hưởng với người khác để trục lợi (khung hình phạt tối đa là tù chung thân).

Phát biểu trên Pháp Luật TP.HCM,ông Đinh Văn Quế, nguyên Chánh Tòa Hình sự TAND Tối cao, cho rằng tội nhận hối lộ (Điều 279 BLHS) và tội lợi dụng chức vụ, quyền hạn… (Điều 283 BLHS) có nhiều dấu hiệu giống nhau nên các cơ quan tố tụng và người tiến hành tố tụng hay bị nhầm lẫn. Việc chuyển tội danh với ông Dũng là không chính xác.

MINH CƯỜNG

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm