Hoãn xử phúc thẩm vụ SAGRI vì 1 bị cáo không đảm bảo sức khỏe

(PLO)-  Bị cáo Trần Trọng Tuấn (cựu Giám đốc Sở Xây dựng TP.HCM) vắng mặt và có đơn xin hoãn vì lý do sức khỏe. 
0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam

Video: Hoãn xử phúc thẩm vụ SAGRI vì 1 bị cáo không đảm bảo sức khỏe

Ngày 11-5, TAND Cấp cao tại TP.HCM mở phiên phúc thẩm vụ vi phạm quy định về quản lý, sử dụng tài sản gây thất thoát lãng phí, tham ô tài sản xảy ra tại Tổng Công ty Nông nghiệp Sài Gòn (SAGRI).

Đáng chú ý, bị cáo Trần Trọng Tuấn (cựu Giám đốc Sở Xây dựng TP.HCM) vắng mặt và có đơn xin hoãn phiên tòa.

Trong đơn, ông Tuấn cho rằng hiện sức khỏe của ông yếu, bị khó thở, rối loạn tiêu hóa do di chứng hậu Covid-19… nên không đủ sức tham dự phiên tòa. Cạnh đó, người bào chữa cho ông Tuấn là luật sư Đặng Hoài Vũ cũng có đơn xin hoãn phiên tòa.

Bị cáo Lê Tấn Hùng bị dẫn giải đến phiên xử từ sớm. Ảnh: HOÀNG YẾN

Bị cáo Lê Tấn Hùng bị dẫn giải đến phiên xử từ sớm. Ảnh: HOÀNG YẾN

Đại diện VKS đề nghị HĐXX hoãn phiên tòa để đảm bảo quyền lợi cho bị cáo. Sau khi hội ý, HĐXX cho rằng bị cáo Tuấn kháng cáo kêu oan nên xét đề nghị của VKS là phù hợp. HĐXX ấn định ngày mở lại phiên xử là 8-6 đến 10-6.

Sau án sơ thẩm, 7/19 bị cáo đã kháng cáo. Cụ thể năm bị cáo kháng cáo xin giảm nhẹ hình phạt, gồm: Lê Tấn Hùng (cựu tổng giám đốc SAGRI), Trần Vĩnh Tuyến (cựu phó chủ tịch UBND TP.HCM), Nguyễn Thị Thúy (cựu Kế toán trưởng SAGRI), Đoàn Quang Hồi (Giám đốc Công ty TNHH TMDV lữ hành Hòa Bình Quốc tế), Nguyễn Thị Tuyết Mai (cựu Trưởng phòng Nhân sự hành chính SAGRI).

Bị cáo Tuấn kháng cáo đề nghị xem xét lại vụ án một cách công tâm, khách quan, không làm oan đối với bị cáo. Còn bị cáo Hồ Văn Ngon (cựu Phó tổng giám đốc SAGRI) kháng cáo toàn bộ bản án sơ thẩm theo hướng bảo vệ quyền lợi hợp pháp của bị cáo theo quy định pháp luật. Nhưng sau khi làm đơn kháng cáo thì ông đã qua đời do bệnh nặng (ngày 1/1/2022).

Trong phần thủ tục của phiên tòa hôm nay về vấn đề này, chủ tọa thông báo sẽ giải quyết theo quy định tố tụng.

Bên cạnh việc các bị cáo kháng cáo, Viện trưởng VKSND TP.HCM cũng ban hành kháng nghị một phần bản án sơ thẩm, đề nghị TAND cấp cao tại TP.HCM xét xử phúc thẩm theo hướng xác định thiệt hại của vụ án là số tiền thực tế nhà nước bị thất thoát tính đến thời điểm được ngăn chặn (tức thời điểm khởi tố vụ án - PV) như cáo trạng truy tố là 672 tỉ đồng.

Bị cáo Trần Vĩnh Tuyến khi chờ HĐXX hội ý. Ảnh: HOÀNG YẾN
Bị cáo Trần Vĩnh Tuyến khi chờ HĐXX hội ý. Ảnh: HOÀNG YẾN

Chiều 18-12-2021, TAND TP.HCM đã tuyên phạt bị cáo Hùng 14 năm tù về tội tham ô tài sản và 11 năm tù về tội vi phạm quy định về quản lý, sử dụng tài sản Nhà nước gây thất thoát, lãng phí. Tổng hợp hình phạt chung mà bị cáo Hùng phải chấp hành là 25 năm tù.

Ở tội vi phạm quy định về quản lý, sử dụng tài sản Nhà nước gây thất thoát, lãng phí, tòa tuyên phạt bị cáo Tuyến, Tuấn và Vân Trọng Dũng (nguyên chủ tịch HĐQT SAGRI) cùng mức án sáu năm tù…

HĐXX sơ thẩm xác định nội dung vụ án đúng như kết luận của cơ quan điều tra và cáo trạng của VKS. Các bị cáo phạm vào các tội danh mà VKS đã truy tố là vi phạm quy định về quản lý, sử dụng tài sản Nhà nước gây thất thoát, lãng phí; tham ô tài sản; thiếu trách nhiệm và che giấu tội phạm.

Về thiệt hại, HĐXX cho rằng thiệt hại được xác định tại thời điểm ký hợp đồng chuyển nhượng dự án và hoàn tất cập nhật sang tên trên giấy.

Theo kết luận giám định của hội đồng định giá Trung ương, tại thời điểm hoàn thành chuyển nhượng dự án gây thiệt hại hơn 348 tỉ. Việc VKS cáo buộc các bị cáo gây thiệt hại 672 tỉ (xác định tại thời điểm khởi tố) là chưa phù hợp quy định pháp luật.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm