Vụ SAGRI: VKS kháng nghị, 7 người kháng cáo

TAND Cấp cao tại TP.HCM đã nhận hồ sơ phúc thẩm vụ vi phạm quy định về quản lý, sử dụng tài sản gây thất thoát lãng phí, tham ô tài sản xảy ra tại Tổng công ty Nông nghiệp Sài Gòn (SAGRI).

Vụ án có bảy bị cáo kháng cáo và kháng nghị của viện trưởng VKSND TP.HCM. Cấp phúc thẩm đang tiến hành các bước làm rõ các kháng cáo và kháng nghị trước khi đưa vụ án ra xét xử theo quy định pháp luật.

Các bị cáo nghe tòa tuyên án sơ thẩm. Ảnh: H.YẾN

Kháng nghị về thiệt hại

Kháng nghị của VKS không đồng tình việc xác định thiệt hại của Nhà nước theo án sơ thẩm đã tuyên là 348 tỉ đồng. Từ đó, VKS đề nghị TAND Cấp cao tại TP.HCM xác định lại thiệt hại theo hướng số tiền thực tế Nhà nước bị thất thoát, lãng phí đến khi thiệt hại được ngăn chặn.

VKS cho rằng đến ngày 9-5-2018 mới hoàn tất việc chuyển nhượng nên đến thời điểm này SAGRI mất hoàn toàn quyền định đoạt đối với quyền sử dụng đất tại khu dân cư Phước Long B, quận 9. Án sơ thẩm lấy ngày 22-7-2017 (thời điểm ký hợp đồng chuyển nhượng) là không đúng với Điều 10 Nghị quyết 03 của Hội đồng thẩm phán TAND Tối cao.

Kể từ khi SAGRI mất quyền kiểm soát, định đoạt với quyền sử dụng đất, tài sản gắn liền trên đất thì toàn bộ lợi ích trên đất, Nhà nước không được khai thác dẫn đến gây lãng phí. Thiệt hại đó của Nhà nước kéo dài đến ngày 19-7-2019, thời điểm mà Cơ quan CSĐT Bộ Công an có văn bản yêu cầu tạm dừng mọi biến động đối với dự án. 

Cạnh đó, cáo trạng không truy tố các bị cáo hành vi chiếm đoạt tài sản mà xử lý các bị cáo về hành vi gây thất thoát, lãng phí tài sản của Nhà nước. Vì vậy, thiệt hại của Nhà nước phải được xác định tại thời điểm việc thất thoát, lãng phí được ngăn chặn. Do đó, cáo trạng xác định thiệt hại của vụ án là 672 tỉ đồng.

7/19 bị cáo kháng cáo

Về kháng cáo, năm bị cáo Trần Vĩnh Tuyến (cựu phó chủ tịch UBND TP.HCM), Lê Tấn Hùng (cựu tổng giám đốc SAGRI), Nguyễn Thị Thúy (kế toán trưởng SAGRI), Nguyễn Thị Tuyết Mai (trưởng Phòng nhân sự hành chính SAGRI), Đoàn Quang Hồi (giám đốc Công ty Lữ hành Hòa Bình Quốc Tế) xin giảm nhẹ hình phạt.

Đáng chú ý, bị cáo Hồ Văn Ngon (cựu phó giám đốc SAGRI) có kháng cáo toàn bộ bản án sơ thẩm nhưng sau khi làm đơn ông đã chết. Trước đó, trong quá trình xét xử sơ thẩm, bị cáo Ngon bị bệnh nặng, có đơn xin xét xử vắng mặt. Bị cáo này bảo lưu tất cả lời khai tại quá trình điều tra và ủy quyền cho luật sư tham gia tố tụng.

Vẫn giữ quan điểm mình bị oan, bị cáo Trần Trọng Tuấn (cựu giám đốc Sở Xây dựng TP.HCM) kháng cáo toàn bộ bản án sơ thẩm. Theo ông, bản án tuyên buộc về tội danh và mức án hoàn toàn không đúng với sự thật khách quan, không đúng quy định của pháp luật và làm oan cho ông.

Tòa, viện bất đồng quan điểm xác định thiệt hại

Như đã thông tin, chiều 18-12-2021, TAND TP.HCM đã tuyên phạt bị cáo Hùng 14 năm tù về tội tham ô tài sản và 11 năm tù về tội vi phạm quy định về quản lý, sử dụng tài sản nhà nước gây thất thoát, lãng phí. Tổng hợp hình phạt chung của hai tội mà bị cáo Hùng phải chấp hành là 25 năm tù.

Ở tội vi phạm quy định về quản lý, sử dụng tài sản nhà nước gây thất thoát, lãng phí, tòa tuyên phạt bị cáo Tuyến, Tuấn và Vân Trọng Dũng (nguyên chủ tịch HĐQT SAGRI) cùng mức án sáu năm tù…

HĐXX xác định nội dung vụ án đúng như kết luận của cơ quan điều tra và cáo trạng của VKS. Các bị cáo phạm vào các tội danh mà VKS đã truy tố vi phạm quy định về quản lý, sử dụng tài sản nhà nước gây thất thoát, lãng phí, tham ô tài sản, thiếu trách nhiệm và che giấu tội phạm.

Về thiệt hại, HĐXX cho rằng việc thiệt hại được xác định tại thời điểm ký hợp đồng chuyển nhượng dự án và hoàn tất cập nhật sang tên trên giấy. Theo kết luận giám định của Hội đồng định giá Trung ương là tại thời điểm hoàn thành chuyển nhượng dự án gây thiệt hại hơn 348 tỉ đồng. VKS cáo buộc thiệt hại tại thời điểm khởi tố 672 tỉ đồng là chưa phù hợp pháp luật.•

 

Nội dung kháng cáo của bị cáo Trần Trọng Tuấn

Trong đơn kháng cáo, bị cáo Trần Trọng Tuấn đề nghị cấp phúc thẩm xem xét cẩn trọng để giải quyết vụ án một cách công tâm, khách quan và phù hợp quy định của pháp luật. Từ đó, bị cáo đề nghị tòa phúc thẩm tuyên mình không phạm tội vi phạm quy định về quản lý, sử dụng tài sản nhà nước gây thất thoát, lãng phí.

Bị cáo Tuấn nêu nhiều lý do trên nhiều trang giấy và cho là án sơ thẩm đã tuyên phạt hình phạt quá nặng nề và đau đớn, oan cho bị cáo và gia đình.

Cụ thể, bị cáo Tuấn không đồng tình với nhận định của bản án sơ thẩm về việc chưa đảm bảo điều kiện pháp lý để chuyển nhượng toàn bộ dự án bất động sản, vì chưa xây dựng Đề án tái cơ cấu doanh nghiệp (DN) giai đoạn 2016-2020 và chưa có phương án thoái vốn trình cấp có thẩm quyền phê duyệt.

Theo bị cáo, SAGRI nộp hồ sơ đề nghị chuyển nhượng toàn bộ dự án là hợp pháp và phù hợp với Đề án tái cơ cấu DN giai đoạn 2013-2015 đã được phê duyệt. Bản án nhận định rằng dự án chưa đảm bảo các điều kiện theo quy định của pháp luật là không phù hợp với sự thật khách quan của vụ án và không phù hợp với quy định của pháp luật.

Bị cáo Tuấn đề nghị HĐXX cấp phúc thẩm xem xét lại việc áp dụng Điều 64 Luật Quản lý, sử dụng tài sản nhà nước đầu tư vào sản xuất, kinh doanh tại DN năm 2014 vì không liên quan trách nhiệm công vụ của bị cáo theo quy định của pháp luật.

Đồng thời, ông Tuấn kiến nghị xem xét lại việc áp dụng các quy định của pháp luật có liên quan và áp dụng Thông tư liên tịch số 88/2016/TTLT-BTC-BTNMT ngày 22-6-2016 của Bộ Tài chính - Bộ TN&MT quy định về hồ sơ và trình tự, thủ tục tiếp nhận, luân chuyển hồ sơ xác định nghĩa vụ tài chính về đất đai của người sử dụng đất.

Và việc chuyển nhượng toàn bộ số vốn của SAGRI đã đầu tư trong dự án bất động sản tại phường Phước Long B, quận 9 không phải tiến hành đấu giá công khai…

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm