Tôi mới xem bài báo “Căm phẫn tài xế taxi kéo lê xác nạn nhân hơn 1km”, Nguyễn Viết Hải lái xe taxi cũng hoảng loạn kéo lê chị Đặng Thị Minh Loan và chị Loan đã chết trong vụ bị xe container cán ba lần (không biết do tai nạn chết ngay hay do kéo lê đến chết) sau khi lái ẩu gây tai nạn. Và Hải chỉ bị truy tố về tội "vi phạm quy định về điều khiển phương tiện giao thông đường bộ” theo khoản 2 Điều 202 Bộ luật Hình sự. Trong khi đó khách ngồi trên xe đã đề nghị Hải dừng xe khi nghe tiếng động lạ dưới sàn xe do xe Hải kéo lê chị Loan. Luận điệu tài xế Hải cũng là hoảng loạn sau khi gây tai nạn.
Tôi thật xót xa cho các nạn nhân như em Hội, chị Loan. Càng khiếp đảm hơn với mức hoảng loạn của các tài xế. Nếu đường vắng, ai dám bảo tài xế sẽ bình tĩnh dừng xe cấp cứu nạn nhân? Còn nếu đông người thì hoảng loạn tiến lùi cán người cho đến chết hoặc kéo lê cả cây số. Khi bị ôtô đụng vào là cầm chắc cái chết vì bao giờ họ cũng hoảng loạn đến khi người chết mới thôi. Tôi không ghét Tuấn và Hải, tôi lên án việc độc ác, lạnh lùng của những tài xế như họ.
Việc nhiều tài xế ôtô bị hoảng loạn sau khi gây tai nạn phải chăng trở thành một "bài bản" của cánh tài xế? Và những người bảo vệ họ liệu có trung thực với lòng mình chưa?
Hãy thật sự nghiêm minh và trung thực để xử lý thích đáng những kẻ phạm tội kiểu này. Vì chỉ có vậy mới công bằng cho những người bị hại. Vì chỉ có vậy mới đảm bảo an toàn cho tính mạng của mỗi con người đang tham gia giao thông trên những con đường khắp đất nước Việt Nam. Tôi cũng thiết nghĩ tài xế nào cũng đã được học lái xe, cũng thi lý thuyết, thi thực hành, cũng học hết các tình huống mà người lái xe sẽ gặp. Và khi được cấp bằng lái họ đã có trình độ chuyên môn lái xe nhất định, cụm từ "hoảng loạn" có thể dùng cho người mới tập lái. Nhưng một tài xế có bằng lái thì không có quyền "hoảng loạn".
Vì vậy, những ai sử dụng cụm từ này để bào chữa, họ đã sai. Cái sai là họ đã quy tội cho các trường lái cấp bằng cho các tài xế chưa đủ trình độ chuyên môn trong nghề (chỉ có vậy thì tài xế mới hoảng loạn sau khi gây tai nạn). Bởi vì rất nhiều tài xế ở Việt Nam có tay nghề cao, nhất là có tâm. Họ luôn cẩn thận khi ngồi sau vô lăng và nếu có tai nạn xảy ra bao giờ họ cũng bình tĩnh xử lý: bỏ xe chạy đến công an gần nhất (tránh bức xúc có thể xảy ra cho họ, sau đó tiếp tay cứu hộ nạn nhân). Chúng ta không thể xem “một kẻ xem thường mạng sống của người khác” như là “một kẻ yếu tay nghề”, bởi vì nếu yếu tay nghề họ đã không được cấp bằng lái.
TRẦN THANH ÂN (tranthanhan...@gmail.com)