Ngày 30-11, kỳ hội nghị G20 gay cấn nhất trong một thập niên trở lại đây khai mạc tại thủ đô Buenos Aires của Argentina và sẽ diễn ra đến hết hôm nay, 1-12 (giờ địa phương).
Gay cấn, đầy biến động
Kỳ họp G20 này chia làm hai kênh. Một kênh gồm cuộc gặp giữa các lãnh đạo ngân hàng trung ương và bộ trưởng tài chính các nước, bàn các chính sách hợp tác tài chính và tiền tệ toàn cầu. Kênh thứ hai, các lãnh đạo kinh tế toàn cầu và một số vấn đề phi tài chính khác như biến đổi khí hậu, năng lượng, nỗ lực chống tham nhũng.
Theo Fox News, kịch tính đã xảy ra giữa các nước từ trước khi hội nghị G20 diễn ra. Có lý do để gọi đây là kỳ hội nghị G20 gay cấn nhất khi diễn ra trong bối cảnh thế giới đang có quá nhiều biến động về thương mại lẫn chính trị. Về thương mại, Mỹ và thế giới đang trong cuộc chiến đánh thuế nhập khẩu kể từ khi Mỹ đánh thuế lên nhôm và thép các nước nhập vào Mỹ giữa năm nay. Cuộc chiến thương mại giữa Mỹ và Trung Quốc (TQ) đang cực kỳ căng thẳng khi hai bên đã hai lần đánh thuế lên hàng của nhau và Tổng thống Mỹ Donald Trump đe dọa gói thuế quan thứ ba đánh lên 267 tỉ đô hàng TQ đã sẵn sàng.
Về chính trị, G20 diễn ra giữa lúc các nước phương Tây đang rất khó xử với chuyện nhà báo Jamal Khashoggi bị giết mà người đứng đằng sau được CIA cho là thái tử Saudi Arabia. Anh thì đang rốt ráo xúc tiến Brexit - rời khỏi Liên minh châu Âu (EU). Thỏa thuận đã được EU thống nhất và đang chờ Quốc hội Anh duyệt vào giữa tháng 12. Và mới nhất là vụ Nga bắt ba tàu Ukraine ở eo biển Kerch thuộc biển Đen.
Từ trái sang: Tổng thống Mexico Enrique Peña Nieto, Tổng thống Mỹ Donald Trump, Thủ tướng Canada Justin Trudeau trong lễ ký thỏa thuận thương mại mới thay thế NAFTA tại Argentina ngày 30-11. Ảnh: CNN
Chú ý đổ dồn vào cuộc gặp Trump-Tập
Các thị trường tài chính và tiêu dùng thế giới đang theo dõi sát sao diễn biến và kết quả hội nghị, đặc biệt là cuộc gặp giữa Tổng thống Mỹ Donald Trump và Chủ tịch TQ Tập Cận Bình dự kiến diễn ra trong phiên ăn tối làm việc hôm nay, 1-12. Cuộc chiến thương mại Mỹ-Trung bắt đầu từ giữa năm đến nay chưa có dấu hiệu hạ nhiệt. Mỹ đã đánh thuế lên 250 tỉ đô hàng TQ và TQ cũng đã đánh thuế lên 110 tỉ đô hàng Mỹ.
Lãnh đạo ba nước Mỹ, Mexico, Canada ngày 30-11 đã ký một thỏa thuận thương mại mới thay thế Thỏa thuận thương mại tự do Bắc Mỹ (NAFTA) mà theo ông Trump là thỏa thuận “có ý nghĩa nhất và lớn nhất” trong lịch sử Mỹ. |
Ông Ryan Hass, cựu quan chức Hội đồng An ninh Quốc gia chính phủ Obama, nhận định cuộc gặp Trump-Tập là cơ hội lớn nhất để hai nước cải thiện quan hệ. Khả năng lớn ông Trump sẽ nhắc lại các phàn nàn của Mỹ về chuyện cáo buộc TQ ăn cắp tài sản trí tuệ, có chính sách thương mại không công bằng. Phần mình, ông Tập hy vọng Mỹ hoãn hoặc bỏ kế hoạch áp gói thuế quan mới lên hàng TQ.
China Daily ngày 30-11 lạc quan TQ và Mỹ có thể đạt được thỏa thuận thương mại tại hội nghị này với điều kiện Mỹ phải có thiện chí. Một ngày trước hội nghị, Bộ Thương mại TQ hy vọng sẽ có “kết quả tích cực” trong đàm phán. Dữ liệu chính thức từ chính phủ TQ cho thấy lĩnh vực sản xuất nước này thời điểm tháng 11 bị ngưng trệ lần đầu tiên trong hai năm. Số đơn hàng xuất khẩu bị giảm liên tục trong sáu tháng liền.
Có thông tin Cố vấn thương mại Nhà Trắng Peter Navarro cũng sẽ có mặt trong cuộc gặp và theo CNBC, điều này giảm đi hy vọng về một thỏa thuận khi ông Navarro được biết là có quan điểm cứng rắn về thương mại với TQ. Chưa hết, ông Trump ngày 29-11 nói đã “gần” đến lúc ông phải làm gì đó về thương mại với TQ nhưng ông không chắc mình có muốn làm điều này không. Chỉ vài ngày trước cuộc gặp, ông Trump còn lên tiếng dọa sẽ áp gói thuế quan thứ ba lên 267 tỉ đô hàng TQ nếu cuộc gặp với ông Tập không có kết quả.
Nhiều nhà phân tích cho rằng cuộc chiến thương mại hai bên sẽ không chấm dứt chỉ nhờ cuộc gặp này. Theo chuyên gia về TQ Bonnie Glaser tại Trung tâm Nghiên cứu Chiến lược và Quốc tế (ISCS, Mỹ), hai ông “sẽ có những lời dễ chịu về tầm quan trọng của quan hệ song phương nhưng sẽ không giải quyết được điều gì”.
Ông Trump hủy gặp ông Putin Trên Twitter ngày 29-11, Tổng thống Mỹ Donald Trump chính thức hủy cuộc gặp với Tổng thống Nga Vladimir Putin vì “Nga chưa trả các tàu và thủy thủ cho Ukraine”. Đây là điều bất ngờ khi chỉ một giờ trước đó ông Trump còn nói với báo chí ông vẫn có thể gặp ông Putin tại kỳ họp G20 này. Theo Nhà Trắng thì ông Trump ra quyết định này sau cuộc họp với Ngoại trưởng Mike Pompeo, Chánh Văn phòng Nhà Trắng John Kelly, Cố vấn an ninh quốc gia John Bolton. Đây cũng là điều bất ngờ với Nga vì chỉ biết điều này qua phát ngôn của ông Trump trên Twitter, chứ không phải qua kênh ngoại giao chính thức. Ngày 29-11, Nga nói vẫn tiếp tục sắp xếp cho cuộc gặp dù khả năng này đã được ông Trump đề cập đến ngày trước đó, khi sự việc Nga bắt tàu Ukraine mới xảy ra. Phản ứng trước diễn biến này, Bộ Ngoại giao Nga ngày 30-11 nói chính “tình hình chính trị nội bộ Mỹ” mới là nguyên nhân thực sự khiến ông Trump hủy gặp ông Putin. |