Tổng thống Ukraine Petro Poroshenko ngày 29-11 cáo buộc Tổng thống Nga Vladimir Putin muốn sáp nhập toàn bộ Ukraine, kêu gọi NATO giúp đỡ bằng cách triển khai tàu chiến đến biển Azov vốn là khu vực Ukraine và Nga cùng chia sẻ.
“Đừng tin vào những lời dối trá của ông Putin. Ông Putin muốn quay lại đế chế Nga cũ. Crimea, Donbass, toàn bộ đất nước. Như một Nga hoàng, ông ta cho rằng đế chế của mình không thể hoạt động tốt nếu thiếu Ukraine. Ông ta coi chúng tôi là thuộc địa của mình” - ông Poroshenko nói với Bild - tờ báo bán chạy nhất của Đức.
Ông Poroshenko nói với Bild rằng ông muốn NATO triển khai tàu chiến đến biển Azov. Hải quân Ukraine cũng đang cố thuyết phục Thổ Nhĩ Kỳ phong tỏa eo biển Bosphorus với các tàu Nga.
Nhân viên Cơ quan An ninh Liên bang Nga dẫn một thủy thủ Ukraine bị bắt cùng ba tàu Ukraine ra tòa đầu tuần này. Ảnh: REUTERS
NATO trước nay vẫn thường xuyên tuần tra và hoạt động trên biển Đen, đặc biệt sau khi Nga sáp nhập Crimea. NATO ngay từ đầu lên án Nga bắt tàu Ukraine, tuyên bố ủng hộ Ukraine trong chuyện này. Tuy nhiên, chưa biết mong muốn của ông Poroshenko có thành hiện thực không khi Ukraine không phải là thành viên NATO.
Đến thời điểm này các đồng minh phương Tây của Ukraine vẫn chưa đưa ra lời đề nghị hỗ trợ nào, dù ông Peroshenko từng ít nhất hai lần cảnh báo đến khả năng Nga xâm lược Ukraine. Trước mắt, Thủ tướng Đức Angela Merkel nói bà nghĩ sẽ không có giải pháp quân sự cho khủng hoảng Nga-Ukraine.
Biểu tình, phóng hỏa trước Đại sứ quán Nga ở Kiev (Ukraine). Ảnh: REUTERS
Ông Poroshenko cũng đề nghị Đức ngưng dự án Nord Stream 2 - hợp tác xây dựng đường ống khí đốt dưới biển để mua trực tiếp khí đốt từ Nga. Tuy nhiên, Bộ trưởng Kinh tế Đức Peter Altmaier bác bỏ ý này.
Khi sự việc Nga bắt tàu mình mới xảy ra, ông Poroshenko đã đề nghị Liên minh châu Âu trừng phạt Nga, tuy nhiên theo nhiều nhà ngoại giao, khả năng sẽ không xảy ra, ít nhất trong tương lai gần.
Bộ trưởng Hạ tầng Ukraine Volodymyr Omelyan ngày 29-11 cho biết Nga đã phong tỏa hai cảng biển Ukraine trên biển Azov, cấm các tàu đi và đến biển này qua eo biển Kerch gần Crimea, nối biển Đen với biển Azov.
Tuy nhiên, điện Kremlin bác bỏ phía Nga có động thái này, nói rằng không nghe bất cứ phàn nàn hay vấn đề gì về chuyện này. Nga cũng nói ông Poroshenko chủ ý đưa ra lời kêu gọi NATO đưa tàu chiến đến biển Azov nhằm làm gia tăng hơn nữa căng thẳng tại khu vực. Theo nhiều nhà quan sát, viễn cảnh tàu chiến NATO kéo đến biển Azov sẽ bị Nga xem là hành động thù địch.
Tàu Nga truy đuổi bắt tàu Ukraine trên biển Đen ngày 25-11. Ảnh: RT
Nga ngày 29-11 đã triển khai một tiểu đoàn hệ thống tên lửa phòng thủ đất đối không S-400 đến Crimea. Đây là tiểu đoàn S-400 thứ tư Nga đưa đến Crimea, TASS dẫn lời một người phát ngôn Hạm đội biển Đen của Nga cho biết.
Dẫn nguồn tin an ninh Crimea, Interfax cho biết Nga cũng lên kế hoạch xây dựng một trạm radar cảnh báo sớm tên lửa ở Crimea vào năm tới có khả năng phát hiện và truy đuổi tên lửa đạn đạo và tên lửa hành trình. Cũng theo Interfax, Nga cũng đang có kế hoạch lắp đặt một hệ thống kỹ thuật cho phép theo dõi tốt hơn tàu thuyền di chuyển quanh bán đảo Crimea.