Hôm nay, Quốc hội lấy phiếu tín nhiệm

* Báo chí được tham dự đưa tin về kết quả lấy phiếu.

Khẳng định lá phiếu cầm trên tay nhẹ nhàng nhưng trách nhiệm rất nặng nề, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng lưu ý phải thật công tâm, khách quan, chính xác trong việc lấy phiếu tín nhiệm. Đặc biệt cần sử dụng những thông tin chính thống để đánh giá.

Ông Hùng cho hay qua thảo luận về tình hình kinh tế-xã hội, quốc phòng, an ninh, đối ngoại, giữ vững độc lập chủ quyền, Quốc hội thấy rằng công tác hành pháp, tư pháp, lập pháp của đất nước đều có chuyển biến tích cực. Việc lấy phiếu tín nhiệm lần này cũng là một biện pháp đánh giá nhằm mục đích thúc đẩy hoàn thành thắng lợi nhiệm vụ kinh tế-xã hội, quốc phòng, an ninh, hành pháp, lập pháp tạo ra chuyển biến tích cực trong toàn Đảng, toàn dân.

Theo ông Hùng, căn cứ để đánh giá tín nhiệm là báo cáo tự đánh giá của cá nhân được lấy phiếu tín nhiệm cũng như căn cứ vào các hoạt động thực tiễn, chất vấn, ý kiến của cử tri, nhân dân cả nước… “Đại biểu nào không có lý do bất khả kháng thì ngày mai phải có mặt tại Quốc hội, kể cả những người đang đi học để tham gia bỏ phiếu” - chủ tịch Quốc hội nhắc nhở.

Bên cạnh đó, chủ tịch Quốc hội cũng lưu ý, các đại biểu cần phải tự mình căn cứ vào nhận thức đánh giá của chính mình và căn cứ vào những thông tin chính thức để xác nhận, phân tích, đánh giá. Đối với những thông tin không chính thức như khiếu nại, tố cáo, văn bản này văn bản khác… thì những thông tin đó chưa được sàng lọc, kiểm nghiệm và nó không phải thông tin chính thức, chưa đủ căn cứ để đại biểu Quốc hội sử dụng. “Đại biểu Quốc hội cần cảnh giác với các loại thông tin đó, không nên sử dụng thông tin không chính thức. Quan trọng, nếu nhầm lẫn thông tin, nghiêng về mặt này mặt kia, kết quả đánh giá sẽ không chính xác” - chủ tịch Quốc hội lưu ý. 

Các đại biểu Quốc hội ấn nút biểu quyết danh sách những người được Quốc hội tiến hành lấy phiếu tín nhiệm. Ảnh: TTXVN

Theo chủ tịch Quốc hội, nói Quốc hội đánh giá tín nhiệm nhưng thực chất là từng vị đại biểu Quốc hội đánh giá chứ không phải cả Quốc hội thảo luận tập thể để biểu quyết. “Trọng trách nằm ở từng vị đại biểu Quốc hội, đòi hỏi mỗi vị đại biểu phải làm việc công tâm, trách nhiệm, khách quan, chính xác khi tiến hành công việc hệ trọng này” - Chủ tịch Quốc hội nhấn mạnh.

Theo lịch trình, sáng nay (ngày 15-11), Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội Nguyễn Hạnh Phúc sẽ trình bày báo cáo tổng hợp kết quả thảo luận ở đoàn về việc lấy phiếu tín nhiệm đối với 50 chức danh lãnh đạo. Sau đó Quốc hội sẽ bầu ban kiểm phiếu và tiến hành lấy phiếu tín nhiệm đối với từng chức danh. Mỗi đại biểu sẽ có 30 phút để ghi lá phiếu bầu nhằm có thời gian cân nhắc kỹ lưỡng trước khi bỏ phiếu.

Việc công bố kết quả kiểm phiếu sẽ diễn ra vào cuối buổi chiều cùng ngày và báo chí được tham dự đưa tin đối với kết quả trên.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm